Thứ Hai | 26/05/2014 20:36

3 tháng không trả hết nợ, doanh nghiệp phải phá sản?

Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật Phá sản sửa đổi.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi), đa số ý kiến nhất trí với quy định chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã khi những đơn vị này không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ khi hết thời hạn trong 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu.

Tại buổi thảo luận về Luật Phá sản sửa đổi sáng 26/5 của Quốc hội, có hai nội dung chính được các đại biểu tập trung làm rõ là tiêu chí khi nào doanh nghiệp và hợp tác xã bị coi là phá sản và trao quyền cho người lao động, đại diện tổ chức công đoàn quyền nộp đơn yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã mở thủ tục phá sản.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, về quyền nộp đơn của người lao động, hiện có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động và đại diện công đoàn.

Nhưng cũng có ý kiến đề nghị bổ sung chủ thể có quyền nộp đơn là thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành, cơ quan kiểm toán, cơ quan thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội.

Theo đại diện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan trên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu phát hiện doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì thông báo cho người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại điều 6 của dự thảo Luật.

Ngoài ra, trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã có khoản nợ đối với các cơ quan này thì có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với tư cách là chủ nợ theo quy định tại khoản 1 điều 5 của dự thảo Luật.

Đáng chú ý, về thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng, có ý kiến cho rằng cần quy định riêng thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng vì việc phá sản đối với tổ chức tín dụng có tính đặc thù, liên quan đến người gửi tiền, có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân.

Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung một số nội dung theo hướng quy định về quyền, nghĩa vụ nộp đơn, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; hoàn trả khoản vay đặc biệt; xử lý tài sản ủy thác; các giao dịch trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt liên quan đến phá sản tổ chức tín dụng.

Thứ tự phân chia tài sản và tách thành một chương riêng trong dự thảo Luật, theo đó Tòa án nhân dân chỉ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với các tổ chức tín dụng sau khi có kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng tiếp thu và bổ sung quy định về phá sản có yếu tố nước ngoài theo hướng quy định việc tham gia của người nước ngoài đối với thủ tục phá sản, ủy thác tư pháp giữa Tòa án nhân dân Việt Nam với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thủ tục công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của tòa án nước ngoài.

Trong phần thảo luận sau đó, nhiều đại biểu tán thành quy định đảm bảo quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên, để tránh việc lợi dụng, chống phá của một bộ phận, việc nộp đơn yêu cầu phá sản của người lao động phải được nộp thông qua tổ chức công đoàn, luật không nên cho phép người lao động nộp trực tiếp lên cơ quan thẩm quyền.

Riêng đối với quy định "doanh nghiệp phá sản", đại biểu Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) cho rằng, tiêu chí mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp và hợp tác xã không thanh toán được khoản nợ đến hạn, tài sản không đủ thanh toán các khoản đến hạn... là chưa đầy đủ, vì còn các khoản nợ phải thu chưa thu hồi được. Vì vậy, phải tính tới khoản này mà vẫn không chi trả được thì coi là phá sản.

Các đại biểu cũng đề nghị dự luật cần làm rõ sự nhầm lẫn giữa mất cân đối dòng tiền, không thanh toán và mất khả năng thanh toán.

Đại biểu Trần Du Lịch (Tp HCM) cho rằng, thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp đã "chết" nhưng chưa có chỗ "chôn", khiến việc kiện tụng kéo dài. Do đó, nếu chúng ta không sửa đổi thì không giải quyết được tình trạng trên. Luật ra đời phải làm sao giúp doanh nghiệp lành mạnh hóa tài chính, bảo đảm quyền lợi của chủ nợ.

"Nhiều doanh nghiệp kinh doanh có lãi nhưng thực tế là vay nhiều, do quản lý dòng tiến yếu kém. Luật cần răn đe việc này. Với những doanh nghiệp có cơ hội trụ lại thì phải thông qua hội nghị khác hàng, hội nghị chủ nợ... không còn con đường nào nữa mới tuyên bố phá sản", đại biểu Lịch kiến nghị.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện