Ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và phu nhân thăm hỏi kiều bào.

 
Hải Vân Chủ Nhật | 19/01/2020 09:07

Trí thức: Nền móng để xây dựng và phát triển

Trong kỷ nguyên 4.0, kinh tế, xã hội việt nam phát triển ngày càng dựa trên nền tảng tri thức...

Việt Nam đang dần chuyển sang một nền kinh tế tri thức. Nhân dịp Xuân mới, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV), Đại sứ Nguyễn Phú Bình, đã có trao đổi với NCĐT, về những vấn đề liên quan đến nguồn lực của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

Hiện nay, sự phát triển của Việt Nam dựa nhiều hơn vào tri thức. Ông đánh giá thế nào về nguồn lực của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc xây dựng đất nước?

Hiện nay, có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang định cư tại hơn 100 nước trên thế giới, khoảng 10% có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có nhiều chuyên gia, trí thức thành đạt, có vị trí cao trong cơ quan của chính phủ, tổ chức giáo dục, nghiên cứu, công ty lớn tại các nước phát triển. Mặc dù sống xa quê hương nhưng đông đảo trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn quan tâm, theo dõi tình hình trong nước. Một số vị, ở mức độ khác nhau, đã và đang đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển đất nước, thông qua giảng dạy, tham gia các dự án phát triển hoặc tìm kiếm học bổng, hỗ trợ cho lưu học sinh tại các nước. Một số nhà khoa học đã mạnh dạn về nước, đầu tư xây dựng các dự án khoa học - công nghệ cao, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - khoa học công nghệ ở một số địa phương.

 

Song song với sự phát triển kinh tế, ngày càng nhiều gia đình có điều kiện cho con du học tự túc tại các nước phát triển đưa số lượng lưu học sinh tăng nhanh. So với số lượng lưu học sinh (bao gồm hệ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) theo học bổng của Chính phủ hoặc thỏa thuận hợp tác với các nước, khoảng 6.000 suất/năm. Số lượng du học tự túc chiếm tỉ lệ áp đảo và không bị ràng buộc trong việc tìm việc, ở lại làm việc tại các nước sau khi tốt nghiệp. Con số này không những đã bổ sung thêm hàng trăm ngàn người cho đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam tại các nước mà còn làm tăng thêm xu hướng quan hệ gần gũi của cộng đồng người Việt Nam, nhất là giới trẻ tại các nước với đất nước.

Đáng chú ý, với đà phát triển kinh tế mạnh mẽ trong nước và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tới Việt Nam, nhiều người được đào tạo và thành công ở nước ngoài về nước khởi nghiệp (startup) đang trở thành một xu thế mới trong giới trẻ Việt Nam. Xu hướng du học tự túc cũng ngày càng tăng nhanh, số lượng du học lại tập trung ở các nước có nền kinh tế, khoa học - công nghệ phát triển hàng đầu thế giới. Theo các thống kê sơ bộ, các nước có đông lưu học sinh Việt Nam nhất, cụ thể tại Nhật  (38.000), Hàn Quốc ( 37.000), Úc ( 31.000), Mỹ (28.000), Canada (20.000), Trung Quốc (13.000), Anh (11.000), Nga (8.000), Pháp (7.000), Đức (5.000)... Đây là nguồn lực trí thức đầy tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc phát triển đất nước.

 

Thế nhưng, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới có thể làm gia tăng những thách thức liên quan đến huy động sự đóng góp của chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước?

Thuận lợi lớn nhất là quan điểm của Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã được quán triệt đến các bộ, ngành, địa phương, cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân, vai trò và lợi ích chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã được quy định trong các văn bản pháp luật và các văn bản quy phạm của Chính phủ cũng như các bộ ngành. Nhiều cơ quan, tổ chức đã và đang có nhiều hoạt động kết nối và thu hút trí thức, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động cụ thể trong nước.

Người Việt Nam ở nước ngoài vốn nặng lòng với quê hương, đất nước nay lại càng phấn khởi trước thành công to lớn của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế đưa vị thế của đất nước lên cao. Đó là những điều kiện hết sức thuận lợi để thu hút chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia sự nghiệp phát triển của đất nước.

Thuận lợi khác là sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có chuyên gia, trí thức trong tình cảm và thái độ đối với đất nước. Trong khi đó, giới trẻ hầu hết từ trong nước đi du học, lập nghiệp ở các nước, sẵn mối quan hệ gắn bó với trong nước, hiểu rõ tình hình trong nước nên sẵn sàng trở về nếu thấy điều kiện sống và làm việc trong nước được cải thiện.

