Team MoMo tham gia chương trình chạy Marathon ở Đà Nẵng năm 2016.
10 chân dung startup Việt
1. MoMo
Công ty Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) cho biết MoMo vừa kết thúc năm 2018 với mức tăng trưởng kỷ lục sau vòng gọi vốn đầu tư lần thứ 3, được dẫn dắt bởi Warburg Pincus. MoMo có thể nói là fintech (công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực tài chính) của Việt Nam nổi bật nhất trong thời gian qua.
Bắt đầu hoạt động vào năm 2007, MoMo là công ty tiên phong trong lĩnh vực thanh toán di động với sứ mệnh sử dụng công nghệ để mang đến cơ hội bình đẳng cho tất cả người dân Việt Nam trong việc tiếp cận các dịch vụ và sản phẩm tài chính.
Tổng Giám đốc M_Service Phạm Thành Đức. Ảnh: Linh Phạm |
MoMo đã xây dựng một hệ sinh thái đáp ứng hầu hết các nhu cầu thiết yếu của khách hàng với 10.000 đối tác kinh doanh trong các lĩnh vực như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, chuyển tiền, thanh toán, giải trí, thương mại điện tử, mua sắm, vận tải và dịch vụ ăn uống...
MoMo đã tiếp cận gần 10 triệu người dùng và là ứng dụng ví điện tử được đăng ký nhiều nhất trong năm 2018. Khối lượng giao dịch trên nền tảng của MoMo đã tăng hơn gấp 3 lần trong năm vừa qua. Với những thành tựu này, năm 2018 MoMo là fintech duy nhất của Việt Nam nằm trong danh sách Top 100 Fintech thế giới do KPMG công bố.
Trong những năm tới, MoMo có kế hoạch phát triển mở rộng và hợp tác với các đối tác trong nhiều lĩnh vực mới như dịch vụ hành chính công, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Với hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng ví MoMo và mạng lưới 8.000 đại lý trên khắp Việt Nam, MoMo hiện có hơn 10 triệu khách hàng đang sử dụng ví điện tử, đồng thời phục vụ tại quầy và giúp 3,5 triệu khách hàng, cư trú tại các khu vực vùng sâu vùng xa, nơi dịch vụ ngân hàng và điện thoại thông minh vẫn chưa phổ biến, được tiếp cận với các dịch vụ.
2. Vexere
Không nổi bật như các startup công nghệ theo mô hình B2B khác, nhưng vexere thực sự là một đơn vị đem lại sự khác biệt trong việc đặt vé xe ở Việt Nam. Trong năm 2017, mỗi ngày có gần 150.000 vé xe được đăng bán thông qua hệ thống Vexere, tương đương 20% tổng lượng vé bán ra trên thị trường. Công ty đặt mục tiêu đạt tỉ lệ tăng 40% vào cuối năm 2018. Thành lập năm 2013, Vexere hiện nay là đơn vị dẫn đầu mảng bán vé xe trực tuyến ở Việt Nam.
CEO Vexere Trần Nguyễn Lê Văn (phải). Ảnh: QH. |
Tháng 1.2018, Công ty nhận đầu tư mới từ Quỹ Spiral Ventures (Singapore). Trước đó, Công ty đã nhận đầu tư từ CyberAgent Ventures (Nhật) và Pix Vine Capital (Singapore) vào năm 2013 và 2015.
3. Juno
Các chương trình quảng cáo rầm rộ, nhiều đợt khuyến mãi lớn kéo dài, khả năng mở rộng nhanh là cách Juno gia nhập thị trường bán lẻ giày dép sau khi được Seedcom mua lại. Tuy nhiên, khả năng ứng dụng công nghệ để quản lý và phục vụ kinh doanh mới thực sự là sức mạnh đằng sau chuỗi cửa hàng Juno. Bằng việc ứng dụng công nghệ, Juno có thể đưa ra thị trường hơn 30 mẫu giày và túi xách mỗi tháng, thời gian quay vòng mỗi mặt hàng là 3 tháng hoặc ít hơn.
CEO Juno Nguyễn Quốc Tuấn. Ảnh: TL |
Hệ thống công nghệ tự điều chỉnh số lượng hàng hóa và tự đề xuất chia hàng theo nhu cầu từng khu vực. Bên cạnh đó, nhờ dự đoán được nhu cầu sản phẩm tiêu thụ từ dữ liệu trong hệ thống, năm 2017, Juno tiết kiệm được khoảng 30% chi phí đặt nguyên liệu so với năm 2016 dù sản lượng bán ra cao hơn.
Công ty hiện sở hữu gần 90 cửa hàng trên toàn quốc và đang hướng đến cột mốc 160 cửa hàng trong năm nay.
