Ảnh: Quý Hoà.

 
Thanh Hương Thứ Bảy | 26/11/2022 08:00

3 thế khó của doanh nghiệp

Diễn biến bất lợi của thị trường đang đẩy doanh nghiệp xuất khẩu Việt vào thế khó với muôn vàn thử thách bủa vây.

Đồng bạc xanh có một màn trình diễn khá ngoạn mục khi tăng lên gần 10%, một mức tăng kỷ lục. Cú tăng mạnh của đồng USD làm cho nhiều doanh nghiệp Việt vốn đang gặp khó càng thêm khó. Chiến tranh ở châu Âu, tình trạng lạm phát ở Mỹ dự báo sẽ mang đến một mùa đông lạnh giá cho doanh nghiệp Việt.

Mót từng đơn hàng 

Vào thời điểm này của những năm trước, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải chạy đua với thời gian nhưng vẫn không đủ số lượng hàng để xuất khẩu. Năm nay, mọi thứ hoàn toàn khác.

Sau khi xuất lô hàng cuối cùng vào tháng 6, Công ty Viet Products không có thêm đơn hàng mới. Trước đây, bắt đầu từ tháng 7, Công ty nhận đơn hàng cho cuối năm, ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty Viet Products, cho biết.

 

Doanh số của Công ty chuyên sản xuất đồ gỗ đang giảm 30-40% so với cùng thời điểm của những năm trước. Tổng đơn hàng sụt giảm của Công ty tại 2 thị trường Mỹ và châu Âu lên đến 80%, còn lại là những thị trường nhỏ chiếm 15-20% tại Trung Đông, Dubai, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ.

Bình quân mỗi năm Viet Products xuất khẩu khoảng 400 container hàng cho hơn 30 khách hàng nên tình trạng sụt giảm đơn hàng của công ty này vẫn còn đỡ hơn nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung 1-2 khách hàng lớn, ông Sang chia sẻ.

Theo ông Sang, hàng nội thất đang tồn kho từ phía các nhà nhập khẩu còn nhiều. Lạm phát cao khiến người tiêu dùng Mỹ hạn chế chi tiêu và tập trung mua hàng thiết yếu. Trong khi đó, tại thị trường châu Âu lại bị ảnh hưởng từ chiến sự Nga - Ukraine nên nhiều đơn hàng bị ngưng lại. Hiện chưa đoán được đến bao giờ sẽ có đơn hàng trở lại nhưng hiện tại Viet Products đang bị ảnh hưởng đến đầu năm 2023.

Tỉ lệ lạm phát hàng năm tại Mỹ tới tháng 6/2022 là 9,1%, mức cao kỷ lục từ năm 1981, tới tháng 7 đã thấp hơn một chút nhưng vẫn ở mức cao 8,5%. Lạm phát ở khu vực đồng euro cũng tăng cao kỷ lục trong tháng 7/2022, với mức 8,9% bởi chiến sự Nga - Ukraine khiến giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục tăng cao. Cơn bão lạm phát đang chặn đứng sự hồi phục nhu cầu của thị trường sau đại dịch COVID-19.

“Lẽ ra các doanh nghiệp ngành gỗ được hưởng lợi từ việc tăng giá USD vì bán được giá cao vào mùa xuất hàng tốt, song thời điểm hiện tại các doanh nghiệp gần như không có đơn hàng”, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cho biết.

Thiếu vốn 

Ngân hàng hiện không giải ngân vốn vay và việc này sẽ kéo dài đến hết năm 2022, nên doanh nghiệp lại khó chồng khó. Dù hạn mức tín dụng của Viet Products hiện vẫn còn đến 40% nhưng việc vay được tiền để giải quyết công việc là không thể thực hiện.

Dù tình hình kinh doanh sụt giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động, trả lương cho người lao động, phí thuê mặt bằng kinh doanh và vốn cho sản xuất. “Công ty vẫn cố gắng giữ chân người lao động, hạn chế thấp nhất việc ra quyết định cho nhân viên nghỉ việc...”, ông Sang chia sẻ.

Theo kết quả khảo sát gần đây của Hawa, hơn một nửa doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ không được hỗ trợ gia hạn tín dụng hay vay vốn với lãi suất cao. Thời gian cấp vốn giải ngân chậm và không cho trả tín dụng, hoặc chỉ giải ngân 50%.

Tình trạng khó khăn trong vay vốn không chỉ diễn ra với doanh nghiệp ngành gỗ trong Hawa. Tại buổi kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ, ông Châu Minh Nguyện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, cho biết hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề gặp khó trong việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất 2% cũng như chứng từ chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất. 

Hai năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng có nợ xấu, khả năng trả nợ bấp bênh hoặc hết tài sản bảo đảm, ông Nguyện chia sẻ. Trong khi đó, đây lại là một trong những điều kiện tiên quyết để được vay vốn và nhận hỗ trợ lãi suất, do đó chưa đáp ứng điều kiện của các ngân hàng.

 

Không chỉ có doanh nghiệp Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được tháo gỡ các vướng mắc để tiếp cận nguồn vốn và chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Theo Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), theo điều kiện để hỗ trợ lãi suất thì doanh nghiệp bị suy giảm hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2020, 2021 và có khả năng phục hồi trong năm 2022, 2023 thuộc đối tượng được hỗ trợ. 

Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp ngành gỗ hoạt động ổn định và tăng trưởng nhẹ trong năm 2020, 2021. Riêng năm 2022 có suy giảm nghiêm trọng, bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong các ngành xuất khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp ngành gỗ khó đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 3.

Theo thông tin trong báo cáo, ở hầu hết các ngành hàng đều nhận định rằng, hoạt động xuất  nhập khẩu trong nửa cuối quý IV/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với kết quả quý III/2022. Đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vào tình thế hết sức cấp bách, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước.

Thêm khó với tỉ giá

Theo nhận định mới đây từ bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tỉ giá VND/USD tăng nhanh từ tháng 4/2022 đến nay. Dự báo năm 2023 với kịch bản tỉ giá vượt 24.000 VND/USD là có khả năng cao trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023. Cũng theo Yuanta Việt Nam, có nhiều áp lực lên sự mất giá VND so với USD như nguồn ngoại tệ thu từ xuất nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2022 khá yếu so với các năm 2018-2020.

 

Trước tình hình tỉ giá VND/USD tăng nhanh, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Cao su Đức Minh, cho biết với ngành nhựa, 80-90% nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu và thanh toán bằng USD, nên việc tỉ giá tăng cao đã gây sức ép giảm lợi nhuận khá lớn.

“Đang có dấu hiệu các khách hàng chững lại và có nguy cơ giảm lượng đặt hàng cho quý IV/2022. Một số khách hàng yêu cầu lùi thời gian giao hàng”, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, chia sẻ.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Việt Thắng Jean, thì cho biết doanh nghiệp dệt may, da giày cũng sớm đánh mất niềm vui tăng trưởng những tháng đầu năm khi dự báo thị trường quý III, quý IV/2022 đột ngột xấu đi.

Nhiều doanh nghiệp đang rất lo lắng việc đồng euro giảm giá so với USD đã làm người tiêu dùng châu Âu càng thắt chặt chi tiêu hơn. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì nhu cầu nhập hàng yếu đi sẽ gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022. Ảnh: Quý Hoà.
Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022. Ảnh: Quý Hoà.

Theo Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ gặp không ít thách thức. Trong đó, giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp; giá dầu tăng cao trong khi đây là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; tình trạng thiếu hụt gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng... tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến kích cầu tiêu dùng đối với thương mại.