Tuy nhiên, những trở ngại cũng không ít. Việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Chính phủ còn thiếu đồng bộ, chưa nhất quán giữa các cấp, ngành, địa phương. Bản thân các văn bản luật pháp và quy định của Chính phủ cũng còn quá nhiều ràng buộc nên khó thực hiện, chẳng hạn Luật Quốc tịch đã ban hành, đã qua sửa đổi nhưng vẫn còn khoảng cách với thực tế. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài còn khó khăn do vướng các quy định trong Luật Quốc tịch hay tiêu chuẩn và các quy trình bổ nhiệm trong nước.

Mặt khác, số lượng trí thức trẻ trong cộng đồng người Việt tại các nước tăng nhanh do làn sóng du học tự túc tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trong khi sự quản lý đối với diện này bị buông lỏng. Buông lỏng quản lý đối với việc cử sinh viên đi du học tự túc không những ảnh hưởng đến chất lượng của nguồn nhân lực trí thức được đào tạo ở nước ngoài, mà còn gây ra một số vấn đề xã hội phức tạp ở nước sở tại, làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của đất nước.

Cũng vì không quản lý được diện du học này, chúng ta không có được thông tin chính xác và cụ thể về nguồn nhân lực trên. Những du học sinh, sau khi tốt nghiệp, có nhiều người tìm được việc làm tại nơi du học. Đa số về nước, nhưng họ lại không biết gì về nhu cầu và địa chỉ cụ thể những cơ quan, tổ chức, công ty nào có thể tiếp nhận họ.

Vậy, theo ông, giải pháp nào sẽ giúp huy động hiệu quả nguồn lực trí thức đó cho sự nghiệp phát triển đất nước?

Luật Quốc tịch Việt Nam vẫn khẳng định quy chế “một quốc tịch”, nhưng cho phép người Việt Nam ở nước ngoài chưa thôi quốc tịch Việt Nam khi đã được nhập quốc tịch nước khác, được giữ quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, thủ tục xác minh và cấp giấy tờ cho người trong diện này kéo dài và số lượng được cấp giấy tờ rất hạn chế.

Xu thế Luật Quốc tịch của các nước trên thế giới công nhận 2 hay nhiều quốc tịch. Luật Quốc tịch Việt Nam cũng nên đi theo hướng này. Đương nhiên, chúng ta có thể đặt ra các điều kiện để hạn chế nhân tố gây nguy hại cho lợi ích quốc gia. Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển mạnh mẽ, kể cả trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nghiên cứu và chế tạo sản phẩm công nghệ cao nên có khả năng thu hút rất nhiều chuyên gia trí thức bậc cao, kể cả trong và ngoài nước, bất kỳ quốc tịch nào. Trong khi đó, theo Luật Công chức, những người Việt Nam mang 2 quốc tịch không được tuyển dụng vào các cơ quan của chính phủ. Mặt khác, với những quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm hiện hành, những người được đào tạo tại nước ngoài khó có thể được tuyển dụng vào cơ quan công lập.

Vì vậy, để thu hút được nguồn nhân lực trí thức chất lượng cao của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trước hết, cần mạnh dạn rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, pháp quy liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, sớm xóa bỏ những khác biệt giữa trong và ngoài nước. Việc cải cách hành chính, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết giấy tờ cho đồng bào ta ở nước ngoài cũng sẽ làm tăng thêm lòng tin và sự gắn bó của đồng bào ta, nhất là giới trẻ đối với đất nước.

Cần sớm chấm dứt tình trạng buông lỏng quản lý đối với diện du học tự túc. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an (Cục Xuất nhập cảnh) có cơ chế phối hợp với nhau, chia sẻ thông tin về người đi du học với cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước thì không những quản lý tốt, tiến tới thu hút nguồn nhân lực trí thức này cho đất nước mà còn giúp công tác quản lý công dân nói chung.

Gần đây, các bộ, ngành và tổ chức trong nước đã phối hợp với nhiều cá nhân, tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức nhiều diễn đàn gặp gỡ chuyên gia, trí thức Việt Nam trên thế giới, tạo cơ hội kết nối, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm vì mục tiêu chung là cống hiến cho quê hương, đất nước.

Những hoạt động đó rất bổ ích, cần được tiếp tục, đồng thời có thể xúc tiến các diễn đàn gặp gỡ theo khu vực và chuyên đề để trao đổi các vấn đề cụ thể hơn. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức cần khai thác công nghệ thông tin, chủ động xây dựng các kênh thông tin, truyền thông nhằm liên hệ và trao đổi thông tin thường xuyên và kịp thời với các chuyên gia, đồng nghiệp Việt Nam ở các nước.