Ảnh: yola.vn
10 triệu USD, Yola says “yes”
Đây là lần thứ hai, Yola được một tổ chức nước ngoài đầu tư rót vốn. Trước đó, năm 2016, Yola cũng đã được Mekong Capital đầu tư 4,9 triệu USD.
Đối với Kaizen PE, đây là lần đầu tiên quỹ này tham gia vào một công ty tại Việt Nam. Kaizen PE đến từ Singapore, chuyên đầu tư vào mảng giáo dục tại các thị trường mới nổi. Hiện Kaizen PE đang đầu tư vào 11 công ty, chủ yếu tại Ấn Độ. Có thể kể ra danh mục đầu tư của Kaizen PE như Klay (chuỗi mầm non và nhà trẻ cao cấp lớn nhất Ấn Độ), Toppr (ứng dụng học tập sau giờ học hàng đầu ở Ấn Độ), InSof (cung cấp khóa học chứng nhận về dữ liệu lớn và phân tích), Impartus (nền tảng đám mây cho lớp học)…
Tiêu chí của Kaizen PE là đầu tư vào các công ty giáo dục, có mô hình kinh doanh sáng tạo và người sáng lập muốn đưa doanh nghiệp phát triển lớn mạnh vươn tầm khu vực hoặc thế giới. Chẳng hạn, Deeksha là nơi tạo trải nghiệm học tập nâng cao. Ở đây coi trọng việc học dựa trên các ứng dụng công nghệ. Ứng dụng có tên dPAL dành để chuẩn bị cho các kỳ thi CBSE, PU 10 +2 cũng như các kỳ thi cạnh tranh về kỹ thuật và y tế. Trong dPAL có sẵn cho các chương trình sau: KCET, NEET, JEE Main, PU 2 Science, PU 2 Commerce, CBSE 11 và CBSE 12. Hay ở hệ thống 25 trường quốc tế Orchilds, trải rộng khắp 5 thành phố của Ấn Độ, nhà trường đã dùng tích hợp công nghệ để giảng dạy như mở các lớp học Digi, lớp trực tuyến, học qua video...
Trường cũng bổ sung môn khoa học máy tính, robotics vào trong chương trình đào tạo các cấp học. Đối với Impartus, hãng cung cấp nền tảng để khởi chạy các khóa học trực tuyến, bao gồm các buổi học trực tuyến và các bài giảng video. Đã có trên 1 triệu bài giảng video được thực hiện, với hơn 150 trường đại học sử dụng Impartus…
Đây có lẽ là lý do để quỹ này được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Kaizen PE hiện quản lý 2 quỹ với tài sản hơn 150 triệu USD. Ngoài nguồn lực tài chính, Công ty sẽ dùng công nghệ mới, chuyên môn hoạt động, mạng lưới toàn cầu để hỗ trợ các mô hình giáo dục chuyển đổi, thúc đẩy tăng trưởng.
Bắt tay với một đối tác như Kaizen PE, Yola hứa hẹn sẽ nhận được nhiều lợi ích từ thương vụ. Lợi ích trước mắt là vốn mà Kaizen PE đổ vào Yola đã cao hơn 2 lần so với vốn Mekong Capital đầu tư. Ngoài ra, Kaizen PE không giấu mục đích đồng hành cùng Yola cũng như sẽ tìm kiếm thêm khác cơ hội khác tại thị trường Việt Nam trong 5 năm tới. “Chúng tôi mong muốn có nhiều thương vụ đầu tư hơn trong tương lai gần”, ông Sandeep Aneja, người sáng lập và đối tác quản lý của Kaizen PE, cho biết. Điều này đồng nghĩa, Kaizen PE sẽ tham gia lâu dài và giúp Yola mở rộng thêm số lượng trung tâm.
Về phía Yola cũng có những năng lực riêng. Sau 10 năm thành lập, diện mạo Yola đã thay đổi không ít. Yola hiện sở hữu 14 trung tâm đào tạo tại TP.HCM và Hà Nội. Công ty không chỉ tập trung vào tiếng Anh học thuật, huấn luyện các kỹ năng để đạt điểm cao trong các kỳ thi trình độ tiếng Anh như TOEFL, IELTS, SAT, SSAT, GMAT/GRE… mà còn mở thêm các chương trình tiếng Anh cơ bản, tiếng Anh cơ sở, ngoại khóa... để đáp ứng nhu cầu đa dạng của học viên. Tính đến nay, đã có hơn 30.000 học viên tham gia các khóa học của Yola và trên 10.000 học viên của Yola đang du học ở hơn 200 trường đại học hàng đầu tại Mỹ, Anh, Úc. Trong đó, có không ít học viên đã trúng tuyển vào những đại học danh giá như Harvard, Stanford, Yale, Cornell. Tính ra, Yola đã duy trì tốc độ tăng trưởng trung tâm và số lượng học sinh ở tỉ lệ 50%/năm dù giá dịch vụ luôn tăng từ 5-7% mỗi năm.
Cách đây 2 năm, Yola đã chiếm khoảng 10% thị phần trong nhóm cao cấp. Yola cũng đã thiết kế một nền tảng nội dung trực tuyến để cung cấp kinh nghiệm học tập tổng hợp. Theo đánh giá của ông Sandeep Aneja, Kaizen PE, “đây chính là khía cạnh khác biệt mạnh mẽ giữa Yola với các nhà cung cấp khác trên thị trường”.
Đối với những người sáng lập Yola như bà Ngô Thùy Ngọc Tú (Chủ tịch), ông Phạm Anh Khoa (CEO), hành trình 10 năm qua đã đạt những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, mục tiêu của Yola là cung cấp các khóa đào tạo cho 500.000 học viên, tức gấp hàng chục lần con số hiện tại. Ông Phạm Anh Khoa, đồng sáng lập kiêm CEO ở Yola, tin rằng, bằng cách hợp tác với Kaizen PE, Yola sẽ phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, Kaizen PE và Yola cũng kỳ vọng vào triển vọng đầu tư giáo dục của người dân.
Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam chi khoảng 8% GDP cho giáo dục. Trong những năm tới, ước tính 20% ngân sách nhà nước sẽ dành cho giáo dục.
Xét ở góc độ đầu tư, giáo dục đang là lĩnh vực đầy thu hút. Bởi chỉ riêng mảng đào tạo tiếng Anh, theo đánh giá chung, hiệu suất lợi nhuận trung bình từ 20-50%. Chính vì thế, nguồn vốn FDI đổ vào giáo dục nói chung và đào tạo tiếng Anh nói riêng liên tục tăng.
Thực tế, các công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đều nhìn thấy tiềm năng của ngành và đều mong muốn mở rộng hoạt động. Người đứng đầu ở Yola đã ít nhiều nhắc tới mong muốn cung cấp các trải nghiệm học tập, kinh nghiệm sống, làm việc và thích ứng văn hóa ở nước ngoài. Nghĩa là Yola có thể không chỉ đơn giản dừng ở đào tạo tiếng Anh mà còn có thể hướng tới giáo dục tư duy, các kỹ năng cần thiết để phát triển tiềm năng cá nhân. Nếu thế, thương vụ Kaizen PE đầu tư vào Yola có thể chỉ là mở đầu cho những bước đi mới, những bắt tay khác sẽ diễn ra trong tương lai