Thứ Ba | 04/03/2014 15:27

1,5 tỷ USD nợ khí đốt: Câu chuyện lịch sử về nút thắt kinh tế giữa Nga, Ukraine và EU

Không phải tất cả các đường ống dẫn khí đốt đều đi qua lãnh thổ Ukraine và EU cũng không quên nguồn khí đốt của họ vẫn nằm ở Nga.
Ngày 1/3 vừa qua, tập đoàn quốc doanh Gazprom của Nga bất ngờ tiết lộ thông tin cho biết khoản nợ khổng lồ của Ukraine do chậm trả tiền mua khí đốt đã lên tới 1,55 tỉ USD. Trước đó hồi đầu tháng 2, Dmitri Peskov - phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Poutine cũng từng lên tiếng cảnh báo về các hóa đơn khí đốt chưa thành toán của Ukraine.

Có thể nhận ra rằng, một mặt những thông tin trên được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine đang có nguy cơ biến thành cuộc chiến quân sự thực sự giữa Ukraine và các quốc gia khác. Nhưng mặt khác, nhờ cớ thời sự đương "nóng hổi", câu chuyện về hợp tác khí đốt giữa Nga và Ukraine lại có dịp được kể lại.

Trước khi bắt đầu câu chuyện, hãy lưu tâm rằng: nước Nga luôn sở hữu một thứ vũ khí quan trọng, đó là khí đốt. Và một trong vô vàn những đánh đổi trong cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Nga và Ukraine cũng liên quan trực tiếp đến 28 nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU). Bởi có một phần tư lượng khí đốt tiêu thụ của EU đến từ Nga và hiện có đến 60% trong số đó được trung chuyển qua Ukraine.
Bài toán đặt ra giờ đây đối với EU là sự lựa chọn: nguồn cung hay những trạm trung chuyển?
Lịch sử hợp tác khí đốt giữa Ukraine và Nga

Bắt đầu từ năm 1991, vào thời điểm Liên bàng Liên Xô tan rã cũng là lúc người Ukraine bắt đầu phải tìm cách thỏa hiệp với người hàng xóm đến từ nước Nga, bao gồm cả vấn đề chiến lược nhất là quân sự.

Quả thật đúng 6 năm sau đó, Kiev và Moscow đã cùng nhau kí kết một thỏa thuận cho phép Nga thuê hơn 80% tổng số các cơ sở của cảng Savastopol (tại Ukraine). Hợp đồng trên có thời hạn 20 năm và lợi ích kinh tế Ukraine nhận được là khoản thu từ tiền thuê đất hàng năm lên tới 8 triệu USD. Sang đến năm 2010, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ukraine lúc đấy giờ là ông Viktor Yanukovych, hợp đồng cho thuê cảng Savastopol đã được gia hạn thêm 25 năm nữa, có nghĩa năm 2042 mới hết hạn hiệu lực. Đổi lại, Nga cam kết bán khí đốt với giá rẻ cho Ukraine (tỉ lệ giảm giá dành cho Kiev là 30%).

Bất chấp mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trước đó trong lĩnh vực dầu khí, tập đoàn Gazprom - đơn vị độc quyền xuất khẩu dầu khí của Nga vẫn khẳng định Ukraine không thể tiếp tục cách thức chậm thanh toán như vậy và cho biết có thể chấm dứt thỏa thuận bán khí đốt giá rẻ cho Ukraine. Đây là lần đầu tiên từ khi lật đổ ông Yanukovich, Nga trực tiếp gây sức ép với chính phủ mới bằng vai trò nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của Ukraine.

Nguyên nhân chủ yếu từ sự chậm trả trên là do tình trạng tài chính khó khăn của Ukraine, bắt đầu từ sự kiện tổng thống Yanukovych từ chối kí kết từ chối kí hiệp định gia nhập Liên minh châu Âu hồi cuối năm ngoái - đồng thời châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Động thái trên cho thấy Kiev có ý định muốn quay lại "thân" Nga và sau đó, Moscow cũng đồng ý viện trợ 15 tỉ USD cho Ukraine kèm theo ưu đãi giảm 30% giá khí đốt nhập khẩu.

"Cuộc khủng hoảng khí đốt thứ ba có thể đang tới gần với Ukraine. Còn đối với châu Âu, dĩ nhiên đã có nhiều đường ống khác dẫn khí đốt đến EU mà không cần phải qua lãnh thổ Ukraine như North Stream, nhưng một số vẫn còn đang trong quá trình xây dựng, như South Stream chẳng hạn. Tuy nhiên đó chỉ là câu chuyện của những trạm trung chuyển, còn nguồn khí đốt của họ vẫn là Nga. Vì thế, chắc chắn EU sẽ phải chấp nhận lấy rủi ro lớn từ nguồn cung cấp khí đốt từ Nga nếu thực sự muốn đối đầu với Moscow và bài toán đặt ra giờ đây đối với EU là sự lựa chọn: nguồn cung hay những trạm trung chuyển?"

