10 điều đáng nhớ về đầu tư nước ngoài năm qua
Thu hút FDI tiếp tục khả quan
Đồng thời, đã có 594 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,58 tỷ USD, bằng 62,4% so với cùng kỳ.Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 15/12/2014, cả nước có 1.588 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 15,6 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ.
Tính chung năm 2014, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 20,23 tỷ USD, bằng 93,5% so với cùng kỳ và tăng 19% so với kế hoạch năm 2014 là 17 tỷ USD.
Đến 15/12/2014, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đã giải ngân được 12,35 tỷ USD, tăng 7,4 % so với cùng kỳ năm 2013 và tăng 1,9% so với kế hoạch. Đây là một điểm sáng quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện nay.
Việt Nam cũng đã cấp mới cho 108 dự án đầu tư sang 28 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam trên 1,04 tỷ USD và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn tăng thêm đạt 564 triệu USD.
Trong khi đó, tổng vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài gồm cả cấp mới và tăng vốn đã đạt trên 1,604 tỷ USD.
Hiện tượng Samsung tiếp tục mở rộng đầu tư
Tính đến tháng 12/2014, dự án Samsung Electronics Việt Nam (SEV), vốn đầu tư 2,5 tỷ USD, đã giải ngân được 2 tỷ USD, trong khi dự án Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) giải ngân 2,1 tỷ USD, nhanh hơn kế hoạch đề ra.
Ngay sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 7/2014, dự án Samsung Display, vốn đầu tư 1 tỷ USD, cũng đã được triển khai xây dựng.
Bên cạnh đó là dự án SEVT 2, vốn đầu tư 3 tỷ USD, vừa được cấp chứng nhận đầu tư cuối tháng 11 vừa qua, và cũng đã bắt đầu triển khai.
Một dự án khác là tổ hợp đầu tư 1,4 tỷ USD ở Tp HCM cũng đã được cấp phép và có thể khởi công đầu năm 2015 tới.
Bên cạnh lĩnh vực điện tử, Samsung cũng đã bày tỏ ý định đầu tư nghiêm túc vào các dự án thuộc các lĩnh vực khác như dự án BOT nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3 tại Hà Tĩnh, một số hạng mục thuộc dự án sân bay quốc tế Long Thành…
Các số liệu thống kê sơ bộ từ Samsung cho hay năm nay doanh thu của các nhà máy của Samsung tại Việt Nam dự kiến đạt 26 tỷ USD, cao hơn mức 24 tỷ USD năm 2013.
Phá hoại ở Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Áng
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2014 đã dẫn đến những hoạt động biểu tình thể hiện lòng yêu nước của người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, đáng tiếc là một số cuộc biểu tình đã biến tướng thành các hoạt động phá hoại tại nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh.
Ngay sau khi các vụ phá hoại xảy ra, Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương đã nhanh chóng có các biện pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ các doanh nghiệp thiệt hại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thông điệp nhất quán về việc Việt Nam sẽ có trách nhiệm bảo vệ nhà đầu tư và người lao động nước ngoài đã được khẳng định và thực hiện nghiêm túc, nhờ đó góp phần ổn định tình hình chung.
Thủ tướng “viết blog” về môi trường đầu tư
Trước những diễn biến phức tạp sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bất ngờ có bài viết trên mục blog thuộc trang thông tin chính thức của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về khả năng thu hút vốn đầu tư của Việt Nam.
Trong đó, ông khẳng định “Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư”.
Theo bài viết, trong trung và dài hạn, Việt Nam chủ trương tiếp tục thu hút mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ưu tiên của Việt Nam sẽ hướng vào nguồn vốn FDI “chất lượng cao”, cụ thể là các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam cam kết cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặt trong tâm vào ba lĩnh vực “đột phá chiến lược” thực hiện từ nay cho đến năm 2020.
Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia; thúc đẩy đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Bên cạnh đó, với việc coi thành công của các doanh nghiệp FDI cũng chính là thành công của mình, Chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam.
Siêu dự án lọc dầu được vào quy hoạch
Chính phủ đã chính thức đồng ý bổ sung dự án tổ hợp lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội - Bình Định, vốn đầu tư 22 tỷ USD, vào quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2025.
Đồng thời, Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án theo quy định để triển khai các bước tiếp theo.
Theo kế hoạch, dự án có quy mô chế biến 20 triệu tấn dầu thô/năm, dự kiến khởi công vào đầu năm 2017 và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Chủ đầu tư cũng dự kiến nâng công suất lên 30 triệu tấn/năm sau năm 2021 và vốn đầu tư có thể lên tới 30 tỷ USD khi điều kiện cho phép.
Trước đó, dự án này gặp một số vướng mắc nhất định và có thời điểm chủ đầu tư đã phải xin tạm ngừng công tác chuẩn bị để nghiên cứu thêm.
Gần đây, sau nhiều lần kiến nghị và đàm phán, dự án đã được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc một số cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư như được đưa vào danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư, được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Dự án cũng được miễn thuế nhập khẩu dầu thô, miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư mà trong nước chưa sản xuất được để xây dựng nhà máy, được bán sản phẩm tại thị trường Việt Nam theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật Việt Nam…
Nếu được cấp phép, đây sẽ là dự án FDI có vốn lớn nhất được đăng ký tại Việt Nam.
Thương vụ Metro và làn sóng M&A
Sau khi ký thỏa thuận chuyển nhượng, tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan tiếp quản hoạt động kinh doanh của công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam), bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan với tổng giá trị 655 triệu euro, tương đương 879 triệu USD.
