17.000 tỷ đồng vốn Nhà nước khó thoái khỏi ngân hàng, địa ốc
Cập nhật tình hình cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước với báo chí cuối tuần này, ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết từ đầu năm đến nay, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn được gần 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 18.000 tỷ đồng vốn Nhà nước chưa thoái được, trong đó lĩnh vực ngân hàng là 11.000 tỷ đồng, bất động sản gần 6.000 tỷ đồng.
Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cũng đánh giá, một số trường hợp cần thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng đã được giải quyết, như khoản đầu tư của Petrolimex cơ bản được xử lý sau khi PGBank sáp nhập vào VietinBank. Còn khoản đầu tư của PetroVietnam tại PVcomBank cũng đang được thoái.
Về kết quả cổ phần hóa, ông Tiến cho biết đến tháng 9, có gần 100 doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, kết quả này mới hoàn thành khoảng một phần ba mục tiêu cổ phần hóa 289 doanh nghiệp của cả năm 2015. Lý giải về sự chậm trễ này, Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp cho rằng, cơ chế chính sách cho quá trình cổ phần hóa đã tháo gỡ nhưng vẫn còn sự e ngại từ phía nhà đầu tư. Ông cho biết, nhà đầu tư nước ngoài có vào nhưng đặt bút mua thì chưa nhiều vì còn e ngại về sự công khai, minh bạch thông tin.
Bên cạnh đó, theo ông Tiến, khó khăn trong cổ phần hóa còn đến từ chính lãnh đạo các doanh nghiệp. Nhiều lãnh đạo e ngại mất vị trí, quyền hành. "Lo nhất là với các doanh nghiệp nhiều tồn tại, khi sắp xếp lại sẽ lộ ra những vấn đề gắn với trách nhiệm người đứng đầu", ông Tiến phân tích và đánh giá việc thực hiện cổ phần hóa vẫn còn sự "du di" và "không quyết liệt".
"Cốt lõi là thay đổi tư duy lãnh đạo sau cổ phần hóa, có thể phải thay đổi nhân sự, chấp nhận nguyên tắc thị trường, phải đăng ký trên thị trường chứng khoán để thị trường 'soi'," ông Đặng Quyết Tiến nói.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 87 với những nội dung được kỳ vọng tăng tính minh bạch trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp Nhà nước. Nghị định 87 cho biết, doanh nghiệp Nhà nước có thể bị giám sát tài chính đặc biệt khi có dấu hiệu mất an toàn. Trong đó, "mất an toàn tài chính" được xác định khi doanh nghiệp trong giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh năm báo cáo lớn hơn 30% so với mức lỗ kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hết giai đoạn lỗ kế hoạch, nếu doanh nghiệp vẫn lỗ từ 30% vốn đầu tư trở lên hoặc lỗ lũy kế hơn 50% vốn đầu tư sẽ bị giám sát đặc biệt.
Nguồn VnExpress