Tất cả các gian nhà được bài trí khoa học, kết hợp nhuần nhuyễn nét truyền thống với tiện nghi hiện đại. Ảnh: TL.

 
Thanh Hương Thứ Bảy | 16/09/2023 13:50

Vườn ươm giấc mơ Việt

Một không gian mở ra những cánh cổng phát triển văn hóa, kinh doanh, tri thức... của người Việt Nam.

Len qua bao con đường nắng rực lửa, bước qua cánh cửa Vườn Minh Trân sự mát mẻ, nhẹ nhàng, yên tĩnh dường như bỏ quên đi khói bụi và ồn ào giữa lòng Sài Gòn náo nhiệt. Không gian này trong suốt 20 năm qua luôn là nơi kết nối giao thoa giữa nhiều nền văn hóa, giữa các phái đoàn thuộc nhiều thế hệ lãnh đạo từ khắp nơi tìm về.

Khu vườn xanh giữa lòng thành phố

Một ngày giữa tháng 6, một đoàn đại biểu với gần 100 đại biểu là lãnh đạo của Sở Du lịch TP.HCM, 21 quận huyện, thành phố Thủ Đức và các doanh nghiệp đầu ngành du lịch và đông đảo các phóng viên báo đài cùng tề tựu về Vườn Minh Trân cùng chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp phát triển ngành.

Nhiều người trẻ khá ngạc nhiên khi biết Vườn Minh Trân đã hoạt động gần 20 năm với mong muốn phát triển với tiêu chí bền vững, là điểm du lịch -  văn hóa - sinh thái - sáng tạo cho cộng đồng.

Để có được một khu vườn kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, ít ai biết rằng Vườn ươm tuổi thơ Minh Trân xưa kia chỉ là bãi đất lầy lội không bóng cây, không điện, không nước... Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng bằng nỗ lực và đam mê của mình với văn hóa Việt, đã tạo dựng nơi đây thành một khu vườn hội tụ nhiều nét đẹp đặc trưng thể hiện văn hóa con người Việt Nam. Ông Dũng kể đã có mơ ước muốn xây dựng một không gian làm nơi gặp gỡ, giao lưu với các doanh nhân, trí thức trong nước cũng như ngoài nước, để từ đó có thể ứng dụng vào thực tế giúp Việt Nam phát triển hơn. Khu vườn “Minh Trân - Vườn ươm Giấc mơ Việt” hình thành là để hiện thực hóa ước mơ này của ông.

 

Trong khu vườn 1 ha có hơn 250 loài thực vật, có những cây hơn 20 năm tuổi, do chính tay ông Dũng dành nhiều tâm huyết trồng từ những năm đầu về nước. Tất cả các gian nhà được bài trí khoa học, kết hợp nhuần nhuyễn nét truyền thống với tiện nghi hiện đại. Giữa không gian thiên nhiên này, có đến 5-6 gian nhà sàn, nhà gỗ nằm rải rác như muốn thu gọn lại bức tranh làng quê Việt Nam thanh bình… Không gian này luôn tấp nập các hoạt động giao lưu văn hóa, hội thảo, trưng bày sản phẩm, đào tạo kỹ năng và giáo dục cộng đồng dành cho mọi lứa tuổi...

Không gian của “Giấc mơ Việt Nam”

Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng sinh năm 1948 tại Sài Gòn, tốt nghiệp Đại học Hitotsubashi ngành quản lý công học Ban Phó Tiến sĩ, tốt nghiệp Đại học Tsukuba ngành kế lượng kế hoạch Ban Tiến sĩ. Cuối năm 1975, ông là một trong số rất ít Việt kiều đầu tiên được Chính phủ Việt Nam mời về thăm quê hương, tìm giải pháp giúp đất nước vượt qua khó khăn. Ông là người thành lập Hội Thị dân Nhật ủng hộ Việt Nam, quyên góp và trao tặng hơn 1.200 máy may cho 60 trung tâm dạy nghề cho phụ nữ phát triển kinh tế. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và lan tỏa khắp nước Nhật. 

Ông cũng từng là chuyên viên phát triển kinh tế của Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch sáng lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều, Chủ tịch Javinet chương trình hợp tác Việt - Nhật. Ông là người khởi xướng chương trình mang tên “Giấc mơ Việt Nam” từ những năm 1990 cho rằng cùng với những yếu tố cần được chú trọng là nguồn nhân lực, vốn và thông tin, doanh nghiệp Việt Nam muốn xứng tầm và đuổi kịp các nước trên thế giới thì phải góp phần xây dựng tư duy phát triển bền vững Việt Nam vươn lên vượt trội bằng văn hóa, tâm hồn Việt với phương châm “kỹ Tây, hồn Việt”.

“Để phát triển, phải học, phải tham khảo từ nhiều nguồn, nhiều nơi. Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng có những cái hay riêng nhưng ít giao lưu, hợp tác, chia sẻ, kết nối để phát triển. Đó là điều đáng tiếc”, ông chia sẻ với NCĐT.

Gần 40 năm hoạt động tại Nhật, hiểu sâu sắc về văn hóa Nhật, ông cũng mong muốn giới trẻ Việt Nam, học tập cách làm việc và tinh thần yêu dân tộc của con người Nhật. Ông cũng đã chọn dịch cuốn sách Biến Giấc Mơ Thành Sức Mạnh Đi Tới. Đây là cuốn sách về cuộc đời, sự nghiệp của doanh nhân Honda Soichiro với hy vọng có thể đánh thức giấc mơ của những con người Việt Nam qua câu chuyện rất thực tế của một người từ nghèo khó trở thành ông chủ hãng ô tô Nhật đứng đầu thế giới.

Trở về Việt Nam với tâm thế một chuyên gia kinh tế của Liên Hiệp Quốc, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng đã góp phần quan trọng xây dựng nhiều chương trình nhằm kết nối kinh doanh giữa Việt Nam và Nhật. “Có may mắn là được sống và làm việc ở Nhật trong thời gian dài, nhưng tôi tự hào mình là người Việt Nam và bây giờ cảm thấy hạnh phúc khi được làm nhịp cầu văn hóa giữa 2 nước”, ông nói. Huân chương Mặt trời mọc (The Order of the Rising Sun, Gold Rays with Rosette), danh hiệu hiếm hoi do Chính phủ Nhật trao tặng là hoàn toàn xứng đáng với những đóng góp thiết thực của Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng cho công tác phát triển giao thương 2 nước.

Ông cho rằng, cột mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật (1973-2023) là cơ hội để 2 nước cùng nhau xây dựng tương lai mới, xây dựng kế hoạch hợp tác cho 20-50 năm tới. “Tôi nghĩ rằng, cùng với những hoạt động của chính phủ 2 nước nhằm thắt chặt hơn quan hệ ngoại giao, việc xây dựng chiến lược ngoại giao nhân dân vô cùng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn nhiều biến động hiện nay”, ông nói.

Bước sang tuổi 75, nhưng chẳng khi nào ông thấy mệt với công việc làm cây cầu nối văn hóa Nhật - Việt. Nếu có ai đó nói ông là người “ôm đồm”, ông chỉ cười và trả lời: “Chẳng nghĩ mình ôm đồm hay tham lam, chỉ muốn làm những công việc mà mình yêu và cần thiết cho quê hương.