Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TTXVN.

 
Phùng Mỹ Thứ Hai | 01/02/2021 08:00

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đại hội XIII thành công rất tốt đẹp

Đại hội Đảng đã thành công rất tốt đẹp, truyền được cảm hứng, quyết tâm, ý chí để đưa đất nước phát triển.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đến giờ phút này, Đại hội Đảng đã thành công rất tốt đẹp, truyền được cảm hứng, quyết tâm, ý chí để sắp tới đưa đất nước phát triển.

Sáng 1.2, ngay sau Phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại Trung tâm Báo chí Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp báo công bố kết quả Đại hội XIII của Đảng.

Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Mai Văn Chính, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Các đồng chí: Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội, Người phát ngôn Đại hội XIII của Đảng; Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tham dự còn có đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương; đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo chí; đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trong nước và nước ngoài thường trú tại Việt Nam; 66 phóng viên quốc tế theo dõi bằng hình thức trực tuyến.

Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh Đại hội XIII đến giờ phút này đã thành công rất tốt đẹp, rút ngắn được gần 2 ngày so với kế hoạch. Đại hội đã thành công cả về nội dung, cách thức kể cả việc thông qua các Nghị quyết.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết công tác Đại hội khó nhất là chuẩn bị văn kiện. Các văn kiện lần này (Tổng kết 5 năm, nhìn lại quá trình 35 đổi mới, quá trình phát triển đất nước, Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế xã hội, Báo các Xây dựng Đảng…), đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và sửa đi sửa lại nhiều lần (khoảng 80 lần).

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự họp báo. Ảnh: TTXVN.
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự họp báo. Ảnh: TTXVN.

Đặc biệt, cơ quan chức năng cũng lần đầu tiên công khai trên báo để toàn dân đóng góp ý kiến, tổng hợp ý kiến từ các cấp bổ sung vào để hoàn thiện văn kiện.

"Văn kiện đại hội là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và là điểm mới của Đại hội lần này nên đã được đưa ra thảo luận lấy ý kiến rất kỹ lưỡng", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Cùng với đó, công tác nhân sự cũng chuẩn bị chu đáo, thận trọng, khách quan, công tâm, làm từng bước, dễ đến khó, minh bạch. Do vậy, khi đưa ra Đại hội đã nhận được sự thống nhất rất cao.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức đại hội rất chu đáo, từ nơi ăn, chỗ ở của các đại biểu tham dự đại hội đến công tác an ninh, an toàn cũng đảm bảo tuyệt đối nhất là khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tránh tình trạng gặp nhau, “vận động phiếu bầu”...

"Không khí tin cậy lẫn nhau, hồ hởi phấn khởi khi đất nước phát triển và đại hội thành công. Đại hội tổng kết, rút ra được nhiều nội dung không chỉ cho 5 năm mà cả phương hướng cho giai đoạn tới… phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam phải trở thành nước phát triển ở trình độ khá" Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh thêm.

Đặc biệt, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, thành công của Đại hội không chỉ là thông qua được Nghị quyết hay bầu ra Ban Chấp hành mới mà quan trọng hơn là phải đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, thể chế hóa, cụ thể hóa thành chủ trương, chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống, làm sao nước giàu, dân mạnh-đó mới là thành công của Đại hội.

“Vừa qua khâu thực hiện vẫn là khâu yếu nên cần chỉ đạo thống nhất, phải tạo ra của cải vật chất, nước phải giàu, dân phải mạnh. Đó mới là mục tiêu quan trọng nhất”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Đặc biệt, Đại hội thành công rất tốt đẹp, đã truyền được cảm hứng, quyết tâm, ý chí để đưa đất nước phát triển.

"Đại hội phải làm cho Đảng đã đoàn kết rồi phải đoàn kết hơn nữa, mong đất nước phát triển mạnh mẽ lên", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Nhấn mạnh về vai trò của báo chí, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, với đội ngũ báo chí tham gia đưa tin đông đảo, có tâm huyết, nhiệt tình và trình độ, các nhà báo đã đóng góp rất nhiều vào thành công của Đại hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ và mong báo chí truyền tải khí thế của đại hội để tạo bước tiến mới cho Việt Nam không thua kém quốc gia nào trên thế giới.

“Chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, vị thế, uy tín như ngày hôm nay - Câu này tôi nói cách đây 3 năm, nay đã được Đại hội thảo luận và đưa câu này vào nghị quyết”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Đại hội XIII đã nhất trí thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiếu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.

6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII

Nghị quyết nêu rõ định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. 

Cụ thể là: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đồng thời, tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nông nghiệp.

Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.

 

Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiếu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.

Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt.

3 đột phá chiến lược 

Nghị quyết cũng nêu 3 đột phá chiến lược được xác định là: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.
 

 

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giả trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng hệ thống kết cẩu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

*Sáng ngày 31.1.2021, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp Hội nghị lần thứ Nhất để bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Kết quả bầu cử như sau:

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt tại phiên bế mạc đại hội
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt tại phiên bế mạc Đại hội

I - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bầu 18 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, gồm:

1. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

2. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ

3. Đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

4. Đồng chí Vương Đình Huệ, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV thành phố Hà Nội

5. Đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương

6. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

7. Đồng chí Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

8. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh

9. Đồng chí Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an

10. Đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương

11. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khóa XII

12. Đồng chí Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

13. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Toà án nhân dân tối cao

14. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

15. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

16. Đồng chí Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam

17. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, kiêm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

18. Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính

II- Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

III- Ban Bí thư Trung ương khóa XIII gồm một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và 5 đồng chí được bầu tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, gồm:

1. Đồng chí Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng

2. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

3. Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

4. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương

5. Đồng chí Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ

IV- Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII, gồm 19 đồng chí:

1. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII

2. Đồng chí Hồ Minh Chiến, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII

3. Đồng chí Nghiêm Phú Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII

4. Đồng chí Đoàn Anh Dũng, Vụ trưởng, Thư ký Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII

5. Đồng chí Trần Thị Hiền, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII

6. Đồng chí Nguyễn Quốc Hiệp, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII

7. Đồng chí Nguyễn Văn Hội, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII

8. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII

9. Đồng chí Vũ Khắc Hùng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII

10. Đồng chí Hoàng Trọng Hưng, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương

11. Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh

12. Đồng chí Tô Duy Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII

13. Đồng chí Võ Thái Nguyên, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII

14. Đồng chí Nguyễn Văn Nhân, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII

15. Đồng chí Nguyễn Minh Quang, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII

16. Đồng chí Trần Văn Rón, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Vĩnh Long

17. Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XII

18. Đồng chí Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII

19. Đồng chí Hoàng Văn Trà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII

V - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bầu đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.

Nguồn vietnamplus