2 làn sóng đầu tư vào gỗ Việt
Ngành gỗ Việt đang ở giữa 2 làn sóng đầu tư mạnh mẽ, một đến từ các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc và từ nguồn vốn quỹ ngoại.
Trung Quốc âm thầm
Sau chính sách đóng cửa rừng tại 2 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc và Nội Mông từ tháng 4 năm ngoái, đến năm 2017, Trung Quốc sẽ cho đóng cửa hoàn toàn gỗ rừng tự nhiên. Chính sách này đã khiến nhiều doanh nghiệp gỗ nội thất Trung Quốc phải đi tìm vùng đất mới, trong đó có Việt Nam. Có thể thấy rõ xu hướng này khi trong 500 doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở lĩnh vực chế biến gỗ tại Việt Nam, có đến 1/3 là các doanh nghiệp Trung Quốc và Đài Loan.
Bình Dương là thị trường thu hút dòng vốn này nhiều nhất. Tính đến giữa năm 2016, có đến 29/100 dự án đầu tư nhà máy mới tại Bình Dương thuộc các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan với số vốn ban đầu hơn 82,4 triệu USD. Số doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc, Đài Loan tại Bình Dương lên đến 900 doanh nghiệp với vốn đầu tư 5,5 tỉ USD.
“Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang âm thầm tìm đường chuyển dịch nhà máy sang Việt Nam dưới nhiều hình thức”, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), chia sẻ. Nguyên nhân là do Việt Nam có nguồn gỗ dồi dào và thuế suất xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường châu Âu, Mỹ thấp chỉ từ 0-4%, trong khi các doanh nghiệp gỗ xuất khẩu của Trung Quốc bị đánh thuế cao tại hai thị trường này.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư chui thông qua việc mua lại các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn thua lỗ hoặc đã phá sản. Họ để người Việt Nam đứng tên các công ty này. Thậm chí, gần đây, có khoảng 30 nhà đầu tư mới của Trung Quốc có ý định đầu tư vào ngành gỗ nhằm hưởng lợi thế xuất khẩu từ thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng và sụt giảm doanh thu bởi sự chuyển dịch này.
Ông Lưu Phước Lộc, Giám đốc Công ty Chế biến gỗ Mtrade, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, cho biết, có một làn sóng các doanh nghiệp gỗ của Trung Quốc đầu tư vào tỉnh Bình Dương, nhưng họ “đội lốt” doanh nghiệp Việt Nam, mang hàng hóa gần như đã là thành phẩm sang Việt Nam, sau đó chỉ là lắp ráp lại, phủ sơn rồi xuất khẩu. “Mục đích của họ là lấy giấy chứng nhận xuất xứ C/O của Việt Nam, vì hiện nay các doanh nghiệp gỗ của Trung Quốc không được cấp C/O sang Mỹ do họ bán phá giá sang thị trường này”, ông Lộc giải thích.
Doanh nghiệp Trung Quốc cũng muốn tận dụng nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam, bởi trong cạnh tranh về giá, các doanh nghiệp Trung Quốc luôn có lợi thế nhờ sản xuất với quy mô rất lớn. Mỗi năm, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 12 tỉ USD đồ gỗ sang Mỹ, trong khi Việt Nam mới chỉ xuất vào thị trường này 2 tỉ USD/năm. Vì thế, doanh nghiệp Trung Quốc muốn khai thác hết dư địa của thị trường Việt Nam.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm nay đạt 7,3 tỉ USD, tăng nhẹ 1% so với năm trước. Mặc dù đến nay, chưa có con số thống kê cụ thể nhưng tình trạng doanh nghiệp nội mất đơn hàng vào tay các doanh nghiệp Trung Quốc và ngày càng bị thu hẹp thị trường diễn ra khá phổ biến. Theo thống kê của Vifores, sự tăng trưởng trong ngành gỗ chủ yếu đến từ doanh nghiệp FDI. Trước đây, cả nước có khoảng 65% doanh nghiệp xuất khẩu gỗ là doanh nghiệp nội địa, nhưng nay tỉ lệ này đã giảm xuống còn 30-35%.
Quỹ ngoại hăm hở
Giữa tháng 6.2016, VinaCapital và Tập đoàn KfW đã quyết định đầu tư 30 triệu USD vào Công ty Cổ phần Gỗ An Cường. Khoản đầu tư này so với số bình quân các thương vụ mà VinaCapital đã đầu tư trước đây không phải nhỏ. VinaCapital đầu tư vào An Cường là vì nhìn thấy tiềm năng thị trường gỗ nội thất tại Việt Nam. An Cường hiện là công ty lớn nhất trong ngành gỗ công nghiệp tại Việt Nam với doanh thu lên đến 70 triệu USD/năm và biên lợi nhuận gộp khoảng 20-25%. Thậm chí, trong lĩnh vực xuất khẩu, An Cường cũng phát triển sản phẩm rất mạnh vào các thị trường Mỹ, Canada, Nhật, Malaysia, Campuchia...
Sức ép cạnh tranh mới buộc các doanh nghiệp chế biến gỗ nội địa phải tìm cách mở rộng quy mô. Ảnh: Linh Phạm |
Hiện tại, Việt Nam chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp dùng nguyên liệu gỗ công nghiệp trong sản xuất nhưng đây là nguyên liệu sẽ được sử dụng rộng rãi trong tương lai vì nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng ngày càng hạn hẹp. Trong khi đó, An Cường hiện nắm giữ 70% thị trường gỗ ván ép Laminate và 50% thị phần nội địa ở phân khúc ván MFC. Điều này chứng minh được tiềm năng của An Cường trong tương lai.
Ngoài An Cường, nhiều công ty gỗ Việt Nam cũng rất sáng giá. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Nguyễn Hoàng chuyên sản xuất kinh doanh gỗ nội thất tại miền Trung cũng được Công ty Bamboo Capital chi phối 90% cổ phần. Nguyễn Hoàng có thị trường lớn về đồ nội thất ngoài trời ở Mỹ và châu Âu, với doanh thu khoảng 200 tỉ đồng/năm.
Ngoài vốn ngoại, nhiều công ty trong nước cũng tìm cách mua lại những công ty gỗ tiềm năng. Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành từng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong ngành gỗ và là công ty gỗ lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng do đầu tư ồ ạt và quá nhanh nên gặp khó trong vấn đề tài chính. Sau thời gian bắt tay hợp tác, Công ty Tân Liên Phát (công ty con của Tập đoàn Vingroup), đã nắm 69% cổ phần của Gỗ Trường Thành. Đây là một thương vụ thâu tóm lớn trong ngành gỗ.
Hầu hết những doanh nghiệp gỗ này đều có giá trị hàng trục triệu USD và thuộc những doanh nghiệp đầu ngành. Mặc dù gặp khó khăn tài chính nhưng Trường Thành vẫn có thị phần nội địa rất lớn. Đặc biệt, công ty này còn có kinh nghiệm lâu năm trong cung cấp các sản phẩm ván lót sàn, đồ gỗ nội thất cho các công trình xây dựng lớn.
Gần đây, Công ty Cổ phần Phú Tài cũng đầu tư 120-130 tỉ đồng vào nhà máy chế biến gỗ Phù Cát với mục tiêu đầu tư triển khai dự án nhà máy chế biến gỗ Phù Cát nhằm tăng năng lực sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu, phát triển quy mô sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường những năm tới. Nhà máy mới sẽ được đầu tư làm 2 giai đoạn và hoàn thành vào năm 2017. Dự kiến có công suất 25.000-45.000m3 sản phẩm/năm. Diện tích sử dụng đất khoảng 9ha, trong đó diện tích xây dựng nhà xưởng dự kiến từ 40.000-45.000m2.
Có thể thấy, ngành gỗ Việt đang bước vào một cuộc cạnh tranh gay gắt và ngày càng khó khăn hơn. Các doanh nghiệp nhỏ trong ngành thậm chí có thể bị phá sản trước sự cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc. Vì thế, cùng với sự đầu tư của các quỹ để mở rộng quy mô, doanh nghiệp ngành gỗ cần chủ động đổi mới, nâng cao năng lực quản trị, năng suất lao động... Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thúc đẩy liên kết để gia tăng sức cạnh tranh.
Thanh Hương