Doosan Vina

 
Vân Nguyễn Thứ Ba | 26/06/2018 09:44

30 năm thu hút FDI: "Chủ yếu là lắp ráp"

Đến nay, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn chủ yếu là lắp ráp, tỉ lệ nội địa hóa thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam chưa cao.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Thế Phương, hôm 25.6, cho rằng: "Thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài" trong 30 năm qua chưa đáp ứng được sự phát triển đất nước giai đoạn tới.

Ông Phương nói rằng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chủ yếu là lắp ráp, với tỉ lệ nội địa hóa thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam chưa cao, chưa lan tỏa tới khu vực trong nước do các dự án FDI vẫn chủ yếu là lắp ráp, tỉ lệ nội địa hóa thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam chưa cao.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận “kết quả chuyển giao công nghệ là rất hạn chế” trong khi nguồn vốn FDI được kỳ vọng sẽ giúp chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước.

Thậm chí, khu vực doanh nghiệp FDI cũng chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, cũng như chưa thúc đẩy được ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam phát triển. Trong khi đó, hoạt động thu hút FDI đã trở thành nội dung quan trọng trong nền kinh tế, với 26.000 dự án FDI, tổng vốn đăng ký đầu tư là hơn 325 tỉ USD, trong đó 84% số dự án là đầu tư 100% vốn nước ngoài. Vốn thực hiện ước đạt 180,7 tỉ USD, bằng 56,7% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Khu vực FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp 20% GDP. FDI đóng góp vào ngân sách nhà nước. Năm 2017, FDI góp gần 8 tỉ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách cả nước.

Các doanh nghiệp FDI năm 2017 chiếm 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. FDI góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng lao động, thay đổi cơ cấu lao động. Đến nay, FDI đang tạo ra việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp, và 5 đến 6 triệu lao động gián tiếp.

Theo quan sát của ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm thông tin dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia, doanh nghiệp Việt Nam có sự thay đổi nhanh về năng suất trong thời gian qua nhờ nguồn vốn FDI, nhưng đóng góp của công nghệ là không nhiều.

Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại là rất thấp, trung bình 14%, trong khi phần lớn công nghệ được sử dụng là trong thời gian trên 10 năm. Nếu so sánh công nghệ sử dụng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nước, không có sự khác biệt đáng kể, ông Thắng cho biết.

Để nguồn vốn FDI tác động lan tỏa tới nền kinh tế, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuệ Anh, cần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, để các doanh nghiệp có thể một mặt cạnh tranh lành mạnh nhưng mặt khác hợp tác, liên kết sản xuất.

Phó Viện trưởng CIEM nói rằng, chính sách thu hút FDI thời gian tới cần tăng cường hơn nữa sự hướng tới tương tác liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cũng như hài hòa mục tiêu thu hút FDI với chính sách phát triển doanh nghiệp trong nước.