4 hệ lụy từ tích trữ vàng vật chất
Việt Nam đã có thời điểm là một trong những nước tích trữ vàng nhiều nhất thế giới. Theo đánh giá của Hội đồng Vàng thế giới, năm 2011, lượng vàng trung bình người Việt Nam mua đã vượt Trung Quốc và Ấn Độ, trở thành nước nắm giữ lượng vàng lớn nhất thế giới. Ở thời điểm đó, giá vàng ở Việt Nam tăng 18%, cao hơn 11% giá vàng thế giới.
Tuy nhiên, thời gian gần đây với những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ, tình hình kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến khả quan: lạm phát được kiềm chế và giữ ổn định; Các kênh đầu tư như thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản có những tín hiệu tích cực…, khiến cho nhu cầu tích trữ vàng của người dân có xu hướng giảm sút, khoảng cách chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới không còn quá xa.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, là một nền kinh tế đang phát triển, thu nhập và mức tiết kiệm toàn xã hội chưa phải là cao trong khi nhu cầu về vốn cho đầu tư là rất lớn và luôn trong trạng thái thiếu hụt thì một lượng vốn lớn của dân cư vẫn tồn đọng trong vàng vật chất đã và đang gây ra nhiều hệ quả tiêu cực. Theo Quỹ Quản lý các công ty quản lý quỹ và các quỹ đầu tư chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) thì việc tích lũy vàng chất có những hệ lụy dưới đây:
Thứ nhất, việc sử dụng vàng làm công cụ tiết kiệm và thanh toán giao dịch tương đối phổ biến của người dân, đặc biệt trong các giao dịch bất động sản, làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ. Đặc biệt, trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng mạnh, việc sử dụng vàng cho các mục đích tiền tệ sẽ làm tăng giá các tài sản trong giao dịch và thanh toán bằng vàng, gây sức ép không nhỏ tới lạm phát trong nền kinh tế.
Thứ hai, việc nhập khẩu vàng vật chất cung cấp cho người dân làm giảm dự trữ ngoại tệ, giảm tính linh hoạt và dư địa của Chính phủ trong xử lý các tình huống ngăn ngừa khủng hoảng rủi ro.
Thứ ba, lượng vốn tích trữ dưới hình thức vàng vật chất không được tái đầu tư, càng làm giảm vốn đầu tư của xã hội, đặc biệt từ khu vực tư nhân. Điều này gián tiếp đặt gánh nặng lên ngân sách nhà nước và Chính phủ trong đầu tư phát triển kinh tế.
Thứ tư, hoạt động hiện tại của thị trường vàng trong nước đã có tác động không chỉ tới các vấn đề quản lý tiền tệ, ổn định vĩ mô và huy động nội lực phát triển kinh tế -xã hội mà còn tạo ra nhiều dư luận xã hội tiêu cực. Việc thiếu cơ chế kết nối thị trường vàng trong nước với thị trường vàng quốc tế còn chứa đựng nhiều rủi ro, và tác động tiêu cực tới hiệu quả các chính sách vĩ mô.
(Theo Tài Chính)