Hải Vân

 
Hải Vân Thứ Hai | 11/02/2019 09:00

32 triệu lao động đang làm những công việc dễ tổn thương

Tăng trưởng không phải là thước đo về chất lượng cuộc sống con người

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) xây dựng “Báo cáo về tương lai thị trường Việt Nam” giữa lúc Việt Nam vừa phê chuẩn công ước 88 của ILO về dịch vụ việc làm và bắt đầu thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Cách nhìn khá hạn hẹp

Valentina Barcucci, Chuyên gia kinh tế lao động của ILO tại Việt Nam, cho biết, việc làm, một chỉ tiêu để tính tăng trưởng kinh tế, là một trong những vấn đề mà “Báo cáo về tương lai thị trường Việt Nam” đã đề cập.

Số liệu của Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, cho thấy, GDP năm 2018 tăng 7,08% đã tạo việc làm cho khoảng 1,64 triệu người, tăng 0,5% so với năm 2017; Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 58,6%, tăng 2,5% so với năm 2017, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,2%, giảm 0,02% so với năm 2017. 

Báo cáo này khuyến nghị các chính phủ cần có những cách đo lường tăng trưởng mới. Valentina Barcucci nói: “Cách tính toán tăng trưởng kinh tế hiện nay được dựa trên cách nhìn khá hạn hẹp”.

Hiện nay, tại Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác, việc làm được xem là một chỉ số tính mức tăng trưởng kinh tế. Valentina Barcucci nói: “Việt Nam phải tìm ra được các chỉ tiêu khác để đo lường chính xác nhất sự tăng trưởng”.

Bà Valentina Barcucci cho rằng vấn đề tăng trưởng không phải là thước đo về chất lượng cuộc sống con người. Bà nói nội dung này đã được đưa ra bàn thảo tại Diễn đàn phát triển bền vững 2019 và gọi đây là “câu chuyện quan trọng” đối với Việt Nam.

Valentina Barcucci, người vừa đến Việt Nam chưa đầy 3 tháng, nói đã nghe thấy “nhiều lo ngại” về thay đổi công nghệ ảnh hưởng tới việc làm của người lao động, dù Việt Nam đã có những thay đổi liên quan tới tiếp cận thị trường lao động, cải tiến công nghệ và thu hút đầu tư nước ngoài.

32 trieu lao dong dang lam nhung cong viec de ton thuong
 

Quan ngại máy móc có thể thay thế con người là thật, nhất là khi robots thay thế công việc giản đơn ngày một nhiều trong lĩnh vực sản xuất. Nhưng, Báo cáo mới nhất của ManpowerGroup, công bố tại Diễn đàn kinh tế Thế giới tổ chức tại Davos mới đây, dường như khiến bức tranh về việc làm bớt ảm đạm hơn.

ManpowerGroup tin rằng đang có chất xúc tác thúc đẩy nhiều loại hình công việc mới, cũng như xu hướng tự động hóa sẽ có tác động tích cực đến việc làm trong hai năm tới.

Một khảo sát của ManpowerGroup được thực hiện với 19.000 công ty tại 44 quốc gia cho thấy, hơn 87% doanh nghiệp có kế hoạch tăng hoặc duy trì nhân viên do áp dụng tự động hóa và công nghệ, con số cao nhất trong 3 năm liên tiếp ManpowerGroup thực hiện khảo sát theo chủ đề này.

Đáng lưu ý, những công ty áp dụng tự động hóa là nơi có kế hoạch tăng nhân viên cao nhất. Theo đó, 24% công ty dự kiến áp dụng công nghệ trong 2 năm tới cũng là công ty có ý định tăng nhân viên, trong khi con số này ở những công ty không áp dụng công nghệ chỉ là 18%.

Song, báo cáo mới này của ManpowerGroup cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt nhân tài ngày càng lớn, cao nhất trong 12 năm qua trên phạm vi toàn cầu, khiến 84% doanh nghiệp được khảo sát phải lên kế hoạch nâng cao kỹ năng cho nhân viên của mình tới năm 2020, con số này năm 2011 chỉ là 21%.

Ba lĩnh vực cần đầu tư

Bằng cách tham gia vào các hiệp định thương mại và hội nhập khu vực, Việt Nam có thể duy trì lợi thế cạnh tranh của mình trong một thời gian nhất định. Nhưng việc Việt Nam trở thành quốc gia phát triển toàn diện và thịnh vượng không tự nhiên đến.

Để trở thành quốc gia phát triển toàn diện và thịnh vượng, ngoài những nội dung được khuyến cáo trong “Báo cáo tương lai việc làm”, bà Valentina Barcucci nói rằng, có ba lĩnh vực Việt Nam cần đầu tư.

Thứ nhất, đầu tư vào năng lực của con người, cụ thể là các kỹ năng. Theo ILO, Việt Nam cần có chương trình quốc gia để đảm bảo mọi người lao động đều được đào tạo lại trong suốt quá trình đi làm của mình.

Công nghệ được đưa vào thị trường lao động ở Việt Nam bằng cách mua công nghệ và đưa vào sản xuất ở doanh nghiệp, theo ILO, chỉ là yếu tố thêm vào trong dây chuyền sản xuất hiện nay. Nó chưa thay thế người lao động.

Hiện nay, những người lao động được tuyển dụng để vận hành công nghệ này cần có những kỹ năng mới. Ví dụ, trong các ngành dệt may và chế tạo và lắp ráp xe máy, ô tô, giới chủ ngày càng ít sử dụng lao động giản đơn. Họ chỉ cần người vận hành máy móc.

Thứ hai, chất lượng tăng trưởng và sự bao chùm của sự tăng trưởng. Toàn cầu hóa và đầu tư FDI đang thay đổi doanh nghiệp, với tỉ lệ lao động làm công ăn lương tăng rất nhanh trong vòng  20 năm qua. 

32 trieu lao dong dang lam nhung cong viec de ton thuong
 

Tại Việt Nam, tỉ lệ lao động làm công ăn lương đã tăng từ khoảng 18% lên 40% trong 20 năm qua, với tỉ lệ người lao động dễ bị tổn thương đã giảm đáng kể, từ khoảng 80% xuống 55,8% tổng số lao động kể từ năm 2000 tới nay, theo tính toán của ILO dựa trên số liệu của Tổng cục thống kê.

Thế nhưng, đây chỉ là một mặt của bức tranh, khi 55,8% tỉ lệ người lao động dễ bị tổn thương vẫn là con số rất lớn, tương đương khoảng 32 triệu người lao động đang làm những công việc dễ bị tổn thương và đòi được ưu tiên tại Việt Nam.

Thêm nữa, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu hiện đại hoá nền kinh tế, đặt ra vấn đề phải trang bị cho người lao động trẻ kiến thức liên quan tới công nghệ. Nhưng, vấn đề giáo dục và đào tạo nhân lực tới đây sẽ được Việt Nam thực hiện như thế nào ?

Thứ ba, phải đầu tư vào các thiết chế lao động. Đó là những thiết chế về thị trường lao động liên quan tới thương lượng tập thể, thiết chế, quan hệ lao động và dịch vụ việc làm của Việt Nam.

Thực thi CTTPP, Việt Nam vừa phê chuẩn công ước 88 của ILO về dịch vụ việc làm. Song, bà Valentina Barcucci nói rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, tiếp tục cải tiến và hiện đại hóa thị trường lao động cũng như hỗ trợ người lao động tiến tới tương lai việc làm bền vững.