Thứ Tư | 24/12/2014 15:09

18 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chưa được phê duyệt đề án tái cơ cấu

Theo Bộ Tài chính, đến thời điểm hiện nay, có 90/108 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã được phê duyệt Đề án tái cơ cấu.

Theo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án của 20/20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền. Các bộ, địa phương đã phê duyệt 70 đề án của tổng công ty nhà nước trực thuộc.

Tính đến 31/12/2013 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.782 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 4.065 doanh nghiệp (bao gồm 3.650 doanh nghiệp và 415 bộ phận doanh nghiệp), còn lại 949 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (chưa kể các nông, lâm trường quốc doanh).

Riêng giai đoạn 2011 - 2013, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 81 doanh nghiệp. Trong 11 tháng đầu năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 177 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 115 doanh nghiệp.

Các Tập đoàn, Tổng công ty đã tập trung thực hiện tái cơ cấu 3 mục tiêu là tái cơ cấu về tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp; tái cơ cấu về tài chính; tái cơ cấu về quản trị, lao động. Qua 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DNNN từng bước được cải thiện đáng kể, tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực không phải là ngành kinh doanh chính đã từng bước được khắc phục và chấn chỉnh.

Các Tập đoàn, Tổng công ty đã tập trung thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thoái vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa hoạt động trong lĩnh vực không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối.

Công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã góp phần hoàn thiện và phát triển các yếu tố thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ, gắn kết người lao động, ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.

Về cơ chế chính sách, DNNN hoạt động chung với doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nhưng chưa giải quyết được các vấn đề đặc thù đặt ra liên quan đến sự tồn tại và vận hành của các DNNN. Việc sử dụng các công cụ quản lý nhà nước đối với DNNN bằng các văn bản dưới luật dẫn đến hiệu lực thực thi chưa cao, làm giảm hiệu quả của quản lý nhà nước đối với DNNN nói chung và gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát, giám sát của Nhà nước.

Việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa được thực hiện đầy đủ và triệt để. Vì vậy, hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với DNNN nói chung cũng như hoạt động giám sát của nhà nước đối với việc sử dụng các nguồn lực thuộc sở hữu nhà nước đầu tư tại DNNN còn hạn chế.

Việc triển khai xây dựng, thẩm định, phê duyệt Đề án tái cơ cấu của một số doanh nghiệp còn chậm. Đến thời điểm hiện nay, có 90/108 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã được phê duyệt Đề án tái cơ cấu, còn 18/108 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước chưa được phê duyệt Đề án tái cơ cấu.

Bộ Tài chính chỉ ra, một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo về tình hình triển khai Đề án tái cơ cấu, phương án sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp.

Năm 2015, Bộ Tài chính cho biết sẽ đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Chuyển các doanh nghiệp không đủ điều kiện hạch toán kinh doanh độc lập thành các đơn vị phụ thuộc của tập đoàn, tổng công ty nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nghề kinh doanh chính; đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN cũng là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015.

Nguồn DVO/MOF