Thứ Tư | 28/08/2013 16:38

3 phương án xây dựng cơ chế pháp lý về giao dịch hàng hóa tại Sở giao dịch nước ngoài

Xây dựng hành lang pháp lý đối với hoạt động giao dịch hàng hóa tại sàn quốc tế là cấp thiết nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu của nước ta.
Sáng nay (28/8), Bộ Công thương tổ chức Hội thảo "Đánh giá thực trạng và đề xuất, góp ý việc xây dựng, ban hành thông tư quy định phạm vi, điều kiện đối với thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài".

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp kiến nghị về hoạt động này, dù đã có mặt rộng rãi trên thế giới nhưng đối với Việt Nam vẫn còn mới mẻ, manh nha, theo thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá.

Việt Nam có nhiều mặt hàng hàng hóa có lợi thế cạnh tranh cao như cà phê, cao su, hồ tiêu. Do vậy việc thương nhân Việt Nam cần có một hành lang pháp lý, cơ sở pháp luật điều chỉnh hoạt động này, để nâng cao vị thế hàng hóa và phòng ngừa rủi ro đối với giá hàng hóa. Theo đó, Bộ Công thương đưa ra 3 phương án thực hiện.

Thứ nhất là tiếp tục xây dựng ban hành thông tư mới, quy định cụ thể về vấn đề này, thứ 2 sửa đổi bổ sung một số điều trong nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch và phương án thứ 3 là thực hiện thí điểm mô hình sàn hàng hóa trong nước. Đây đều là các phương án được đem ra thảo luận, bàn bạc và tới đây sẽ được Bộ Công thương đưa lên xin ý kiến chỉ đạo của chính phủ.

Danh mục các hàng hóa giao dịch tại Sở nước ngoài cũng sẽ được Bộ Công thương công bố theo lộ trình tùy thời điểm giá cả cụ thể. Trong đó, có thể đưa 3 mặt hàng đã có sở giao dịch trong nước là cà phê, cao su, sắt thép hoặc chỉ giới hạn 1 đến 2 mặt hàng cụ thể theo lộ trình. Phương án khác được đưa ra là đưa ra danh mục nhiều mặt hàng cho thương nhân giao dịch hoặc không quy định cụ thể mặt hàng nào mà cho phép thương nhân được giao dịch tất cả các mặt hàng có giao dịch trên các Sở hàng hóa quốc tế.

Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc công ty kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB), đại diện các doanh nghiệp cho biết tình trạng nông sản"mất mùa được giá, được mùa mất giá" gây nhiều rủi ro cho người nông dân. Đưa các nông sản lên các sàn giao dịch hàng hóa giúp giảm thiểu các rủi ro như vậy. Đồng thời, theo ông, mục tiêu của thông tư này là góp phần đẩy mạnh sản xuất, xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu.

Ông Hải
Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc công ty kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB)

Ông Hải đề xuất thành lập Sở giao dịch hàng hóa chuẩn trong nước, liên kết hoặc làm đại lý cho các sàn hàng hóa lớn quốc tế để điều tiết các hoạt động giao dịch. Đây sẽ là đầu mối thực hiện chuyển lệnh ra nước ngoài bằng cách khớp lệnh trong nước trước và đẩy lượng dư mua dư bán ra nước ngoài.

Ông Trần Duy Phương, tổng giám đốc sàn hàng hóa Việt Nam lại cho rằng vấn đề thanh toán giao dịch là không khó khăn do các ngân hàng có thể đứng ra đảm nhận. Theo ông, cần phải có thêm thông tư hướng dẫn nhà đầu tư nước ngoài giao dịch hàng hóa tại Việt Nam trước khi thương nhân Việt Nam giao dịch tại nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp khẳng định không nên đưa mặt hàng vàng vào điều chỉnh tại thông tư này do đây là mặt hàng nhạy cảm và chỉ do Ngân hàng nhà nước là đầu mối duy nhất cung ứng vàng theo Nghị định 24 của Chính phủ.

Ông Phạm Đình Thưởng, phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Công thương khẳng định cần điều chỉnh chủ yếu đối tượng nhà môi giới trong hoạt động giao dịch này.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện