2014: Bộ Tài chính sẽ siết "túi tiền" ngay từ đầu năm
Ngồi lại với báo chí những ngày này, vị Bộ trưởng đứng đầu một trong ngành "nóng" nhất năm qua cởi mở hơn với những chia sẻ về câu chuyện thu ngân sách có lúc tưởng như đã "bất khả thi" và cả những quyết tâm ngay từ đầu năm mới 2014.
- Năm 2013 là một năm nhiều bận rộn với ngành tài chính. Thưa Bộ trưởng, đâu là dấu ấn quan trọng nhất trong năm tài chính vừa qua?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Năm 2013, ngành tài chính đã triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi nhấn mạnh 3 nội dung và trước hết là hoàn thiện thể chế về ngân sách.
Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, bộ đã chủ động trình với Chính phủ Nghị quyết 02 cho phép miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách Nhà nước. Chúng tôi cũng đã trình sửa đổi Luật thuế thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế gia trị tăng với việc ưu đãi hơn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, ngành tài chính cũng tham mưu để ban hành chỉ yêu cầu bộ, ngành, địa phương rà soát cắt giảm chi không cần thiết, qua đó tiết kiệm 10% dự toán ở những tháng cuối năm.Một vấn đề khác đã được Bộ Tài chính đặt trọng tâm trong năm qua là tăng cường quản lý giá trước biến động phức tạp của giá cả thế giới. Việc điều hành giá đã gắn với việc minh bạch hơn công khai hơn trong điều hành. Cụ thể là với giá xăng dầu, ngay từ đầu tháng Bảy, chúng tôi đã chính thức công khai quản lý sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Tuy nhiên, nhìn lại năm qua, nổi bật nhất, sáng nhất là việc trong bối cảnh doanh nghiệp, kinh tế gặp khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách đạt 100,4% so với dự toán Quốc hội giao.
- Nói về thu ngân sách, những tháng cuối năm, dư luận hầu như chỉ nhắc tới việc sẽ hụt thu với số tiền bao nhiêu. Tuy nhiên, tới những ngày cuối cùng, ngành tài chính đã khiến nhiều người bất ngờ. Giải pháp nào là quan trọng nhất để hoàn thành con số thu vượt dự toán trên, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Quả thật, kinh tế có ấm lên những tháng cuối năm nhưng nhiệm vụ thu ngân sách vẫn rất khó. 9 tháng số thu mới đạt 66,6% trong khi yêu cầu phải đạt khoảng 75%.
Tổng kết lại năm vừa qua, chúng tôi rút ra được 3 bài học. Bài học đầu tiên là công tác phối hợp với địa phương để tăng thu. Đây là việc chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, cán bộ ngành tài chính không thể hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ ngân sách năm 2013 nếu không có sự vào cuộc của cấp uỷ các địa phương.
Song song với việc phối hợp, ngành tài chính cũng hướng tới việc giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp địa phương để thúc đẩy sản xuất và thu ngân sách. Đây là những việc chúng tôi đã tập trung giải quyết cuối năm qua ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh...
Trong số này, có những nơi chúng tôi phải tập trung quyết liệt như ở Quảng Ninh về điều chỉnh cách tính thuế môi trường với than đã tăng thu 400 tỷ đồng, yêu cầu đăng ký lượng ô tô, xe máy hoạt động trong phạm vi mỏ tăng thu 120 tỷ đồng....
Một bài học khác với chúng tôi là việc tập trung chống thất thu, thanh tra kiểm tra, giải quyết nợ đọng, chấn chỉnh việc lợi dụng hoàn thuế giá trị gia tăng. Cán bộ ngành tài chính đã kiểm tra, chống thất thu với hơn 60.000 doanh nghiệp và thu về ngân sách hơn 13.000 tỷ đồng.Công tác chống buôn lậu, gian lận thuế được đẩy mạnh đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm và chuyển sang lực lượng công an 67 hồ sơ vi phạm về hoàn thuế giá trị gia tăng.
- Tuy đã về đích đúng hẹn trong năm 2013, tuy nhiên, với năm 2014 được dự báo vẫn còn khó khăn, định hướng của ngành tài chính là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Năm 2014 được dự đoán sẽ tích cực hơn năm 2013 nhưng nhìn vào thực tế thì tình hình sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn.
Bởi vậy, trong năm 2014, ngoài việc tăng cường phối hợp giữa chính sách tài khoá và tiền tệ, chúng tôi sẽ triển khai thu ngân sách quyết liệt ngay từ đầu năm.
Ngoài ra, ngành tài chính sẽ tiến hành quản lý chi tiêu một cách chặt chẽ và triệt để tiết kiệm, gắn với hiệu quả công việc. Việc tiết kiệm chi, tiêu ngay từ đầu năm đã được chủ động đưa vào nghị quyết của Quốc hội. Theo tôi, đây là giải pháp rất quan trọng.
Mặt khác, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế tài chính, mà trước hết là pháp luật về thuế, hải quan, ngân sách. Mục tiêu của công tác này là nâng cao hiệu lực quản lý gắn với tái cấu trúc kinh tế. Ngoài ra, với các ngành thuế, hải quan, chúng tôi sẽ cố gắng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ cương, tạo môi trường minh bạch, hoàn thiện hơn.
Ngành tài chính sẽ nỗ lực thực hiện thắng lợi, vượt dự toán Quốc hội giao, đảm bảo an ninh tài chính năm 2014 và cả những năm tiếp theo.
- Về giá cả những mặt hàng thiết yếu như giá xăng, dầu, giá gas. Bộ sẽ có biện pháp gì để tạo sự đồng thuận hơn từ phía người dân trong năm 2014?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Tôi cho rằng, việc điều hành giá cả phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội theo chủ trương chung của Quốc hội, Chính phủ.
Rõ ràng, điều hành giá phải theo đúng pháp luật về giá và tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, chúng ta cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cũng như đảm bảo sự công khai minh bạch.
Riêng với xăng, dầu, chúng tôi đã công khai việc trích, quản lý quỹ bình ổn giá với mặt hàng này và báo cáo Quốc hội công khai. Tuy nhiên, tới đây nhằm tạo đồng thuận hơn, ngoài việc tiếp tục công khai quỹ bình ổn giá xăng dầu, chúng tôi sẽ công khai diễn biến giá xăng dầu thế giới từng ngày của từng loại xăng dầu để làm căn cứ điều hành giá.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ công khai minh bạch hơn về phương án tính giá cơ sở, chi tiết từng yếu tố, giá xăng dầu thành phẩm, thuế phí, lợi nhuận định mức. Mỗi lần điều hành giá xăng, dầu, chúng tôi sẽ công khai những việc này.
Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là trong năm 2014, việc điều hành giá theo thị trường, luật giá nhưng yếu tố công khai minh bạch trong điều hành sẽ tăng thêm một bước để tạo đồng thuận cho nhân dân.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Nguồn Vietnamplus