11 sếp lớn bị đề nghị truy tố vì gây thiệt hại nghìn tỷ đồng
Liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra đề nghị truy tố 11 bị can, trong đó có Lê Thành Công (nguyên tổng giám đốc công ty Đông Phương); Đỗ Trọng Nhân (nguyên giám đốc công ty TNHH Siêu mẫu Việt); Dương Thanh Cường, Phạm Hoàng Thọ (nguyên tổng giám đốc, giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát); Thái Cường (nguyên giám đốc công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát); Lê Sơn Hùng (nguyên phó giám đốc công ty TNHH Sản xuất Xây dựng Thương mại Thanh Phát; Hồ Đăng Trung (nguyên giám đốc ngân hàng NNPTNN chi nhánh 6 TP. Hồ Chí Minh), cùng một số nhân viên ngân hàng này.
Kết quả điều tra cho thấy, năm 2006, công ty Đông Phương (trụ sở tại phường 17 quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) được cấp phép chuyển đổi một phần diện tích đất để lập dự án đầu tư xây dựng khu thương mại và chung cư. Công ty Đông Phương đã liên doanh với công ty cổ phần bất động sản Phương Nam, và thỏa thuận doanh nghiệp này nhận đặt cọc của công ty Phương Nam số tiền 20 tỷ đồng, cho vay 30 tỷ đồng. Tỷ lệ góp vốn của công ty Đông Phương là 10%; của công ty Phương Nam là 90%.
Tháng 5/2007, công ty Phương Nam chuyển nhượng 80% vốn góp cho công ty Bình Phát để tham gia liên doanh thực hiện dự án. Theo đó, công ty Bình Phát thay mặt công ty Phương Nam đóng số tiền còn lại cho đủ 20 tỷ đồng. Công ty Bình Phát đã chuyển cho công ty Đông Phương số tiền 38 tỷ đồng.
Thời gian sau đó, ngân hàng NNPTNT chi nhánh 6 TP. Hồ Chí Minh yêu cầu công ty Bình Phát trả lãi một số khoản vay. Do khó khăn về tài chính, Dương Thanh Cường (nguyên tổng giám đốc công ty Bình Phát) đã đề nghị Lê Thành Công (nguyên tổng giám đốc công ty Đông Phương) cho vay 10 tỷ đồng. Công thỏa thuận sẽ chỉ đưa 9,5 tỷ, còn giữ lại 500 triệu đồng để trả lãi.
Mặc dù công ty Đông Phương không có tiền dư trong tài khoản, nhưng vì lãi suất nên Công đã gặp Đinh Công Hùng (tổng giám đốc công ty dệt Thành Công) đề nghị cho vay 10 tỷ đồng trong vòng 15 ngày với lãi suất 1%/15 ngày.
Nhận tiền, Công chỉ đạo phòng kế toán chuyển 9,5 tỷ đồng vào tài khoản của công ty Bình Phát. Số tiền 500 triệu đồng, Công chỉ đạo kế toán lập phiếu chi cho công ty Bình Phát, nhưng thực chất đã được nhân viên của công ty Đông Phương đưa cho Công. Số tiền này, Công chuyển hơn 82 triệu đồng trả lãi cho công ty Thành Công, còn lại chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng.
Ngoài ra, nguyên tổng giám đốc công ty Đông Phương còn ký hợp đồng khống chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với ông Đỗ Trọng Nhân (nguyên giám đốc công ty TNHH Siêu mẫu Việt), rút 6 tỷ đồng của cơ quan để sử dụng cá nhân. Dù sau đó đã hoàn trả, nhưng công ty Đông Phương đã phải vay các tổ chức tín dụng để trả lãi cho khoản tiền này hơn 1 tỷ đồng.
Trong vụ án này, nổi lên nhóm đối tượng nguyên là cán bộ, nhân viên ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn chi nhánh 6 TP.HCM, đã vi phạm các quy định về cho vay, gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng.
Nguyên giám đốc ngân hàng chi nhánh 6 Hồ Đăng Trung, đã cho công ty Tấn Phát vay 170 tỷ đồng; cho công ty Thanh Phát vay gần 630 tỷ đồng, (cả 2 doanh nghiệp này dưới tầm ảnh hưởng của Dương Thanh Cương, tổng giám đốc công ty Bình Phát) bất chấp các quy định về cho vay.
Nguồn Zing News