4 nhóm tài nguyên không điều chỉnh thuế suất
Đối với các sản phẩm khác của rừng tự nhiên (như cành, ngọn, gốc, rễ, tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô, trầm hương, kỳ nam, hồi quế, sa nhân, thảo quả và sản phẩm khác của rừng tự nhiên) đang được quy định ở mức sàn của khung thuế suất.
Đối với các sản phẩm chính (gỗ) của rừng tự nhiên hiện đang được quy định ở mức thuế suất trần của khung thuế suất. Theo Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 928/2010/UBTVQH12 thì việc quy định như hiện hành là phù hợp để bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên của rừng tự nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học của rừng. Đối với các sản phẩm khác của rừng tự nhiên đang được quy định ở mức sàn của khung thuế suất thì chủ yếu là những sản phẩm khai thác nhỏ lẻ của các hộ gia đình, cá nhân, sản lượng không lớn, số thu không đáng kể. Do đó, dự thảo không điều chỉnh mức thuế suất đối với các sản phẩm của rừng tự nhiên.
Nhóm hải sản tự nhiên, Luật thuế Tài nguyên quy định khung thuế suất đối với nhóm hải sản tự nhiên là 1-10%, trong đó ngọc trai, bào ngư, hải sâm là từ 6-10% và hải sản tự nhiên khác là từ 1-5%. Tuy nhiên, Luật thuế Tài nguyên cũng đã quy định miễn thuế đối với hải sản tự nhiên.
Bộ Tài chính cho rằng, việc quy định miễn thuế tài nguyên đối với hải sản tự nhiên hiện vẫn đang còn phù hợp, nhằm đảm bảo chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với ngư dân do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, việc khai thác, đánh bắt hải sản, nhất là đánh bắt xa bờ là lĩnh vực rủi ro lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay đời sống ngư dân hiện còn nhiều khó khăn. Do đó, dự thảo vẫn giữ như quy định của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH12 để đảm bảo đầy đủ các mức thuế suất theo loại tài nguyên đã được quy định tại Luật thuế Tài nguyên.
Mức thuế suất đối với yến sào thiên nhiên đang được quy định ở mức trần (20%) và trong quá trình thực hiện không có vướng mắc. Trên cơ sở đó, dự thảo vẫn giữ như hiện hành để bảo vệ nguồn tài nguyên quý hiếm, có giá trị kinh tế lớn.
Đối với nhóm dầu thô và khí thiên nhiên, khí than, Luật thuế Tài nguyên quy định khung mức thuế suất đối với dầu thô là từ 6-40% và khí than, khí thiên nhiên là từ 1-30%.
Nghị quyết số 928/2012/UBTVQH12 đã quy định riêng biểu mức thuế suất đối với dầu thô và khí thiên nhiên, khí than, với mức thuế suất cụ thể từ 7% đến 29% đối với dầu thô và từ 1% đến 10% đối với khí thiên nhiên, khí than.
Hiện nay, việc khai thác dầu khí thường được thực hiện theo các dự án và thường liên quan đến các dự án lớn, nhà đầu tư lớn do Chính phủ hoặc cơ quan được Chính phủ ủy quyền đứng ra ký kết hợp đồng riêng (theo các hình thức hợp đồng chia sản phẩm, hợp đồng liên doanh hoặc các hình thức khác), trong đó mức thuế suất áp dụng đối với dầu khí cũng sẽ được quy định cụ thể trong hợp đồng theo Biểu thuế suất quy định.
Do đó, trong trường hợp điều chỉnh mức thuế suất đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than thì cũng không thể điều chỉnh đối với các dự án hiện tại mà chỉ có thể áp dụng đối với các dự án mới. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, hiện nay các khu vực chưa khai thác, phần lớn điều kiện khai thác khó khăn hơn so với các dự án hiện tại, nếu phải áp dụng mức thuế suất cao hơn sẽ không phù hợp.
Qua tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chính sách thuế Tài nguyên cho thấy, số thu thuế tài nguyên bình quân giai đoạn 2010-2012 từ dầu khí đạt 29.841 tỷ đồng/năm, chiếm gần 84% tổng số thu thuế tài nguyên và đang được thực hiện ổn định. Do đó, Bộ Tài chính giữ nguyên mức thuế suất thuế Tài nguyên đối với nhóm dầu thô và khí thiên nhiên, khí than như hiện hành.
Như vậy, dự thảo Nghị quyết số 928/2012/UBTVQH12 đã điều chỉnh các mức thuế suất thuế tài nguyên đối với 13 loại tài nguyên. Với các mức thuế suất dự tính điều chỉnh, số thu thuế tài nguyên tăng lên khoảng 2.279 tỷ đồng.
Nguồn Báo Hải quan