11 thông tin tiền tệ ngân hàng nổi bật tuần qua
Đây là con số được Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn công bố tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế ngày 26/4.
Theo ông Tuấn, Bộ Tài chính đã tiếp cận 66 ngân hàng thương mại lấy từng con số ngồi cộng lại. Theo đó, số phải trả từ khu vực doanh nghiệp của năm 2010 là 202 nghìn tỷ, đến 2011 phải trả 401 nghìn tỷ, còn năm 2012 vừa cộng xong kết quả thì khoảng 480 nghìn tỷ.
Liên quan đến băn khoăn về con số thực của nợ xấu và giảm nợ xấu, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, hai năm nay mỗi năm xử lý từ 60 - 63 nghìn tỷ đồng tính vào chi phí.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh, “nhưng cái quan trọng là 60 - 63 nghìn tỷ đó ai phải chịu, chia cho ai, có phải chia cho người gây ra nợ xấu hay chia vào các doanh nghiệp đang kinh doanh bình thường”.
Sẽ ban hành nghị định thành lập VAMC trong vài ngày tới
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều ngày 26/4, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, về đề án thành lập công ty quản lý tài sản (VAMC), Chính phủ đã thảo luận trong phiên họp tháng trước nhưng một số vấn đề cần làm sâu hơn.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đã họp bàn lại, tiếp thu ý kiến của bộ ngành và đã trình lên ý kiến sửa đổi lên Chính phủ. Trong vài ngày tới, Chính phủ sẽ thông qua nghị định này để sớm đưa VAMC đi vào hoạt động, ông Đam cho biết.
Theo Bộ trưởng, việc thành lập công ty xử lý nợ xấu như thế này không có mô hình nào trên thế giới để học tập trọn vẹn, do đó tinh thần của Chính phủ là một khi đã đáp ứng những yêu cầu cơ bản thì sẽ cho công ty này ra đời bằng một Nghị định, sau đó sẽ tiếp tục có điều chỉnh nếu thấy cần thiết.
Sẽ xem xét quy định trần lãi suất cho vay
Theo thông cáo báo chí tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2013, hiện lãi suất huy động VND ở mức ổn định và có xu hướng giảm. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định. Ngân hàng Nhà nước tích cực mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Thanh khoản của hệ thống được đảm bảo.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho rằng, tuy kinh tế vĩ mô có nhiều bước chuyển biến tích cực, nhưng vẫn phải tập trung kiềm chế lạm phát, kiểm soát cung tiền (M2) đảm bảo tăng trưởng tín dụng và rải đều ra các tháng còn lại trong năm.
"Điều hành lãi suất mạnh mẽ hơn để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Nếu cần thì xem xét quy định trần lãi suất cho vay có mức chênh lệch hợp lý so với lãi suất huy động và tăng cường kiểm tra việc thực hiện", cơ quan Chính phủ cho biết.
Vẫn còn tình trạng nhập lậu vàng
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, tại buổi làm việc của NHNN với các cơ quan chức năng, cơ quan công an và quản lý thị trường cho biết đã phát hiện một số trường hợp nhập lậu vàng nhưng chỉ với quy mô nhỏ.
Ông Minh cho rằng, sở dĩ việc nhập lậu vàng có quy mô nhỏ hơn so với trước đây (trước khi có NĐ 24/CP về quản lý thị trường vàng) là vì giới nhập lậu không còn thu lợi nhiều do không thể làm ra vàng miếng mà chỉ làm vàng trang sức hoặc làm thành những miếng vàng nhỏ để bán.
NHNN bác thông tin sử dụng chính sách để hợp pháp hóa vàng nhập lậu
Trong thông cáo phát đi trong tuần qua, NHNN khẳng định việc tạm xuất tái nhập đảm bảo theo đúng quy định pháp luật và NHNN đã báo cáo Chính phủ trước khi thực hiện.
