Xe đạp điện cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao bị điều tra phòng vệ thương mại.

 
Minh Anh Thứ Năm | 16/04/2020 15:27

12 mặt hàng có thể bị điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ

Cục Phòng vệ thương mại vừa thông báo danh sách 12 mặt hàng có thể có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ trong quý I/2020.

Thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4.7.2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, Cục Phòng vệ thương mại đã thường xuyên theo dõi, cập nhật Danh sách các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Danh sách được xây dựng trên cơ sở theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba nhưng chưa áp dụng đối với Việt Nam.

Qua theo dõi 26 mặt hàng trong danh sách, hiện tại theo đánh giá của Cục Phòng vệ thương mại có 12 mặt hàng có thể có nguy cơ bị điều tra tại các thị trường Mĩ, EU.

Cụ thể, 12 mặt hàng gồm: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, đệm mút, tủ gỗ, đá nhân tạo, ống đồng, khớp nối bằng thép, bánh xe thép, thép tiền chế, vỏ bình ga, ghim đóng thùng xuất khẩu sang Mỹ, lốp xe tải và xe khách xuất khẩu sang châu Âu (EU), xe đạp điện xuất khẩu sang Mĩ, EU.

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cũng lưu ý mặt hàng gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng là mặt hàng đang bị thị trường Mĩ áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam sang Mĩ trong năm 2019 đã tăng 63,7% so với năm 2018.

Với mặt hàng tủ gỗ, đây là sản phẩm vừa bị thị trường Mỹ áp dụng thuế chống bán phá và thuế chống trợ cấp với sản phẩm của Trung Quốc. Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm từ 4 tỉ USD năm 2018 xuống còn 2,5 tỉ USD năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh từ 913 triệu USD năm 2018 lên 1,37 tỉ USD năm 2019 (tăng 50%).

Đối với sản phẩm đá nhân tạo đã bị thị trường Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Riêng sản phẩm lốp xe tải và xe khách đang bị thị trường EU áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường EU đã giảm từ 618,5 triệu Euro năm 2017 xuống còn 180 triệu Euro năm 2019. 

Còn với xe đạp điện xuất khẩu sang Mỹ, EU, hiện sản phẩm của Trung Quốc đang bị thị trường EU áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp và bị thị trường Mĩ áp thuế 25% theo Mục 301 Luật Thương mại 1974.

Riêng sản phẩm khớp nối bằng thép, thị trường Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc, Ý và Đài Loan (Trung Quốc). Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 7,7 triệu USD năm 2018 và 6,3 triệu USD năm 2019.

Cục Phòng vệ Thương mại cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không lớn và không có tăng trưởng đột biến, nhưng qua công tác giám sát, cơ quan chức năng xác định sản phẩm này có thể có nguy cơ bị điều tra trốn thuế phòng vệ thương mại.

Thời gian gần đây, vòng xoáy phòng vệ thương mại đang diễn ra căng thẳng trên toàn thế giới. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đã mở cửa và gia nhập vào hàng loạt các FTA thế hệ mới thì Việt Nam không thể tránh được các vụ kiện phòng vệ thương mại (ở cả hai chiều) nên để hạn chế những rủi ro cho doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng Việt Nam nên minh bạch về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, đồng thời doanh nghiệp nên chủ động trong việc tiếp cận các công cụ phòng vệ thương mại.