Tính đến nay, thị trường Việt Nam đã có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động. Ảnh minh họa: TL.
145.000 tỉ đồng là dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng
Tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đã tiếp cận đến các phân khúc khách hàng hàng đại chúng chưa tiếp cận được hoặc khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng, lịch sử tín dụng hạn chế, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản đảm bảo…, góp phần mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi ở các địa bàn này; qua đó thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, ổn định kinh tế và công bằng xã hội.
Sự phát triển của tài chính tiêu dùng đã được ghi nhận không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế xã hội. Tính đến nay, thị trường Việt Nam đã có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.000 điểm giới thiệu dịch vụ, phục vụ khoảng 30 triệu khách hàng trên toàn quốc.
Đến ngày 30/9/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 11,6 triệu tỉ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2021. Dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỉ đồng tăng khoảng 16% so với cuối năm 2021, chiếm gần 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế với 84 tổ chức tín dụng tham gia cho vay. Dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145 nghìn tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm gần 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các công ty tài chính cũng gặp một số khó khăn, phạm vi và quy mô hoạt động còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến chưa phát huy đầy đủ vai trò của loại hình tổ chức tín dụng chuyên biệt này. Bên cạnh đó, hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do Ngân hàng Nhà nước cấp phép và hoạt động “tín dụng đen” đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen” như: Hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng; Thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, cho vay với lãi suất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Phát triển mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận tín dụng của đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân; Tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân; Tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Có thể bạn quan tâm
Rủi ro của tín dụng trái phiếu doanh nghiệp đến an toàn hệ thống là rất thấp
Nguồn Theo Ngân hàng Nhà nước