Tàu Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc. Ảnh: CGS.

 
Hải Vân Thứ Năm | 16/04/2020 15:56

Trung Quốc tiếp tục gây hấn trên Biển Đông

Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam tại Biển Đông.

Tình hình tại Biển Đông diễn biến phức tạp. Trung Quốc đã đưa tàu thăm dò địa chất Trung Quốc vào vùng biển của Việt Nam, ngay sau khi dùng tàu hải cảnh ngăn cản và đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, giữa lúc Việt Nam đang phải tập trung đối phó với dịch COVID-19.

Indonesia và Philippines, hai quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế do Trung Quốc tự vẽ ra, cũng trở thành đối tượng bị Trung Quốc nhắm tới, theo báo Tuổi Trẻ. 

Trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana của Philippines đang cách ly vì tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, Trung Quốc đã tăng cường hiện diện xung quanh bãi cạn Scarborough và Vành Khăn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus, trong tuyên bố hôm 6.4, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về hành động đâm chìm tàu cá Việt Nam của Trung Quốc nhằm khẳng định những tuyên bố hàng hải trái pháp luật và gây thiệt hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông.

Theo thông cáo này, “đường chín đoạn” của Trung Quốc đã bị Tòa trọng tài Liên hiệp Quốc coi là tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp chiểu theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Chính phủ Mỹ có chung quan điểm này. "Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tập trung vào việc ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với đại dịch toàn cầu COVID-19, đồng thời chấm dứt ngay việc lợi dụng sự xao lãng hoặc dễ tổn thương của các nước khác hòng mở rộng các tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông", thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 9.4 (theo giờ Mỹ), ra tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc trong vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin về việc một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã va chạm và đâm chìm một tàu cá của Việt Nam tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.

Tuyên bố nêu rõ: "Hành vi của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều được bảo đảm chủ quyền, không bị ép buộc và có quyền phát triển kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Tuyên bố cho rằng: "Đại dịch COVID-19 cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, vì điều đó tạo điều kiện cho chúng ta cùng giải quyết mối đe dọa chung theo cách minh bạch, tập trung và hiệu quả", đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế những hành động gây mất ổn định khu vực, có thể làm chệch hướng nỗ lực toàn cầu tập trung đối phó với đại dịch, hoặc gây ra nguy cơ không cần thiết dẫn đến tổn thất về người và tài sản.

Giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là quá trình phức tạp, lâu dài, baoquocte.vn dẫn bình luận của Tiến sĩ Takashi Hosoda, chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Tổng hợp Charles, Cộng hòa Czech.

Theo Takashi Hosoda, giải pháp quan trọng hàng đầu là các bên có tuyên bố chủ quyền cần hết sức kiềm chế và giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, ngoại giao và đám phán nhằm duy trì mối quan hệ ổn định giữa các nước, vì lợi ích phát triển của mỗi nước cũng như của khu vực và thế giới.

Ông cũng nói cộng đồng quốc tế cần quan tâm và góp phần đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông vì sự ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới.