2 câu chuyện ngược chiều về IPO ngành đường sắt
IPO cùng thời điểm, chung công ty mẹ là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và mức giá khởi điểm 10.000 đồng, nhưng kết quả của Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn và Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội lại trái ngược nhau. Đường sắt Sài Gòn đã thành công khi nhà đầu tư đăng ký mua hết 100% cổ phần, mang về 72,2 tỉ đồng. Buổi IPO này có đến 20 nhà đầu tư cá nhân đăng ký, mua vượt 9% so với số lượng chào bán và đạt giá cao nhất là 18.000 đồng/cổ phần.
Ngược lại, Đường sắt Hà Nội chỉ có khoảng 10 nhà đầu tư tham gia và bán được hơn 2% trong số 11,4 triệu cổ phần chào bán. Sau khi bán cổ phần, dự kiến vốn điều lệ Đường sắt Sài Gòn sẽ tăng lên 503,1 tỉ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 60%, cổ phần công khai ra công chúng lần này chiếm 14,33%.
Phải nói thêm rằng cổ phần hóa ngành đường sắt nằm trong yêu cầu của Nhà nước. “Ngành đường sắt cần thu hút sự tham gia từ bên ngoài để xóa độc quyền, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính cạnh tranh”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông từng chia sẻ với báo chí cuối năm ngoái. Theo lộ trình cổ phần hóa ngành đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ cổ phần hoá 24 công ty trong năm 2015. Theo đó, Nhà nước nắm giữ 51% tại 20 công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, 60% tại 2 công ty Đường sắt Hà Nội, Đường sắt Sài Gòn và 75% tại 2 công ty Xe lửa Gia Lâm, Xe lửa Dĩ An.
Nếu so sánh về quy mô vốn và doanh nghiệp, Đường sắt Hà Nội lớn hơn. Năm 2014, Đường sắt Hà Nội lãi 165 tỉ đồng, trong khi dù doanh thu tăng, Đường sắt Sài Gòn lỗ hơn 7 tỉ đồng, chủ yếu do tập trung đầu tư nâng cấp. Do đầu tư vào 2 xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng và Sài Gòn, nợ dài hạn của Đường sắt Sài Gòn hiện lên tới 636 tỉ đồng, hơn gấp đôi so với 247 tỉ đồng của Đường sắt Hà Nội. Khi trả 2 xí nghiệp này cho công ty mẹ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nợ dài hạn của Đường sắt Sài Gòn sẽ giảm xuống. Theo ước tính của Đường sắt Sài Gòn, công ty này tiếp tục lỗ 206 tỉ đồng trong năm 2015, sẽ có lãi từ năm 2016 trở đi và hướng tới doanh thu hơn 3.900 tỉ đồng vào năm 2020.
Doanh thu và lợi nhuận của đường sắt HN và SG |
Doanh thu của 2 công ty chủ yếu đến từ vận tải hành khách. Tuy nhiên, Đường sắt Hà Nội được định giá 1.198 tỉ đồng, thấp hơn mức 1.509 tỉ đồng của Đường sắt Sài Gòn, dù lượng hành khách và vận tải lớn hơn. Có thể là vì Đường sắt Hà Nội đã thua lỗ 2 năm 2012-2013 và bắt đầu có lợi nhuận 165 tỉ đồng từ năm 2014.
Sau cổ phần hóa, Đường sắt Sài Gòn được sử dụng 16 khu đất với diện tích 40.341 m2, còn Đường sắt Hà Nội sử dụng 18 khu đất với diện tích 60.274 m2, chủ yếu làm văn phòng, chi nhánh, nhà lưu trú, nhà để xe. Ngoài ra, Đường sắt Sài Gòn cũng đang quản lý khu đất 5.625 m2 tại Khách sạn FaiFo - Đà Nẵng theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, đến tháng 8.2018 nhưng có thể được gia hạn.
Tuy thấp hơn Đường sắt Hà Nội về quy mô doanh nghiệp nhưng Đường sắt Sài Gòn có tiềm năng và lợi thế lớn hơn. Điều kiện chọn nhà đầu tư chiến lược cũng có phần quyết định kết quả IPO vừa qua. Đường sắt Hà Nội đưa ra nhiều yêu cầu khó đối với nhà đầu tư chiến lược, gồm có nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường sắt, có sản lượng vận tải từ 300.000 tấn/năm trở lên, có lượng hành khách từ 20.000 lượt khách/năm trở lên, có công nghệ logistics...; nhà đầu tư tài chính - ngân hàng phải có vốn chủ sở hữu trên 500 tỉ đồng.
Lợi nhuận dự kiến của Đường sắt Sài Gòn từ năm 2016 tiếp tục cao hơn so với Đường sắt Hà Nội, dù doanh thu thấp hơn. Theo đó, Đường sắt Sài Gòn sẽ có lãi từ 18-25 tỉ đồng. Ngoài ra, Đường sắt Sài Gòn có khối tài sản cố định 918 tỉ đồng, lớn hơn gần gấp đôi khối tài sản 579 tỉ đồng của Đường sắt Hà Nội.
Thanh Hương