Bản thân ngành bảo hiểm cũng đã chủ động chuyển mình năng động hơn trong năm qua. Ảnh: Quý Hòa

 
Vũ Thiện Thứ Bảy | 15/01/2022 07:30

“2 mũi vacccine” của bảo hiểm

Lợi nhuận ngành bảo hiểm được dự báo sẽ xáo trộn do sự thay đổi từ tỉ lệ bồi thường và yếu tố lãi suất trong thời gian tới.

Mặc dù gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trong năm 2021, ngành bảo hiểm vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực. Theo Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm, tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 710.002 tỉ đồng, tăng 23,9%, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 214.958 tỉ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Còn theo báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết, phần lớn các công ty này đều có mức tăng trưởng 2 con số.

Bồi thường thấp kỷ lục

Góp phần lớn cho mức tăng trưởng tích cực này là tỉ lệ bồi thường phí gốc của toàn ngành bảo hiểm đã giảm rất mạnh trong năm qua. Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) và Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tỉ lệ bồi thường đã giảm liên tục từ mức 42% năm 2018 xuống còn 31% trong 8 tháng đầu năm 2021. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Hạn chế từ giãn cách xã hội vô tình đã khiến nhiều hoạt động bị ngưng trệ, làm giảm mạnh tỉ lệ bồi thường do khách hàng không có hoặc hoãn yêu cầu bồi thường.

 

Tuy vậy, với độ phủ vaccine lớn và các hoạt động tích cực từ công tác phòng chống dịch bệnh, các lệnh cách ly đã được gỡ bỏ từ cuối năm 2021 và dự đoán tiếp tục trong năm 2022. Nhiều khả năng tỉ lệ bồi thường của ngành bảo hiểm đã chạm đáy vào năm 2021, và sẽ bật tăng trở lại mức bình thường trong năm 2022 và những năm tới.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết: “Thu nhập của các công ty bảo hiểm đã tăng mạnh trong năm 2021 và đây là kết quả tạm thời do các yếu tố kỹ thuật và việc hoãn bồi thường. Tuy vậy, đà tăng trưởng năm 2022 sẽ khó duy trì như năm 2021 khi chi phí sẽ gia tăng trở lại”. Phân tích thêm về áp lực trong năm 2022, VDSC cho rằng môi trường lãi suất thấp kéo dài sẽ cản trở việc bán các sản phẩm có cam kết chia lãi (như bảo hiểm hỗn hợp) do các nhà bảo hiểm nhân thọ phải hạn chế sự bất cân xứng giữa lợi tức đầu tư nhận được trong tương lai và lợi nhuận cam kết với khách hàng khi ký hợp đồng.

Kỳ vọng từ lãi suất

Ở khía cạnh tích cực, lợi nhuận ngành bảo hiểm vẫn còn có khả năng tăng trưởng, động lực mới đến từ “của để dành” đầu tư tài chính của các công ty bảo hiểm.
Theo thống kê, khoảng 60% lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm đến từ lợi nhuận tài chính. Chiếm phần lớn trong khoản mục đầu tư tài chính là các khoản tiền gửi kỳ hạn. Tỉ lệ này ở các doanh nghiệp bảo hiểm thường rất cao, thậm chí có trường hợp tỉ lệ tiền gửi chiếm toàn bộ 100% khoản đầu tư tài chính như Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp.

Trong bối cảnh lãi suất đã rất thấp, nền kinh tế đang dần phục hồi và sự hiện hữu của áp lực lạm phát, nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất năm 2022 sẽ tăng trở lại. Điều này giúp các khoản tiền gửi của công ty bảo hiểm tăng lợi suất, từ đó giúp gia tăng lợi nhuận sau thuế của các công ty ngành này.

 

BVSC cũng cho rằng: “Lợi nhuận tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2022 có thể cải thiện so với năm 2021 khi lãi suất sẽ không còn nhiều khả năng có thể giảm thêm và kỳ vọng gia tăng nhẹ từ cuối nửa cuối năm 2022”.

Bên cạnh đó, doanh thu phí bảo hiểm được kỳ vọng sẽ quay về mức tăng trưởng tích cực trước đây. Sau đại dịch, người dân ngày càng quan tâm tới vấn đề sức khỏe và bảo hiểm hơn. Ngoài ra, việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trên cơ sở tỉ lệ thâm nhập ngành bảo hiểm Việt Nam còn rất thấp, tập khách hàng đang ngày càng tăng với đặc tính dân số trẻ, sẵn sàng đón nhận những dịch vụ mới, cùng thu nhập tăng nhanh đang dần chạm đến nhu cầu cần dịch vụ bảo hiểm. 

Theo Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2022 ước đạt 253.730 tỉ đồng, tăng trưởng 18% so với năm 2021.

Sau đại dịch, người dân ngày càng quan tâm tới vấn đề sức khỏe và bảo hiểm hơn.
Sau đại dịch, người dân ngày càng quan tâm tới vấn đề sức khỏe và bảo hiểm hơn. Ảnh: mic.vn

Bản thân ngành bảo hiểm cũng đã chủ động chuyển mình năng động hơn trong năm qua. Điển hình như cái bắt tay giữa Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) trong năm 2021. Với việc ký kết hợp tác toàn diện, 2 bên kỳ vọng kênh bán hàng bao gồm 813 cửa hàng cung cấp dịch vụ viễn thông, trên 30.000 điểm bán và 1.000 bưu cục của Viettel. Hay như câu chuyện Bảo hiểm AIA Việt Nam chính thức đổ bộ “lên sàn” thương mại điện tử Tiki vào ngày 24/12/2021, đánh dấu những bước ngoặt lớn trong ngành bảo hiểm. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh liên kết hợp tác ra mắt sản phẩm mới. Như Bảo Việt bắt tay với Tập đoàn Hitachi và Hitachi Asia (Việt Nam) triển khai dịch vụ tư vấn sức khỏe tích hợp ngay trên ứng dụng quản lý bảo hiểm Baoviet Direct; MB Ageas Life ký hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm ung thư giữa MB Ageas Life và Công ty tài chính Mcredit..