“Trung Quốc bị cô lập vì hiếu chiến”
Ông Carney cho biết trong chuyến công du châu Á vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama luôn nhấn mạnh việc phải giải quyết tranh chấp trên biển Đông một cách hòa bình.
Theo báo Washington Post, cùng ngày cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice tuyên bố Trung Quốc sẽ bị cô lập ở khu vực và trên trường quốc tế vì các hành vi hiếu chiến trên biển Đông.
Bà cho biết Mỹ luôn thể hiện rõ quan điểm rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển Việt Nam là “khiêu khích”, “đe dọa” nhằm “thay đổi hiện trạng”.
Đối tượng bị lo ngại và phản đối
“Chúng tôi nhận thấy ở Đông Nam Á, các nước muốn xây dựng quan hệ tốt với Trung Quốc, nhưng rất lo lắng và ngần ngại trước các hành động hiếu chiến và khiêu khích của Trung Quốc - bà Rice cho biết - Việc bị cô lập và trở thành đối tượng bị lo ngại và phản đối trong khu vực chắc chắn không phải là điều Trung Quốc mong muốn”.
"Nếu Bắc Kinh muốn người ta coi trọng tuyên bố vươn lên hòa bình của mình, thái độ gây hấn của họ cần phải chấm dứt. Nguy cơ bùng nổ xung đột gây tổn hại giờ đang rất cao"Bài xã luận ngày 13-5 trên |
Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao châu Á giấu tên cũng đánh giá các nước Đông Nam Á cùng lo ngại việc Trung Quốc thực hiện hàng loạt hành vi khiêu khích, gây bất ổn với các nước láng giềng nhằm thay đổi hiện trạng khu vực.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ tình hình trên biển Đông và cho biết ủng hộ việc người Việt Nam biểu tình hòa bình để phản đối sự gây hấn của Trung Quốc.
Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi báo Washington Post đăng bài xã luận chỉ trích Chính phủ Mỹ không hành động mạnh mẽ cần thiết để phản đối hành vi “khiêu khích” và “nguy hiểm” của Trung Quốc.
Báo này cho rằng Trung Quốc đang thách thức trật tự quốc tế. “Bắc Kinh sẽ tiếp tục hành động đơn phương trong khu vực cho đến khi vấp phải sự kháng cự dù mang tính ngoại giao hay quân sự” - Washington Post cảnh báo.
Tương tự, xã luận của báo Wall Street Journal nhận định Trung Quốc sẽ tiếp tục hiếu chiến và trở thành mối đe dọa an ninh trên biển Đông. Hãng tin UPI đăng bài phân tích của tiến sĩ Jeff Moore thuộc Hãng Muir Analytics cũng dự báo Trung Quốc sẽ lại thực hiện các hành vi leo thang căng thẳng trên biển Đông.
“Trung Quốc dường như trở nên mù quáng với sự trỗi dậy, niềm tự hào dân tộc và thành công kinh tế. Con đường của nước này đang đi, với những hành động liều lĩnh, chỉ dẫn tới sự cô lập quân sự” - tiến sĩ Moore khẳng định.
Trên báo Asia Times, học giả Susan Shirk - cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ - nhận định các nhóm lợi ích trong nước và làn sóng dân tộc cực đoan đang thúc đẩy chính sách bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.
“Nhưng điều đó có thể sẽ chỉ làm hủy hoại lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc” - học giả Shirk dự báo.
Trung Quốc phải trả giá
Giới quan sát nhận định rằng Trung Quốc đang phải trả giá về mặt chính trị cho những chính sách mạnh bạo của mình ở biển Đông.
Viết trên Wall Street Journal, Andrew Browne cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Đông là một rủi ro về chính trị. Theo ông Browne, Trung Quốc không muốn bị thế giới nhìn như là một kẻ coi thường pháp luật quốc tế: nước này dành nhiều công sức trong những năm qua để hòa mình vào các thể chế toàn cầu - dù rằng mục đích cuối cùng của Trung Quốc là thay đổi từ bên trong các thể chế này theo hướng có lợi cho họ.
“Sự mạnh bạo của Trung Quốc đang đẩy các nước ASEAN vào vòng tay của Mỹ. Một số đang thúc đẩy quan hệ với Nhật, đối thủ truyền kiếp của Trung Quốc tại khu vực - tác giả phân tích - Các nhà phân tích quân sự cho rằng các nhóm khu vực mới có thể hình thành để đối trọng với Trung Quốc và để kiềm chế hành động của Bắc Kinh”.
Theo tác giả, việc các thành viên ASEAN, dù có khác biệt trong lập trường với Bắc Kinh, ra được tuyên bố tại hội nghị cấp cao vừa rồi ở Myanmar cho thấy Bắc Kinh đang phải trả cái giá nhất định cho hành động “gây hấn” của mình. “Và cái giá này sẽ còn tăng chừng nào đàm phán về bộ quy tắc ứng xử còn kéo dài” - tác giả viết.
Nhà phân tích quốc tế Rommel Banlaoi nói với kênh Al-Jazeera rằng việc ASEAN ra tuyên bố về Trung Quốc, dù không trực tiếp nói việc triển khai giàn khoan, là thái độ rất khác.
“ASEAN là cộng đồng các nước với quan hệ ở mức độ khác nhau với Trung Quốc. ASEAN cẩn trọng trong việc dùng từ ngữ mạnh để không gây thù với Trung Quốc. Nhưng khi ASEAN sử dụng từ “quan ngại sâu sắc”, Trung Quốc hiểu rằng vấn đề đang tệ đi, và đó là tín hiệu nói Trung Quốc phải làm lành với các nước láng giềng”.
Việc phản ứng của các nước tại khu vực có thể thấy khi giới ngoại giao Việt Nam và Philippines tích cực vận động ASEAN lên tiếng đòi Trung Quốc phải hạn chế gây hấn.
“Trong khi Malaysia đã tăng cường các nỗ lực ngoại giao với Philippines và Việt Nam trong vài tháng gần đây thì Indonesia mới đây cũng đã công khai chất vấn về học thuyết “đường chín đoạn” của Trung Quốc và cho rằng yêu sách này không có cơ sở pháp lý khi chiếm cả phần tỉnh Riau của nước này” - Rommel Banlaoi nhận định.
Nguồn Tuổi trẻ