Toàn bộ khối lượng vàng phi SJC tạm xuất là vàng miếng đang được lưu thông hợp pháp trên thị trường và chủ yếu thuộc sở hữu hợp pháp của người dân đang gửi tại TCTD. Quy trình tạm xuất tái nhập cũng được giảm sát chặt chẽ.
Do đó, theo NHNN, việc cho rằng chủ trương tạm xuất tái nhập nhằm hợp pháp hóa vàng nhập lậu là hoàn toàn không có căn cứ, cố ý bóp méo chính sách.
Về việc NHNN tổ chức bán vàng miếng can thiệp thị trường, NHNN cho biết, nguồn vàng ở đây là dự trữ ngoại hối Nhà nước, không liên quan tới vàng tạm xuất tái nhập.
Không đồng ý ưu đãi thuế cho VAMC
Ủy ban Tài chính Ngân sách, tại phiên họp ngày 24/4, đã không đồng ý với đề nghị ưu đãi thuế cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC).
Theo tờ trình trước đó của Chính phủ, để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nợ xấu, tạo tính thanh khoản cho các tổ chức tín dụng tiến tới lành mạnh hóa các hoạt động kinh tế, Chính phủ đã trình Quốc hội ưu đãi thuế cho VAMC.
Nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra không tán thành bổ sung VAMC vào đối tượng không chịu thuế, vì tổ chức này hiện chưa được thành lập. Do đó, việc ban hành quy định nhằm điều chỉnh hoạt động của một tổ chức chưa được thành lập, chưa rõ về bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực, hình thức tổ chức hoạt động… là chưa hợp lý.
Lại kiến nghị lập sàn giao dịch vàng quốc gia
Tại hội thảo "Thị trường vàng Việt Nam và những ẩn số" diễn ra tuần qua, một số chuyên gia và các doanh nghiệp kinh doanh vàng cho rằng, qua các phiên đấu thầu vàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức, thị trường vàng trong nước vẫn có nhiều biến động, giá vàng trong nước và thế giới ngày càng chênh lệnh lớn.
Chính vì vậy, để rút ngắn khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện nay, nhất là để bình ổn thị trường vàng thì nhà nước nên cho phép thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia.
Việc này cũng sẽ khơi thông được nguồn vốn vì tránh tình trạng đầu tư vàng vật chất. Đồng thời, NHNN cũng nên tạo điều kiện để cho nhiều đối tượng được tham gia đầu thầu vàng, chứ không hạn chế một số đối tượng như hiện nay.
Hàng loạt ngân hàng đề xuất sáp nhập
Trong báo cáo của Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) trình Đại hội đồng cổ đông sáng 28/4, trong năm 2013, ABBank sẽ chủ động tìm kiếm cơ hội và đối tác là các ngân hàng cổ phần có nền tảng và quy mô tương xứng để thảo luận khả năng mua bán hợp nhất nhằm mục đích tăng quy mô, thị phần, sức mạnh tài chính, khả năng cạnh tranh và giá trị công ty.
Trước đó, một loạt ngân hàng đã được cổ đông thông qua đề xuất M&A trong mùa đại hội năm nay.
Tại Đại hội của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ngày 24/4 vừa qua, chủ tịch HĐQT Lê Hữu Đức cho biết ngân hàng này đang tìm kiếm đối tác để M&A. Tiêu chí tìm kiế là tài chính lành mạnh, quản trị tốt và chất lượng nợ tốt, bởi lẽ nếu nợ xấu chiếm tới 30 – 40% thì ngân hàng này không thể sáp nhập để cùng nhau đi xuống.
Cùng ngày, Đại hội của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MaritimeBank), cổ đông cũng thông qua việc ủy quyền cho HĐQT quyết định góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác giá trị từ 20% trở lên so với vốn điều lệ.
Ngày 25/4, Đại hội của Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), các tờ trình của HĐQT sẽ mua lại 100% vốn của một công ty tài chính tiêu dùng, sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài và sáp nhập một ngân hàng khác vào HDBank cũng được cổ đông tán thành.