Thỏa thuận mới này đã được Moscow nhanh chóng thực hiện với phần viện trợ đầu tiên trị giá 3 tỉ USD trao cho Kiev từ cuối tháng 12/2013. Nhưng 12 tỉ viện trợ còn lại vẫn "đóng băng" trong thời gian chờ khủng hoảng chính trị kết thúc. Tuy nhiên, nhờ ưu đãi giảm giá vẫn còn hiệu lực nên hãng Naftogaz của Ukraine hiện chỉ phải trả 268,5 USD cho mỗi 1000 mét khối khí đốt nhập khẩu từ Nga, so với giá 400 USD trong năm 2009.

Kể từ khi Tổng thống Yanukovych bị phế truất và sự ra đời của chính phủ lâm thời, Mocow một lần nữa sử dụng vũ khí chiến lược của mình - khí đốt, để gia tăng áp lực lên Kiev bằng hợp đồng được kí ngắn hạn hơn (theo quý). Bên cạnh đó, tập đoàn Gazprom còn tính đến khả năng nâng giá bán mới kể từ 1/3. Lo ngại giá khí đốt cao hơn, Ukraine gần đây đã tăng gấp đôi lượng nhập khẩu khi đốt từ Nga. Đơn vị nhập khẩu khí đốt từ Nga là Naftogaz cho biết hôm qua 3/3 rằng: "Chúng tôi đã nhập khẩu 45 triệu mét khối khí vào 1/3/2014, so với 20 triệu mét khối khí được nhập khẩu vào cùng thời điểm năm ngoái". Quyết định này trái ngược với xu hướng giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga của Ukraine đã xuất hiện từ nhiều năm nay bởi cựu Thủ tướng Mykola Azarov cho biết, Ukraine đã giảm 40% giá trị nhập khẩu khí đốt từ Nga kể từ năm 2010 đến nay.

Tuy vậy, cần nhìn lại lịch sử có thể thấy đây không phải lần đầu tiên Moscow gây áp lực lên Kiev bằng khí đốt. Trước đó, Ukraine từng trải qua hai cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng sau khi Nga quyết định ngừng cung cấp khí đốt.

Hai cuộc khủng hoảng khí đốt trước đó giữa Ukraine và Nga

Cuộc khủng hoảng đầu tiên diễn ra vào 1/1/2006, tập đoàn Gazprom đã đóng vòi cung cấp khí đốt cho Ukraine sau khi nước này từ chối đề nghị tăng giá khí đốt từ phía Nga. Đặc biệt, Moscow đã cáo buộc Kiev mua lượng khí đốt (vốn được bán với giá rẻ) lớn hơn nhiều nhu cầu, sau đó bán lại lượng dư thừa này sang EU với giá cao hơn. Cuối cùng cuộc khủng hoảng kết thúc khi 3 ngày sau đó, hai bên đồng ý một thỏa thuận về việc tăng giá và có bằng chứng chứng tỏ lượng khí đốt "bị đánh cắp" được cho là hợp pháp. Trong những ngày xảy ra khủng hoảng, các nước châu Âu đã buộc phải cắt giảm đáng kể lượng khí đốt được sử dụng trong khi nhu cầu không hề giảm xuống.

Tiếp sau đó 3 năm, vào ngày 1/1/2009 Gazprom tiếp tục ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine. Lần này phía Nga đưa ra 2 lí do: thứ nhất Ukraine đã nợ hơn 2 tỉ USD tiền khí đốt đã giao từ năm 2008 và nguyên nhân thứ hai đến từ sự bất đồng trong việc thiết lập bảng giá mua bán khí đốt cho năm 2009. Cuộc khủng hoảng này cũng chấm dứt 15 ngày sau đó với việc Ukraine cam kết mua khí đốt của Nga với giá bán cho các nước thuộc EU và tỉ lệ giảm giá là 20% trong năm 2009. Vào thời điểm đó, hầu như tất cả các thành viên thuộc EU - có 90% lượng khí nhập khẩu từ Nga được trung chuyển qua Ukraine phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là các nước như Serbia , Bosnia, Slovakia và Moldova . Ở Pháp, lượng khí đốt không được vận chuyển trong suốt cuộc khủng hoảng tương đương lượng khí tiêu thụ trung bình trong 80 ngày.

Với những hành động quyết liệt trong tuần này, cuộc khủng hoảng khí đốt thứ ba có thể đang tới gần với Ukraine. Còn đối với châu Âu, dĩ nhiên đã có nhiều đường ống khác dẫn khí đốt đến EU mà không cần phải qua lãnh thổ Ukraine như North Stream, nhưng một số vẫn còn đang trong quá trình xây dựng, như South Stream chẳng hạn. Tuy nhiên đó chỉ là câu chuyện của những trạm trung chuyển, còn nguồn khí đốt của họ vẫn là Nga. Vì thế, chắc chắn EU sẽ phải chấp nhận lấy rủi ro lớn từ nguồn cung cấp khí đốt từ Nga nếu thực sự muốn đối đầu với Moscow và bài toán đặt ra giờ đây đối với EU là sự lựa chọn: nguồn cung hay những trạm trung chuyển?

Tâm Vũ

Nguồn Dân Việt


Sự kiện