Khoảng 3 triệu Việt kiều có nhu cầu sở hữu bất động sản khi trở về VN sinh sống. Ảnh: Gamuda.
Việt kiều sẽ dễ dàng sở hữu nhà ở Việt Nam hơn trước
Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực đầu năm 2025 có những quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như mở rộng quyền sử dụng đất với công dân Việt Nam, kể cả người Việt Nam định cư sinh sống ở nước ngoài. Người Việt định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (người còn quốc tịch Việt Nam) sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước.
Người Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam (hay còn gọi là Việt kiều) được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà (luật hiện hành không có những quy định này). Cùng với đó là nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà.
Với quy định mới, Việt kiều được phép đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua và đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các dự án bất động sản để chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật.
Người gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam cũng có quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền chung của người sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ cá nhân sử dụng đất; quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận quyền sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của cá nhân sử dụng đất gồm cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam được bình đẳng, ngang nhau.
Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết từ trước đến nay nhiều kiều bào muốn về nước định cư, đầu tư nhưng không biết được việc sở hữu bất động sản như thế nào nên đa số còn e ngại. Thống kê sơ bộ, có gần 6 triệu người Việt ở nước ngoài và hơn 1 triệu thế hệ F2, F3 có bố mẹ hoặc ông bà là người Việt Nam. Trong số này hơn 20% đến tuổi nghỉ hưu, đa số muốn trở về quê hương sinh sống, đầu tư, gắn bó với nguồn cội trong những năm cuối đời. Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM (HREC) cho thấy khoảng 3 triệu Việt kiều có nhu cầu sở hữu bất động sản khi trở về Việt Nam sinh sống, trong đó đa số chọn TP.HCM.