Đây có thể coi là thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đình đám nhất trong lĩnh vực FDI tại Việt Nam trong năm 2014. Thương vụ thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận vì trước đó, Metro Cash & Carry từng dính vào nghi án chuyển giá.
Việc BJC tiến hành mua lại Metro cũng được coi là điểm nhấn làm nóng thêm xu hướng M&A của các nhà đầu tư Thái Lan tại thị trường Việt Nam. Trước đó, một nhà đầu tư Thái Lan là Siam Cement đã mua lại 85% cổ phần của tập đoàn Prime, trong khi nhiều kế hoạch M&A khác cũng đã và đang được xúc tiến.
BJC cho biết hiện nay các thủ tục của thương vụ mua lại Metro đang được hoàn tất để có thể chính thức công bố trong năm 2015.
Tranh cãi quanh dự án của Formosa
Cho đến nay, Formosa vẫn đang triển khai các dự án thuộc tổ hợp gang thép Formosa tại Vũng Áng. Tuy nhiên, biến cố giàn khoan Trung Quốc vào tháng 5/2014 đã đưa lại những tranh cãi gay gắt quanh dự án này.
Nhiều ý kiến đặt dự án của Formosa dưới sự nghi ngờ, vì Formosa là nhà đầu tư Đài Loan, có thể có mối liên hệ nào đó với Trung Quốc, và cho đây là điều cần chú ý trong bối cảnh Trung Quốc và Việt Nam đang có những tranh chấp trên biển Đông.
Thậm chí có nhiều ý kiến phản đối gay gắt trong vấn đề sử dụng lao động phổ thông Trung Quốc tại dự án, vấn đề xây miếu thờ…
Ở chiều ngược lại, những ý kiến từ các chuyên gia và những người tiếp cận vấn đề từ khía cạnh “kinh tế” cho rằng mọi nhà đầu tư cần được đối xử như nhau, và khi chưa có bằng chứng về bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào, cần tạo điều kiện giúp đỡ cũng như trân trọng từng đồng vốn của nhà đầu tư.
Cho đến nay, những tranh cãi về dự án của Formosa vẫn chưa chấm dứt.
Thắng kiện vụ South Fork
Việt Nam đã thắng trong vụ kiện quốc tế khá hy hữu, liên quan đến một dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngày 18/11/2010, ông Michael McKenzie, công dân Hoa Kỳ, đã khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra trọng tài quốc tế về dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại tỉnh Bình Thuận... với lý do Chính phủ Việt Nam, mà trực tiếp là UBND tỉnh Bình Thuận, đã vi phạm quy định của hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.
Nhà đầu tư này cũng cho rằng họ bị thiệt hại tới 3,75 tỷ USD khi tỉnh Bình Thuận thu hồi đất thuộc dự án họ đã được cấp.
Tuy nhiên, sau quá trình tranh luận pháp lý, hội đồng trọng tài quốc tế đã ra phán quyết chấp nhận các lập luận của Việt Nam, khẳng định hội đồng trọng tài không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này; bác bỏ tất cảc yêu cầu khởi kiện của ông McKenzie; buộc ông McKenzie phải thanh toán toàn bộ các chi phí mà Việt Nam phải chịu khi tham gia vụ kiện.
Theo Bộ Tư pháp, phán quyết của hội đồng trọng tài quốc tế về vụ kiện đã phản ánh trung thực, khách quan những gì mà Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua.
Đây cũng được xem là thông điệp đối với cộng đồng quốc tế về chính sách rõ ràng và nhất quán của Việt Nam là luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành đầu tư, kinh doanh một cách hợp pháp tại Việt Nam theo pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ngưng nhập máy móc, thiết bị cũ
Lần đầu tiên, một thông tư được ban hành nhưng chưa kịp “sử dụng” thì đã hết hiệu lực.
Đó là trường hợp Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN hướng dẫn khoản 10 điều 9 Nghị định187/2013/NĐ-CP quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng sẽ ngưng hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2014 theo Quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nguyên nhân chính thức của việc ngưng hiệu lực thi hành của văn bản này là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền “chưa chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai thực hiện việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo tinh thần của thông tư này”.
Còn theo phản hồi từ các doanh nghiệp FDI, việc Thông tư 20/2014/TT-BKHCN quy định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng muốn được nhập khẩu phải có thời gian sử dụng không quá 5 năm, chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên là quá khắt khe, không phù hợp thực tiễn.
Đây cũng là thời điểm mà Microsoft Việt Nam dự kiến nhập khẩu các dây chuyền sản xuất cũ của tập đoàn Nokia mà họ đã mua lại trước đó về lắp ráp tại nhà máy của mình ở Bắc Ninh.
Lạc quan hơn với cải cách thể chế
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức cuối năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đều bày tỏ những góc nhìn tích cực trước những nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ Việt Nam.
Theo ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (Eurocham), các nhà đầu tư châu Âu cảm thấy cần “chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc bình ổn nền kinh tế, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam có môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi”.
Trong khi đó, ông Gaurav Gupta, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) đã nhấn mạnh rằng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, quan trọng nhất hiện nay là vấn đề niềm tin và Chính phủ Việt Nam, bằng những nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ, đã và đang tạo dựng được niềm tin ấy.
Theo nhận xét của Amcham, trong những năm qua, thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đa phần dựa trên sự mong đợi về ổn định kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhấn mạnh rằng để khai thác tốt những tiềm năng hiện có, Việt Nam cần có những bước tiến rõ rệt trong việc cải thiện những vấn đề nội tại trong môi trường kinh doanh.
Nguồn VnEconomy