Lam Hồng Thứ Hai | 09/05/2022 07:30

2 lực đẩy lạm phát

Áp lực lạm phát rất lớn đến từ vấn đề kinh tế vĩ mô cũng như sự đứt gãy của chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.

Dòng người đi chơi dịp lễ vừa qua khiến các sân bay và điểm du lịch đông nghẹt người là quang cảnh đã không được chứng kiến trong suốt 2 năm dịch bệnh. Đây cũng là chỉ dấu rõ nét về sự phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội.

Thực tế, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, du lịch phục hồi mạnh mẽ khi khách quốc tế trong 4 tháng tăng 184,7%. Sản xuất công nghiệp tăng 7,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,5% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 4 tháng đạt 5,92 tỉ USD (cao nhất từ năm 2018 đến nay), tăng 7,6%. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao kỷ lục với hơn 15.000 doanh nghiệp.

Những tín hiệu lạc quan này được phản ánh trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2022 được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố mới đây, dự báo năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% và đạt 6,7% năm 2023.

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi, trong đó nổi bật là việc trở thành quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, cải thiện 28 bậc lên vị trí thứ 90 trong bảng “Chỉ số phục hồi COVID-19” của Nikkei công bố vào tháng 1/2022. Tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vẫn được duy trì, lạm phát được kiểm soát, nợ công ổn định và dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục... 

Hơn nữa, Việt Nam đang nỗ lực thích ứng và khai thác các cơ hội xuất khẩu từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để mở rộng thương mại, hình thành các thị trường xuất khẩu ổn định. Đặc biệt, động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 còn được sự cộng hưởng từ các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, mở rộng đầu tư công.

 

Cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch Ratings đều đánh giá Việt Nam có triển vọng tích cực sau một thời gian chứng kiến sự cải thiện môi trường vĩ mô và ổn định tài chính của Việt Nam.

Tuy nhiên, các tổ chức, định chế tài chính nước ngoài như World Bank, ADB, HSBC, Standard Chartered... vẫn chỉ ra nhiều rủi ro trong ngắn hạn có thể cản trở sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm nay. World Bank dự báo kinh tế Việt Nam đang phục hồi và sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2022 (giảm so với mức 6,5% theo dự báo đưa ra trong tháng 10/2021). Thậm chí, GDP có thể chỉ tăng 4% trong kịch bản xấu và phục hồi lại mức tăng 6% và 6,5% lần lượt vào các năm 2023 và 2024.

 

Theo ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của World Bank, lý do điều chỉnh là vì những khó khăn mà Việt Nam chịu tác động lớn bởi việc nhập khẩu xăng dầu với giá trị lên tới 3% GDP, hay việc phải nhập khẩu các loại nguyên vật liệu đầu vào khác mà giá nhập khẩu tăng cao khiến chi phí sản xuất tăng.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cũng cho rằng khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% bởi bối cảnh hiện nay khác nhiều so với đầu năm cả trong và ngoài nước. Yếu tố bên ngoài là cuộc xung đột Nga - Ukraine và tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc. “Có lẽ sự đứt gãy chuỗi cung ứng vì dịch và chống dịch ở Trung Quốc sẽ có mức độ nghiêm trọng hơn chúng ta dự tính. Đó là những yếu tố bên ngoài tác động vào quá trình hồi phục của kinh tế Việt Nam”.

Giá dầu, chi phí vật liệu xây dựng và lạm phát thế giới tăng cao, những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu gắn với cú sốc tỉ giá thương mại và việc các nước phát triển tăng lãi suất làm thay đổi dòng vốn đầu tư quốc tế... khiến chi phí vốn tăng, nhập khẩu đắt hơn và gia tăng áp lực lạm phát, nợ xấu trong nước.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhấn mạnh Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Áp lực lạm phát thời gian tới chủ yếu đến từ phía cung, lạm phát chi phí đẩy, do 2 yếu tố: thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu tăng mạnh cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng khiến chi phí đầu vào tăng cao. Ngoài ra, lạm phát còn bị đe dọa bởi tổng cầu nhiều khả năng tăng đột biến sau khi bị dồn nén suốt 2 năm dịch bệnh vừa qua. Đây là thách thức lớn đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, áp lực lạm phát còn đến từ khả năng điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý (như giá điện, nước, y tế, giáo dục...) có thể xảy ra, tạo áp lực tăng lạm phát đáng kể đối với Việt Nam. Việc triển khai mạnh Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 cũng sẽ là một tác nhân tăng cung tiền, gia tăng lạm phát 2 năm đó và có thể cả năm tiếp theo. Theo ông Long, để hạn chế tối thiểu tác động của gói đầu tư phát triển tạo áp lực đẩy lạm phát tăng, cần có các giải pháp đảm bảo đủ nguồn cung, đặc biệt không để đứt gãy nguồn cung trong và ngoài nước.