Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, cả nước có 131.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Ảnh minh họa: Quý Hòa.
13.700 doanh nghiệp được thành lập mới trong tháng 7
Theo đó, trong tháng 7/2023, cả nước có 13.700 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,2% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 7.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 7 có 6.884 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34,9% so với tháng trước và có 5.257 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 8,6% so với tháng trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, cả nước có 131.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 113.300 doanh nghiệp, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 16.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cũng từ số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2023 ước đạt 58.500 tỉ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 291.000 tỉ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 39,7% và tăng 12,3%).
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,24 tỉ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng đầu năm ước đạt 11,58 tỉ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với tình hình đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 7 tháng năm 2023 có 69 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 149,2 triệu USD, giảm 52,5% so với cùng kỳ năm trước; có 17 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 171,4 triệu USD, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 320,6 triệu USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể bạn quan tâm
Người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ “mạnh tay hơn” trong chi tiêu