4. Haravan
Xuất thân là đơn vị cung cấp giải pháp hỗ trợ các cửa hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trực tuyến, sau 5 năm thành lập, Haravan hiện là đơn vị hiếm hoi ở Việt Nam cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến doanh nghiệp đã lên sàn chứng khoán. Cơ hội của những công ty như Haravan đến từ quy mô thị trường thương mại điện tử có thể đạt đến 10 tỉ USD vào năm 2020.
CEO Haravan Huỳnh Lâm Hồ. Ảnh: QH |
Tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 20.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ có trả phí cho Haravan. Ước tính, doanh thu năm 2018 của Công ty không dưới 2 triệu USD.
Năm 2018, Haravan đã hợp tác với Zalo để cung cấp giải pháp bán hàng cho người sử dụng của hai bên.
Tháng 12.2018, Haravan hợp tác với Google ra mắt nền tảng quảng cáo tự động trên Google Shopping để chuẩn bị gia nhập thị trường quảng cáo trực tuyến. Gần đây nhất, Haravan hợp tác với Facebook để cung cấp công cụ chatbot trên nền tảng nhắn tin.
Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài Seedcom, đã có một số nhà đầu tư khác tham gia nhưng Công ty từ chối tiết lộ danh tính.
5. JobHop
Thành lập cuối năm 2016, chưa đầy 1 năm sau, JobHop đã nhận được khoản đầu tư hơn 700.000USD từ KK Fund, quỹ đầu tư mạo hiểm của Singapore và Mynavi của Nhật.
Sáng lập JobHop Kevin Tùng Nguyễn. Ảnh: QH |
JobHop sẽ chuyển hồ sơ xin việc trên internet và nhu cầu tuyển dụng của các công ty thành từ khóa và dùng thuật toán kết nối những điểm tương đồng giữa hai bên lại với nhau. Đối với các mô hình truyền thống, công việc này phụ thuộc vào con người nên hiệu suất không cao. Thay vào đó, bằng công nghệ của mình, JobHop có thể tự động hóa việc kết nối này với quy mô lớn hơn, ước tính vài chục ngàn hồ sơ mỗi ngày. Hiện JobHop đã hợp tác với các website tuyển dụng lớn ở Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, ở Đông Nam Á, chỉ có 2 mô hình sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu trong tuyển dụng là JobHop (Việt Nam) và Urbanhire (Indonesia).
6. WeFit
WeFit không sở hữu bất cứ phòng tập nào nhưng thành viên của hệ thống có thể sử dụng hơn 600 phòng tập trên toàn quốc. WeFit hiện có khoảng 10.000 thành viên đang hoạt động, độ phủ ở Hà Nội đạt 90% và TP.HCM là trên 70%.
Sáng lập WeFit Nguyễn Khôi. Ảnh: QH |
WeFit là hệ thống kết nối hai đầu. Một đầu nối với số lượng lớn những người có nhu cầu tập luyện thể thao, đầu còn lại nối với hệ thống phòng tập chưa khai thác hết công suất. Ý tưởng thành lập WeFit bắt nguồn từ mong muốn sở hữu một hệ thống phòng tập có độ phủ rộng ở các thành phố lớn trong thời gian ngắn mà không tốn quá nhiều chi phí đầu tư vào mặt bằng.
Mô hình kinh tế chia sẻ là giải pháp được chọn, phát huy hết khả năng khi áp dụng vào các tài nguyên có sẵn trong xã hội và chưa được khai thác hết công suất. Đầu năm 2019, WeFit nhận được 1 triệu USD đầu tư từ CyberAgent Capital (CAC), KBInvest và một số nhà đầu tư thiên thần khác. Công ty bắt đầu mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp.
Trên thế giới, mô hình chia sẻ phòng tập đầu tiên xuất phát từ ClassPass (Mỹ), đơn vị này đang đánh tiếng mở rộng sang Đông Nam Á sau khi gọi thêm 700 triệu USD hồi giữa năm 2018.
7. Luxstay
Luxstay là nền tảng cho thuê phòng ngắn hạn, được thành lập vào cuối năm 2016. Báo cáo của Google và Temasek đánh giá quy mô của nền kinh tế internet khu vực Đông Nam Á năm 2018 có tổng giá trị giao dịch khoảng 72 tỉ USD. Trong đó, du lịch trực tuyến đang là ngành lớn nhất với tổng giá trị giao dịch 30 tỉ USD trong năm 2018 và dự kiến quy mô sẽ tăng trưởng lên 78 tỉ USD vào năm 2025.
Sáng lập Luxstay Nguyễn Văn Dũng. Ảnh: TL |
Mô hình chia sẻ phòng ngắn hạn của Luxstay rất tiềm năng trong tương lai vì vừa mang lại thu nhập cho chủ nhà, vừa giải quyết bài toán dư thừa nguồn cung của thị trường bất động sản bằng cách cung cấp chỗ ở ngắn hạn cho khách du lịch.
