Sự trở lại của ông Donald Trump được đánh dấu bằng một loạt điều chỉnh chính sách thương mại. Ảnh: TL

 
Hải Vân Thứ Sáu | 28/03/2025 14:00

3 chiều khó của thương mại

Việc các thị trường chủ chốt điều chỉnh chính sách giữa căng thẳng thương mại có thể khiến xuất khẩu không đạt mục tiêu kỳ vọng.

Cảm giác thấp thỏm trở lại sau 4 năm khi Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đưa ra quyết định cuối cùng về kết quả điều tra ngành gỗ Việt Nam theo mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974, vào tháng 10/2021. Xuất khẩu gỗ vào thị trường Mỹ một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý vào ngày 4/3 tại một cuộc họp về thương mại ở Hà Nội. Phân tích của ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), làm dấy lên lo ngại về việc Mỹ sẽ áp thuế lên sản phẩm gỗ của Việt Nam, trong khi một số nhà mua hàng Mỹ đã ngập ngừng ký hợp đồng với công ty Việt Nam.

 

Tháng trước, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã có thông báo khẩn đến VIFOREST về kế hoạch áp thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump, có khả năng đánh vào các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. VIFOREST cho rằng nếu Mỹ áp thuế với mức 25% như dự tính, nhiều công ty sẽ phải ngừng sản xuất do giá đầu vào tăng và lợi nhuận giảm. Năm 2024 Việt Nam thu về 9,1 tỉ USD từ xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào Mỹ, tập trung vào nhóm sản phẩm chế biến sâu, nội, ngoại thất. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng chi 346,7 triệu USD để nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Mỹ. VIFOREST xác nhận, Việt Nam đang là quốc gia nhập khẩu nguyên liệu gỗ tròn và gỗ xẻ lớn thứ 2 của Mỹ, sau Trung Quốc.

Sự trở lại của ông Donald Trump được đánh dấu bằng một loạt điều chỉnh chính sách thương mại, gói gọn trong quan điểm nước Mỹ trên hết. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đang mở các cuộc điều tra về thuế và chính sách kinh tế, xem xét tăng các biện pháp điều tra phòng vệ thương mại, trọng tâm là những quốc gia có thâm hụt thương mại lớn, một cách để khắc phục những bất lợi cho các công ty trong nước và nền kinh tế. Những động thái này được ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cảnh báo “sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam chịu thêm nhiều áp lực”.

Việc Mỹ xem xét Việt Nam là quốc gia có thâm hụt thương mại cao, 123,5 tỉ USD vào năm 2024, đứng sau Trung Quốc, EU và Mexico (theo dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ) sẽ khiến Việt Nam gánh chịu nhiều bất lợi về kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu. Việt Nam trong nhiều năm gần đây đã nỗ lực để cân bằng hơn thương mại với Mỹ thông qua các hoạt động đầu tư, thương mại, tăng nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu khí hóa lỏng, thiết bị và công nghệ. Tuy nhiên, sự cố gắng của Việt Nam đã không theo kịp tốc độ tăng trưởng cao của xuất khẩu, đặc biệt là nhóm FDI, mức thâm hụt với Mỹ đã tăng nhanh hơn kể từ sau dịch COVID-19 và cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc năm 2018-2019. 

 

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang chậm lại, kim ngạch tháng 2 chỉ đạt 31,11 tỉ USD, giảm 6,2% so với tháng trước, theo Tổng cục Thống kê. Có một số lý do đằng sau sự suy giảm này. Một phần là do các thị trường truyền thống như Trung Quốc và EU điều chỉnh chính sách nhằm ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ, đã tác động nhất định lên xuất khẩu của Việt Nam. Hiện Chính phủ Trung Quốc đang triển khai các chính sách một cách thận trọng nhưng quyết đoán để hỗ trợ xuất khẩu thông qua giảm lãi suất, bơm tiền cho thị trường tài chính, hoán đổi nợ cho chính quyền địa phương. Điều này trở thành bước đệm cho các công ty chuyển hướng xuất khẩu ra ngoài thị trường Mỹ, cạnh tranh đơn hàng với công ty Việt Nam bằng sản phẩm có chất lượng thấp hơn, giá rẻ hơn.

Sự điều chỉnh trong chính sách thương mại của Mỹ cũng thúc đẩy phản ứng của EU, gây thêm áp lực lên mục tiêu xuất khẩu năm 2025 của Việt Nam, tăng 12-14% so với năm 2024. Bảo vệ mục tiêu tăng trưởng 1,1% cho năm nay, EU đang tăng cường kiểm soát các luồng hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp nhập khẩu, giám sát chặt các cửa khẩu, đồng thời đưa ra cảnh báo về chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Mới đây, cơ quan điều tra của EU đã cảnh báo Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU về hàm lượng chì trong dây sạc điện thoại, mặt hàng tăng trưởng tốt tại thị trường này, nếu không nâng cao mức độ an toàn sẽ bị đưa vào danh mục “các mặt hàng nhạy cảm”.

Trên thực tế, việc cơ quan điều tra thương mại của EU phát hiện một số công ty chuyển hàng hóa từ Trung Quốc vào EU ngay trong các tháng đầu năm 2025 không phải là chuyện tốt lành. Năm 2024 Trung Quốc đã chuyển khoảng 4 tỉ kiện hàng vào thị trường này thông qua các bưu kiện nhỏ, theo số liệu được cơ quan thống kê của EU công bố. Tất nhiên, lỗ hổng chính sách này sẽ sớm bị triệt tiêu khi EU dự kiến sửa đổi Luật Hải quan, trong đó sẽ loại bỏ ngưỡng tối thiểu đối với hàng nhập khẩu. Thậm chí, khi nhìn xa hơn, trong 1-2 năm tới, mức độ cạnh tranh giữa các nước có ký hiệp định thương mại tự do với EU cũng sẽ khốc liệt hơn khi EU kết thúc đàm phán song phương với Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan, vốn là những quốc gia có nhiều mặt hàng nông sản và công nghiệp tương đồng với Việt Nam.

Thời điểm này, rất khó dự đoán việc Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Việt Nam cũng như các thị trường khác sẽ có cách riêng để xoa dịu, có thể mua nhiều hàng hóa hơn từ Mỹ, một cách để cân bằng thương mại với Mỹ. 

Có thể bạn quan tâm

Lão nông triệu USD