4 cá nhân đứng sau chuỗi lẩu nướng, bia tươi doanh thu nghìn tỷ
Sở hữu thương hiệu 20 chuỗi nhà hàng từ lẩu nướng, BBQ, đồ Nhật, bia tươi với doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm, cơ cấu cổ đông của Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) kể từ khi thành lập đến nay khá tập trung, khi chỉ có từ 3 đến 5 cổ đông cá nhân nắm quyền chi phối hơn 99% vốn điều lệ.
Theo báo cáo tài chính của Golden Gate, 4 cổ đông lớn nhất đang chi phối 99,1% vốn điều lệ của công ty gồm Công ty cổ phần Golden Gate Partners (54,4%) và 3 cổ đông cá nhân là Đào Thế Vinh (13,86%), Trần Việt Trung (15,56%), Nguyễn Xuân Tường (15,28%).
Tại Golden Gate Partners, cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Sakura Invest (nắm 38,32% cổ phần). Theo dữ liệu của Hệ thống thông tin doanh nghiệp quốc gia, cả hai pháp nhân nêu trên đều được thành lập do vốn góp từ 3 cổ đông cá nhân còn lại của Golden Gate và một cá nhân khác là bà Trần Thị Bạch Yến (góp 87,4% vốn vào Sakura Invest). Như vậy, 4 cổ đông nêu trên là những người sở hữu gần như toàn bộ Golden Gate.
Với hoạt động kinh doanh tăng trưởng nhanh nhờ hàng loạt chuỗi nhà hàng được giới trẻ và dân công sở ưa chuộng, lợi nhuận sau thuế mỗi năm đơn vị này đem về đã gấp nhiều lần vốn góp. Cụ thể, năm 2015, Golden Gate đạt lợi nhuận hơn 154 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với vốn điều lệ (hơn 62 tỷ đồng). Chỉ số EPS (earning per share) - thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu đạt gần 25.000 đồng, gấp 2,5 lần mệnh giá.
Cơ cấu sở hữu của Golden Gate theo số liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Ảnh: Minh Sơn |
Golden Gate được thành lập từ năm 2008 với vốn điều lệ 32 tỷ đồng do 5 cổ đông cá nhân góp vốn. Đến giữa năm 2014, sau nhiều lần chuyển nhượng và thoái vốn, cơ cấu cổ đông của công ty rút lại còn ba cổ đông chính, cũng là 3 trong số 5 cổ đông sáng lập ban đầu, gồm ông Trần Việt Trung (sở hữu 35,27% vốn điều lệ), ông Đào Thế Vinh (35,27%) và Nguyễn Xuân Tường (29,45%).
Một năm sau đó, cơ cấu cổ đông của đơn vị này một lần nữa có sự xáo trộn đáng kể, với sự xuất hiện của một cổ đông tổ chức là Công ty Golden Gate Partners với sở hữu 54,4%, ba cổ đông từng sở hữu 99% vốn điều lệ của công ty năm 2014 giảm sở hữu còn từ 13,86% - 15,56% mỗi cá nhân.
Năm 2008, đơn vị này sau khi mua lại tài sản của Công ty Dịch vụ Thương mại Hoàng Thành đã triển khai chuỗi nhà hàng đầu tiên mang thương hiệu Ashima gồm 3 nhà hàng tại Hà Nội và 3 nhà hàng tại TP HCM.
Năm 2013, với hai chuỗi nhà hàng Kichi-Kichi và Sumo BBQ hoạt động, doanh thu của Golden Gate đạt gần 510 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ sau khi triển khai thêm 4 thương hiệu mới, doanh thu năm 2014 đã tăng hơn gấp đôi lên 1.262 tỷ đồng. Đến năm 2015, với 19 thương hiệu chuỗi nhà hàng như Vuvuzela, Cowboy Jack's, City Beer Station hay Isushi..., Golden Gate đạt doanh thu 1.864 tỷ đồng, tăng hơn 50% cùng kỳ.
Trong kế hoạch năm 2016 được Hội đồng quản trị Golden Gate phê duyệt, với kế hoạch mở rộng chuỗi nhà hàng hiện có, doanh nghiệp này đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 54%, ước đạt 2.870 tỷ đồng.
Số liệu từ đơn vị này cũng cho biết, từ 500.000 lượt khách phục vụ năm 2008 với chuỗi nhà hàng đầu tiên là Ashima, đến năm 2016 tổng lượt khách phục vụ của Golden Gate đạt hơn 4 triệu lượt với 20 thương hiệu chuỗi nhà hàng, tăng hơn 14% so với năm 2015.
Tính đến 31/12/2015, tổng số nhân viên của Golden Gate đạt 2.800 người, tăng hơn gấp đôi so với mức 1.143 người của năm 2014. Với tổng chi phí nhân công trong năm gần 296 tỷ đồng, bình quân thu nhập cho mỗi nhân viên của hệ thống này đạt hơn 8,8 triệu đồng mỗi tháng.
Nguồn VnExpress