Năm 2023 tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 20% so với năm 2022. Ảnh: Vinasa.
2023 có thể là năm “bùng nổ” của ngành rau quả
Vài quý trước, khi sầu riêng tại Thị xã Phước Long (Bình Phước) được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, hàng loạt trang trại sầu riêng tại địa phương này đã nhanh chóng áp dụng đồng bộ công nghệ số, tự động hóa trong canh tác để phục vụ xuất khẩu. Nhiều trang trại còn đầu tư hẳn máy bay không người lái, xe phun thuốc tự động, máy cắt cỏ tự hành… hàng tỉ đồng để làm vườn.
Theo TS Nguyễn Anh Phong, Trung tâm Thông tin (Bộ NN&PTNT), năm 2022, các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, New Zealand… đã đón nhận thêm khoảng 20 loại củ quả được xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam. Đây là những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả Việt Nam trong những năm tới.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng 2023 có thể là năm “bùng nổ” của ngành rau quả. “Hiện nay, thị trường đang dần mở cửa, giảm bớt kiểm soát dịch COVID-19, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu tốt hơn. Ngoài ra, dần dần những khó khăn về logistics, về vận chuyển được tháo gỡ, giá cước càng ngày càng giảm, càng rẻ cũng taọ điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam”, ông Nguyên nhận định.
Thời gian vừa qua, với việc giảm mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ngành rau quả lại chứng minh sức sống bền bỉ khi tình hình dịch bớt căng thẳng và đã tăng trưởng mạnh mẽ tại nhiều thị trường khác như Mỹ (tăng 14,4% trong 11 tháng năm 2022), Hàn Quốc (tăng 14,1%), Thái Lan (tăng 19,7%), Nhật Bản (tăng 7,3%), Hà Lan (tăng 47,2%), Australia (tăng 5,5%)…
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì để mở cửa thị trường cho một loại nông sản, hiện Việt Nam chỉ mất từ 3-5 năm trong trước đây cần đến hàng chục năm. “Dù xác định Trung Quốc là thị trường chính của ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam, tuy nhiên chúng ta đã đa dạng thị trường xuất khẩu nông sản. Đơn cử, chúng tôi lựa chọn Hàn Quốc là một trong những thị trường chiến lược, bởi khi chúng ta thành công với thị trường Hàn Quốc chúng ta sẽ đi đến một nửa thị trường Nhật Bản. Sắp tới đây chúng tôi xuất khẩu quả nhãn đi Nhật Bản. Để chuẩn bị cho quả nhãn đi xuất khẩu Nhật Bản chúng tôi đã bắt đầu xúc tiến thương mại, làm thủ tục chuẩn bị từ năm 2016-2020. Bên cạnh đó, chúng tôi mất 1,5 năm để thí nghiệm các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của Nhật”, ông Hiếu cho biết.
Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên thì các mặt hàng xuất khẩu mới được mở cửa ở nhiều thị trường trong năm 2022, cũng như tác động tích cực từ 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết, thực thi chắc chắn tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả. “Năm 2023 tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 20% so với năm 2022. Năm 2022 đạt 3,4 tỉ USD thì năm 2023 xuất khẩu rau quả có thể đạt 4 tỉ USD”, ông Đặng Phúc Nguyên dự báo.
Có thể bạn quan tâm: