"4 - 6 tháng nữa mới có chuyển biến tích cực trên thị trường cho vay"
“Trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của DN còn hạn chế, thị trường bất động sản hoạt động cầm chừng và tổng cầu của nền kinh tế đang yếu, để đạt được mức tăng trưởng tín dụng đều đặn trên 1% mỗi tháng là nhiệm vụ hết sức khó khăn”, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch UBGS nhận định.
Báo cáo toàn cầu cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2013 do Nhóm nghiên cứu của Standard Chartered công bố mới đây thì cho rằng, lãi suất cao có thể là nguyên nhân khiến cho hoạt động tín dụng tăng trưởng yếu ớt.
Tuy nhiên, về vấn đề tiếp cận vốn của DN, ông Phạm Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ: “Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện rất tốt, các ngân hàng đều nóng lòng muốn đẩy vốn ra. Nhưng cung vốn là việc của ngân hàng, còn khả năng hấp thụ vốn thì phải phụ thuộc vào cả nền kinh tế”.
Theo TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, lãi suất đã giảm mạnh nhưng DN vẫn không mặn mà vay vốn. Để giải quyết được vấn đề này cần tăng tổng cầu, giải quyết sức mua, giải phóng hàng tồn kho, xử lý nợ xấu. Những yếu tố trên cần sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước. Song song với đó là các DN phải tái cấu trúc hoạt động sau một thời gian dài vay vốn, đầu tư quá dễ dãi gây nên hệ lụy “chết hàng loạt” khi gặp khó khăn như hiện nay.
Trong khi đó, TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, lãi suất đã trở về giai đoạn 2005 - 2007 và với bối cảnh nền kinh tế hiện nay, mức lãi suất này là khá hợp lý. Để sự hợp lý này ngấm vào nền kinh tế và tạo điều kiện giúp DN hồi sinh thì cần có thời gian.
"Với mặt bằng lãi suất hiện nay, ít nhất 4 - 6 tháng nữa mới có chuyển biến tích cực trên thị trường cho vay. Nếu quá sốt ruột có thể làm méo mó chính sách và tạo tín hiệu không tốt cho thị trường", ông Hùng nhận định.
Trong khi đó, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, nền kinh tế hiện rất khó khăn và DN là lực lượng đầu tàu nên đương nhiên sẽ chịu nhiều sóng gió. Tuy nhiên, câu chuyện hỗ trợ, hồi sinh các DN hiện nay không chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh ngành ngân hàng cũng đang phải quyết liệt cơ cấu lại hệ thống. Vì vậy, hạ lãi suất không thể quá đà và đó cũng không phải là liều thuốc “chữa bách bệnh” cho DN.
“Nếu nghĩ, cứ giảm mạnh lãi suất là băng tín dụng có thể tan là điều hoàn toàn sai lầm”, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn mạnh.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán