12 tỷ USD cho chuỗi dự án điện khí ở Kiên Giang và Cần Thơ
Sáng 3/4, tại thị trấn An Biên, huyện An Biên ( Kiên Giang), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự Lễ khởi động chuỗi dự án khí Lô B-Ô Môn trị giá 12 tỷ USD với các dự án thành phần: Dự án phát triển mỏ Lô B và dự án đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư.
Tổng giám đốc PVN, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, chuỗi dự án có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỉ USD (bao gồm đầu tư mỏ, đường ống dẫn và 4 nhà máy điện khí) do PVN và PVEP (Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam) cùng các đối tác nước ngoài đầu tư. Trong đó, dự án phát triển mỏ Lô B (cách bờ biển Phú Quốc khoảng 300km) đầu tư 6,8 tỉ USD, dự án đường ống dẫn khí từ mỏ Lô B về Ô Môn dài 431 km đầu tư 1,2 tỉ USD. Nhà điều hành của dự án này là Công ty điều hành Dầu khí Phú Quốc (Phú Quốc POC) trực thuộc PVN
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện chuỗi dự án Lô B – Ô Môn này, theo Quyết định phê duyệt của Chính phủ về “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 của Tổng sơ đồ điện lực VII” thì PVN và EVN sẽ đầu tư 2 nhà máy điện khí (tổng công suất mỗi nhà máy 1.500 MW) tại Trung tâm điện lực Kiên Giang và Điện lực Ô Môn với mỗi nhà máy có vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.
"Mục tiêu của chuỗi dự án này nhằm khai thác và thu gom nguồn khí từ mỏ Lô B ngoài khơi mũi Cà Mau với tổng trữ lượng khí thu hồi dự kiến khoảng 107 tỉ m3 và 12,65 triệu thùng condensate (hỗn hợp hidrocarbon lỏng). Theo đó, sản lượng khí đưa về bờ khoảng 5,06 tỉ m3/năm và kéo dài 20 năm từ năm 2020-2040 để cấp khí cho các nhà máy điện tại khu vực Kiên Giang và Ô Môn (TP Cần Thơ), nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng điện cho khu vực Nam bộ nói chung, Tây Nam bộ nói riêng", ông Sơn nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và biểu dương nỗ lực của PVN và các bộ, ngành trong việc xúc tiến đầu tư để có thể chính thức khởi động chuỗi dự án. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là dự án quy mô rất lớn và hết sức quan trọng. Bởi dự án sẽ đảm bảo cung cấp năng lượng điện rất cần thiết cho khu vực phía Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng từ giai đoạn 2020 trở đi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý việc đầu tư các nhà máy điện khí phải kịp thời với đường ống dẫn để dự án này được triển khai và đi vào hoạt động đúng kế hoạch dự kiến kể từ quý II năm 2020. Vì vậy Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư trong quá trình thực hiện.
Nguồn Đầu tư