VnEconomy

 
Thứ Sáu | 08/09/2017 09:56

160 tấn vàng “bốc hơi” khỏi ngân hàng sau 5 năm

Nguồn lực một thời từng được các ngân hàng vận dụng để cho vay đang ở đâu và có bị hoang phí?...

Có phần “may mắn”: sự kiện Triều Tiên thử bom nhiệt hạch cuối tuần qua, thị trường trong nước nghỉ lễ, tác động được pha loãng về thời gian, cũng như chờ đợi phản ứng của thị trường thế giới.

Giá vàng thế giới phản ứng nhanh, có thời điểm tăng tới 35 USD/oz, tăng gần 2,7% và lên mức cao nhất trong gần một năm với 1.345 USD/oz.

Thêm một phép thử

Thị trường trong nước mở cửa sau kỳ nghỉ lễ. Lần đầu tiên sau 5 tháng mốc giá 37 triệu đồng/lượng của vàng miếng SJC xuất hiện. Tuy nhiên, do mức tăng chậm và thấp hơn, nên chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới được thu hẹp rõ rệt. Nếu đầu năm nay từng có mức chênh cao hơn trên 3 triệu đồng/lượng, thì trong ngày 6/9 chỉ còn chênh quanh 150.000 đồng/lượng.

Tại nhiều thời điểm trong ngày 6 và 7/9, đầu mối giám sát thị trường liên tục cập nhật diễn biến giá và giao dịch trên thị trường lên cấp trên của Ngân hàng Nhà nước. Điểm chung, không có xáo trộn lớn có thể gây bất ổn trên thị trường và nhà điều hành không phải can thiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, cũng như trước nhiều sự kiện lớn và bất lợi xẩy ra trên thị trường thế giới thời gian qua, thị trường vàng Việt Nam vẫn ổn định, không có lộn xộn với các cơn sốt như từng quen thuộc trước đây.

Mức tăng khoảng nửa triệu đồng mỗi lượng từ tác động của sự kiện trên vẫn không kích thích nguồn vốn trên thị trường đổ xô vào vàng. Thậm chí theo thông tin từ Vụ Quản lý Ngoại hối, quy mô giao dịch vàng miếng trên thị trường trong nước hiện đã giảm tới khoảng 50% so với trước năm 2013.

Thêm một lần nữa, qua “phép thử” tác động đủ mạnh từ bên ngoài, giá vàng và thị trường vàng trong nước cho thấy đã bớt gây xáo trộn đối với đời sống xã hội, đối với ổn định vĩ mô, hay liên quan trực tiếp là tỷ giá; thị trường không còn cảnh người dân xếp hàng mua vàng đón sóng như nhiều năm trước.

Giả dụ như trước đây, với mức tăng khoảng nửa triệu đồng mỗi lượng nói trên, những ngân hàng huy động vàng rồi chuyển đổi sang VND để kinh doanh, những người vay vốn bằng vàng, nhà đầu tư trên sàn vàng có thể đã đối diện với rủi ro. Rủi ro có thể càng bị khuếch đại ở hoạt động mua vào đóng bớt trạng thái, cầu dồn đẩy mà giá càng biến động.

Và như ứng xử thường thấy nhiều năm trước, nếu sự dồn đẩy đến mức lớn, Ngân hàng Nhà nước lại phải cấp hạn ngạch cho nhập khẩu vàng về đáp ứng và bình ổn. Tương ứng, một lượng ngoại tệ lớn lại chảy ra nước ngoài để nhập vàng. Liên quan, tỷ giá USD/VND lại có thể nhảy múa theo.

Nhưng ba năm gần đây, trước hàng loạt sự kiện lớn có tác động bất lợi, cũng như phép thử nói trên, sự ổn định được khẳng định.

Vốn vàng trốn đi đâu?

Những diễn biến đặt trong bối cảnh yêu cầu nghiên cứu huy động nguồn lực vàng trong dân mà Chính phủ đưa ra còn tươi mới.

Trong tình huống tương tự như vậy, việc không phải bơm ra ngoại tệ để nhập về bình ổn thị trường trong nước như các cơn sốt trước đây cũng đã là một kết quả huy động gián tiếp. Nguồn lực không bị nhồi thêm vào vàng theo sức hút đầu cơ, nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, tiền gửi ngân hàng hay vốn cho đầu tư chứng khoán bớt bị chia sẻ.

Vấn đề là, khoảng 500 tấn vàng nằm trong dân thì sao? Nguồn lực một thời từng được các ngân hàng vận dụng để cho vay đang ở đâu và có bị hoang phí?

Nhìn lại 5 năm về trước, nguồn lực vàng đã từng được nhận diện ở quy mô rất lớn.

Con số ước tính đưa ra tại hội thảo ngày 4/10/2012: trong giai đoạn 1990-2011, tổng lượng vàng Việt Nam nhập về khoảng 500 tấn, trong đó năm thấp nhất là 5 tấn và cao nhất là 80 tấn; lượng vàng gửi tiết kiệm tại các ngân hàng Việt Nam khoảng 100 tấn.

VnEconomy tìm hiểu số liệu ở kênh giám sát của Ngân hàng Nhà nước, thực tế tổng lượng vàng từng gửi tại các ngân hàng vào năm 2012 còn lớn hơn nhiều, lên tới khoảng 160 tấn.

Thế nhưng, khoảng 160 tấn vàng đó qua 5 năm đến nay đã “bốc hơi” khỏi hệ thống ngân hàng, chỉ còn lại 2,86 tấn gửi dưới dạng giữ hộ.

Trao đổi với VnEconomy, một thành viên của Chính phủ cũng bất ngờ trước sự “bốc hơi” đó, bởi ông suy tính ít nhất vẫn còn khoảng vài chục tấn. Và 2,86 tấn được rà soát lại một lần nữa và khẳng định, trên cơ sở cập nhật báo cáo của các tổ chức tín dụng.

Câu hỏi lớn đặt ra: lượng vàng lớn đó “bốc hơi” khỏi hệ thống ngân hàng (theo nghĩa không nằm ở dạng gửi), đã đi đâu và giá trị nguồn lực có bị bỏ phí?

Thoạt tiên, vị thành viên của Chính phủ nói trên cho rằng một phần do người dân đưa về nhà cất tủ. “Suy diễn” nữa, thời gian qua vấn đề kê khai tài sản sau những ồn ào biệt phủ, rồi một số trường hợp liên quan đến lãnh đạo cao cấp…, nên có phải một bộ phận tài sản bằng vàng đã “trốn” khỏi ngân hàng?

Nếu vậy, để huy động nguồn lực từ bộ phận đó, đi cùng là sự minh bạch, là thử thách đầu tiên.

Còn theo góc nhìn của ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, một nguyên do chính là người dân đã rút vàng ra giao dịch, chuyển hóa thành VND để đưa vào đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng… Và ông Cảnh cho rằng, sự chuyển hóa này là kết quả của hướng đi hợp lý của Chính phủ trong huy động nguồn lực vàng, sau khi triển khai Nghị định 24.

Nhu cầu mua vàng miếng luôn có trên thị trường. Thay vì liên tục nhập khẩu về để đáp ứng như 2013 trở về trước, rồi nhu cầu đó cứ kê dày nguồn lực trong hệ thống ngân hàng dưới dạng huy động - cho vay, thì sự “bốc hơi” nói trên chính là nguồn vàng của dân gửi ở ngân hàng đã bán ra để đáp ứng nhu cầu của thị trường, trong thực tế gần bốn năm qua không có một lượng vàng miếng SJC nào được dập mới.

Nói cách khác, vốn vàng thay vì “chôn” dày lên, càng bỏ ngoại tệ nhập khẩu về thì càng kê cao tích tụ gửi ở ngân hàng trước đây, thì nay đã có chuyển động bán ra để thị trường tự dưỡng mà không gây xáo trộn hay bất ổn.

Dĩ nhiên, vốn vàng tích tụ 160 tấn trước đây từng là nguồn lực để các ngân hàng kinh doanh, chuyển đổi và cho vay. Giá trị không thể phủ nhận. Song, đổi lại, cái giá phải trả đã từng đắt đỏ về xáo trộn xã hội, rủi ro lớn về tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô, và đã có nhiều cán bộ, lãnh đạo ngân hàng thương mại vướng vòng lao lý với vốn vàng, một số ngân hàng mất nhiều năm mới khắc phục được hệ lụy liên quan…

“Bốc hơi” vậy có hoang phí không? 160 tấn vàng đó vẫn đang thực hiện chức năng tạo, đáp ứng và cân đối giao dịch trên thị trường. Thị trường vàng luôn phải có nguồn để trôi chảy, chứ không hoang phí mà huy động nguồn đó thành nguồn lực thực hiện các chức năng khác, đặc biệt là vay nợ.

Cũng từ 160 tấn vàng nói trên, đến nay đã khẳng định: không có chúng, các ngân hàng thương mại vẫn đủ nguồn đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế (dĩ nhiên là theo các giới hạn cân đối vĩ mô, theo sức hấp thụ của nền kinh tế). 

Việc Ngân hàng Nhà nước đã bóc tách hẳn quy mô vốn vàng từng kê cao trong hệ thống, bóc tách được các rủi ro nói trên, mà không gây hẫng sụt các cân đối vốn của hệ thống nói chung, cũng là một kết quả đáng chú ý, cho đến nay.

Nguồn VnEconomy