Hiện nay, Luxstay đã xây dựng được mạng lưới với gần 10.000 chỗ ở trên cả nước. Nền tảng cho thuê nhà ngắn hạn duy nhất có quy mô như vậy ở thị trường Việt Nam tính đến hiện tại.
Thời gian qua, Công ty đã gọi vốn được hơn 5 triệu USD từ Quỹ đầu tư Genesia Ventures (Nhật), Pre-Serie A từ CyberAgent Ventures (Nhật), Genesia Ventures (Nhật), ESP Capital (Singapore), Founders Capital (Singapore) và Nextrans (Hàn Quốc). Công ty đang trong vòng huy động vốn tiếp theo, dự kiến sẽ diễn ra trong giữa năm 2019 với quy mô trên 10 triệu USD.
8. Tugo
Tugo.com.vn là doanh nghiệp kinh doanh tour du lịch nước ngoài (outbound) theo mô hình B2C (doanh nghiệp đến khách hàng) trong thương mại điện tử. Hàng hóa ở đây là tour du lịch. Mô hình này cần tiền đầu tư ở khâu quảng cáo và trữ hàng trong kho, đặc biệt là khâu trữ hàng vì như thế doanh nghiệp mới kiểm soát được chất lượng hàng hóa. Hàng được mua với giá sỉ, bán lẻ lại cho khách hàng. Để có lợi nhuận, phần chênh lệch giữa giá mua giá bán phải được chi tiêu hợp lý vào vận hành, quảng cáo.
Nhóm đồng sáng lập Tugo. Ảnh: QH. |
Điểm mạnh của Tugo.com.vn là tỉ lệ ứng dụng công nghệ vào quy trình kinh doanh nhiều nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành. Khoảng 30% quy trình được tự động hóa và con số này tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Năm 2017, Tugo.com.vn đưa 12.000 lượt khách đi outbound, con số này gấp đôi năm 2016, chủ yếu ở 5 thị trường trọng điểm là Hàn Quốc, Nhật, Úc, châu Âu và Bắc Mỹ. Trong mảng outbound, Công ty hiện là đơn vị đứng thứ 3 thị trường, sau Saigontourist và Viettravel.
9. Gene Friend Way
Gene Friend Way được thành lập bởi 4 thành viên, một trong số đó là kỹ sư Google trong bộ phận ứng dụng trí thông minh nhân tạo. Mục tiêu của Công ty là phân tích bộ gen con người để phát hiện ra các bệnh lý tiềm ẩn.
Hiện nay, bộ gen người được phân tích nhiều nhất là của người da trắng, trong khi rất ít phân tích đến từ người châu Á. Đây là tiềm năng chờ Gene Friend Way khai phá.
CEO Gene Friend Way Cao Anh Tuấn. Ảnh: QH |
Những gì Gene Friend Way đang làm, theo nhận định của PwC, sẽ trở thành trào lưu chính trong y tế đến năm 2020. Lĩnh vực phân tích gen thú vị đến nỗi năm ngoái, tờ The Economist có bài nhận định ngành bảo hiểm sẽ điêu đứng vì các nhà di truyền học. Bởi vì chỉ một bài kiểm tra với vài trăm USD, những căn bệnh đáng sợ như Alzheimer có thể sớm được phát hiện.
Theo đó, người dùng biết mình có gen “xấu” cố tình mua bảo hiểm, còn các công ty bảo hiểm cũng sẽ từ chối bán nếu biết được ai có gen xấu, một khi mua được thông tin về di truyền của mỗi người.
10. Rever
Rever là đơn vị công nghệ đầu tiên trong nhóm môi giới bất động sản. Rever xuất hiện trên thị trường khoảng giữa năm 2016 tại TP.HCM bằng việc cung ứng thêm giải pháp tiếp thị miễn phí cho các căn hộ như 3D thực tế ảo, gói chạy quảng cáo miễn phí và cam kết thông tin minh bạch trong quá trình tiếp thị đến giao dịch.
Đồng sáng lập Rever - Phan Nhật Minh. Ảnh: TL |
Với vai trò là nền tảng công nghệ để tiếp thị và môi giới bất động sản, Rever có 2 mảng kinh doanh kết hợp chính. Mảng đầu tiên là hoạt động môi giới căn hộ sơ cấp, thứ cấp và cho thuê, vốn chiếm hơn 50% tổng doanh thu. Mảng thứ 2 là cung cấp dịch vụ và giải pháp cho các nhà phát triển dự án bất động sản.
Hiện nay, Công ty có 6 văn phòng giao dịch sơ cấp ở quận 2, 5, 7 và Bình Thạnh (TP.HCM). Đối với phân khúc thứ cấp, Công ty sẽ mở rộng theo hình thức nhượng quyền và các đối tác phải hoàn thành chương trình đào tạo của Rever, bù lại họ sẽ được sử dụng các công nghệ phục vụ việc kinh doanh. Tính đến hiện tại, Rever đã có các nhà đầu tư cá nhân là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực internet tham gia.