Trong buổi đại hội của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cổ đông cũng đã thông qua việc ủy quyền cho HĐQT nghiên cứu việc sáp nhập với tổ chức tín dụng khác là ngân hàng thương mại.
Đại hội của Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) cũng đã thông qua việc ủy quyền cho HĐQT quyết định chủ trương hợp nhất, sáp nhập ngân hàng để lựa chọn, đàm phán các điều kiện liên quan với đối tác nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng phát triển mạnh hơn.
Bắt đầu thanh tra quản lý thị trường vàng của NHNN
Ngày 22/4, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của NHNN đối với hoạt động kinh doanh vàng, huy động và cho vay vốn bằng vàng từ tháng 1/2009 đến hết tháng 3/2013.
Cùng với việc công bố quyết định thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ giám sát thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động đoàn thanh tra tại NHNN.
Theo các chuyên gia, hoạt động quản lý kinh doanh mua bán vàng của Ngân hàng Nhà nước trong mấy năm qua, bên cạnh những kết quả tích cực, cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định.
Việc để thị trường vàng biến động mạnh trong một thời gian khá dài cũng làm ảnh hưởng đến không ít doanh nghiệp và người dân. Mới đây, cơ quan này bắt đầu triển khai đấu thầu vàng nhằm từng bước bình ổn thị trường này, tuy nhiên hiệu quả đến đâu thì vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, còn chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tính đến trưa nay khoảng 5,6 triệu đồng/lượng.
NHNN bác bỏ tin đồn đổi tiền VND
Trong thông cáo báo chí phát đi cuối giờ chiều 23/4, NHNN cho biết, vừa qua, xuất hiện tin đồn cho rằng sắp tới NHNN có thể thay đổi đồng tiền đang lưu hành bằng đồng tiền mới.
Tuy nhiên, NHNN khẳng định không có chủ trương đổi tiền và không có bất kỳ một sự thay đổi nào với đồng tiền đang lưu hành hiện nay.
Theo NHNN, thời gian qua và hiện nay, giá trị đồng Việt Nam khá ổn định, cơ cấu của bộ tiền đang lưu thông hiện nay vẫn phù hợp. Do đó, NHNN cũng không có chủ trương phát hành tờ tiền mệnh giá 1 triệu đồng.
Doanh nghiệp được hoãn chuyển nhóm nợ xấu
Thống đốc đã quyết định lùi hạn áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại và trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động ngân hàng với tài sản có.
Theo Thống đốc, trước mắt, NHNN vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng áp dụng ngay thông tư để nhận diện đúng hơn về con số thực, bản chất nợ xấu; còn lộ trình áp dụng đối với doanh nghiệp thì NHNN không hối thúc thực hiện ngay mà sẽ có lộ trình phù hợp.
Trước đó, ngày 23/4/2012, NHNN ban hành Quyết định số 780/QĐ-NHNN cho phép tổ chức tín dụng khi gia hạn nợ cho khách hàng.
Đánh giá về hiệu quả của quyết định này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận: "Việc áp dụng Quyết định 780 đã giúp các doanh nghiệp và hệ thống tổ chức tín dụng cơ cấu lại khoản nợ tới 272 nghìn tỷ đồng thêm một thời gian mà đáng lẽ, theo chuẩn mực phân loại nợ hiện tại, chúng phải lộ ra".
Tuy nhiên, 9 tháng sau đó, NHNN ban hành Thông tư 02/2013/TT- NHNN về phân loại, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng đối với các tài sản có. Theo đúng lộ trình, thông tư sẽ được áp dụng từ 1/6/2013 tới đây.
Tuy nhiên, vừa qua, trong các đợt tiếp xúc giữa đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước và đại diện hàng nghìn doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng tại gần 40 tỉnh, thành phố diễn ra trong hơn một tháng qua, phần lớn các ý kiến đều muốn NHNN lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN.
Nguồn Dân Việt