Thứ Năm | 17/04/2014 21:41

1,3 triệu tỷ đồng đi vay đang được quản thế nào?

Trong khi Quốc hội và Chính phủ vất vả quản chặt 173 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển, thì 1,3 triệu tỷ đồng DNNN đi vay quản lý rất lỏng lẻo.
Đó là so sánh được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nêu tại phiên thảo luận chiều 17/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Đây là dự án luật được trình cho ý kiến lần đầu, sau 5 năm được Quốc hội yêu cầu sớm ban hành.

“Doanh nghiệp Nhà nước dứt khoát phải khoanh lại”

Tại tờ trình dự án luật, Chính phủ nhận định, ở thời điểm hiện nay, pháp luật về quản lý Nhà nước nói chung, và quản lý hoạt động tài chính doanh nghiệp Nhà nước nói riêng đang gồm nhiều nghị định, quyết định và chưa có một cơ sở luật để điều chỉnh.

Để bảo đảm đồng bộ pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật, phát huy vai trò nòng cốt của kinh tế Nhà nước việc ban hành Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là cần thiết.

Gồm 6 chương, 44 điều, phạm vi điều chỉnh của luật là quy định việc đầu tư, quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và giám sát các hoạt động đầu tư, quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Một trong những mục tiêu được Chính phủ đặt ra khi xây dựng luật là khắc phục việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và việc doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản để đầu tư vào sản xuất kinh doanh không đúng mục tiêu, chiến lược, đầu tư dàn trải. Tuân thủ nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, thực hiện công khai, minh bạch và giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong đầu tư và quản lý vốn đã đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với nội dung cụ thể của dự án luật thì con đường đi đến mục tiêu này còn khá gian nan, bởi nhiều quy định còn quá chung chung.

Theo nhận xét của Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự án luật - dự thảo luật chủ yếu đề cập đến loại hình doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chưa đề cập đến các doanh nghiệp hoạt động công ích.

Ủy ban này đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định đối với doanh nghiệp hoạt động công ích theo hướng “chức năng hỗ trợ điều tiết vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội của doanh nghiệp phải được đổi mới và thay thế bằng cơ chế đặt hàng của Nhà nước, được hạch toán theo cơ chế thị trường”.

Với quan điểm cần làm rõ chức năng của doanh nghiệp, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, nếu đặt vấn đề doanh nghiệp Nhà nước vừa làm nhiệm vụ xã hội, nhưng vừa phải có... lãi là nhiệm vụ bất khả thi!

Theo ông, doanh nghiệp Nhà nước dứt khoát phải khoanh lại, chỉ làm ở phần việc dịch vụ công hay hàng hóa công mà ở đó khu vực tư nhân không tham gia. Sau góp ý này, ông Đông đề nghị khẳng định luôn tại dự thảo luật là Nhà nước không đầu tư vốn vào những ngành mà khu vực tư nhân có đủ khả năng thực hiện.

“Trong quá trình hội nhập, chúng tôi rất mệt mỏi khi đàm phán quốc tế để họ công nhận chúng ta là nền kinh tế thị trường. Họ không công nhận, là vì họ vẫn thấy khu vực doanh nghiệp Nhà nước hoạt động có những ưu đãi, không theo quy định của thị trường, không đảm bảo về mặt cạnh tranh”, Thứ trưởng Đông than thở.

Ảnh hưởng không tích cực từ thực tế cho đến nay rất ít quốc gia thừa nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, theo ông Đông là họ đánh giá tín nhiệm trong tín dụng thấp, dẫn đến Việt Nam phải vay vốn đắt hơn các quốc gia khác.

“Vậy cho nên, phải phân định rõ đâu là nhiệm vụ công ích và đâu là nhiệm vụ làm kinh tế, làm công ích có chính sách quản lý khác, phải tách ra thì luật này làm rõ hơn”, Thứ trưởng Đông góp ý.
“Đổ bể thì Nhà nước phải trả chứ có chạy được đâu”

Vẫn theo phân tích của vị thứ trưởng này, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước phải đánh giá trên cơ sở nguồn vốn. Dự thảo luật quy định, đầu tư vốn nhà nước phải đúng mục tiêu, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát; bảo toàn và gia tăng giá trị vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Khái niệm bảo toàn nguồn vốn, theo Thứ trưởng Đông, là phải trên cơ sở tính giá trị vốn cộng với lãi suất trái phiếu chính phủ dài hạn. Phải tính như vậy thì mới chứng minh được doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, còn như bây giờ không làm rõ được có hiệu quả hay không.

Nói trước là tính cập nhật có thể không bằng Bộ Tài chính, ông Đông vẫn thể hiện sự lo ngại, khi ngoài vốn chủ sở hữu của Nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước là 1,1 triệu tỷ đồng, thì phần vốn vay của khu vực doanh nghiệp này lên tới 1,3 triệu tỷ đồng!

“1,3 triệu tỷ đi vay kia nếu đổ bể thì Nhà nước phải trả chứ có chạy được đâu, vậy mà 1,3 triệu tỷ đó quản lý rất đơn giản, lỏng lẻo”, ông Đông nhận xét.

“Doanh nghiệp tư nhân là đồng tiền liền khúc ruột, họ tiêu cẩn thận, còn doanh nghiệp Nhà nước là tiêu tiền xã hội, quản lý khó khăn hơn. Cần xác định rõ tư tưởng, chứ còn bây giờ vẫn bảo doanh nghiệp Nhà nước đi làm kinh tế rồi bảo là nhiệm vụ xã hội chủ nghĩa, thì lại tiếp đầu tư tràn lan ngoài ngành ngoài lĩnh vực”, Thứ trưởng Đông lo lắng.

Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là phải được bảo toàn và có hiệu quả cũng là quan điểm được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Ông cũng phê quy định đầu tư vốn nhà nước để thành lập mới doanh nghiệp ở những ngành, lĩnh vực tại dự thảo là quá rộng và chung chung.

“Ngành nào không ai làm được thì Nhà nước dứt khoát phải làm, ở đâu có tiền của Nhà nước thì ở đó phải giám sát, công khai minh bạch”, Chủ tịch nhấn mạnh.

Vào kỳ họp thứ 7 của Quốc hội tới đây, dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện