Các nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam đã mang lại tốc độ phát triển lớn nhất cho nước ta trong số các nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: thanhnien.vn
Tin Hoạt động Hội- Người Việt bốn phương
Nhật “mở cửa” đối với người Việt Nam
Chính phủ Nhật dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam từ ngày 1.11. Tuy nhiên, quy định mới chỉ áp dụng với những người đến Nhật không vì mục đích du lịch.
Đây là nỗ lực của Tokyo để nới lỏng các hạn chế đi lại do dịch COVID-19 nhằm phục hồi nền kinh tế Nhật vốn đã đóng cửa kể từ tháng 2. Tuy nhiên, Tokyo vẫn tiếp tục tạm ngừng thỏa thuận miễn thị thực với các nước khác và hạn chế việc cấp thị thực mới.
Theo Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi, Nhật và Việt Nam đã đồng ý tái khởi động các chuyến bay phục vụ mục đích công tác kể từ ngày 1.11. Theo đó, những trường hợp nhập cảnh vào Nhật hoặc vào Việt Nam với thời hạn lưu trú ngắn ngày để thực hiện một số hoạt động như đầu tư, thương mại, ngoại giao... không cần phải cách ly 14 ngày.
Như vậy, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 3 mà Nhật nối lại các chuyến đi công tác ngắn hạn, sau khi Nhật hợp tác với Singapore và Hàn Quốc.
Triển lãm ảnh tại Úc gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung
Nhiếp ảnh gia Quang Nguyễn đang tổ chức cuộc triển lãm ảnh mang chủ đề “The life we miss” tại thành phố Sydney, Úc từ ngày 30.10 đến 15.11 nhằm ủng hộ đồng bào miền Trung.
Theo nhiếp ảnh gia Quang Nguyễn, dù chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng do thời gian tương đối gấp rút, nhưng cái gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm tới trái tim.
Có mặt tại buổi triển lãm, đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Sydney, ông Harry Trần khẳng định: “Triển lãm ảnh đã ghi lại dấu ấn trên những nẻo đường, cuộc đời và sự nghiệp của anh Quang Nguyễn, từ trong nước cũng như ở nước ngoài. Điều này rất đáng trân trọng.
Bên cạnh đó, một ý nghĩa lớn hơn nữa là sự kiện này tác giả dùng để quyên góp, kêu gọi mọi người ở thành phố Sydney đóng góp cho quê hương đất nước, hỗ trợ đồng bào ta trong thời gian lũ lụt. Dưới góc độ một cá nhân sinh sống ở nước ngoài, tôi mong muốn có thể góp một phần sức nhỏ. Đây là một sự kiện tuyệt vời để tham gia và tôi cũng kêu gọi bạn bè, người thân đến để cùng tham dự vào sự kiện này”.
Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán ảnh sẽ được kết hợp với quỹ ủng hộ do Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Sydney phát động, chuyển về Việt Nam cho các tổ chức nhân đạo giúp đỡ bà con miền Trung.
Quốc hội Campuchia thông qua nghị định thư về công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền với Việt Nam
Trong phiên họp Quốc hội Campuchia ngày 2.11, 116 nghị sĩ nước này đã thông qua dự luật về Nghị định thư đường biên giới trên bộ và công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Campuchia.
Phát ngôn viên Chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết: “Sau khi được Quốc hội Campuchia phê chuẩn, các cột mốc và đường biên giới sẽ được luật pháp giám sát. Khi chúng ta thảo luận với các tòa án quốc tế, chúng ta sẽ sử dụng luật này làm cơ sở thảo luận”.
Phát biểu tại lễ chuyển giao bản sao bản đồ địa hình biên giới giữa Campuchia - Việt Nam tỉ lệ 1/25.000 cho 35 bộ và cơ quan nhà nước Campuchia, Bộ trưởng Cấp cao Var Kimhong khẳng định, bộ bản đồ này là thành tựu lịch sử của Vương quốc Campuchia.
Trước đó, vào ngày 5.10.2019, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký văn bản công nhận kết quả 84% công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Campuchia và Việt Nam.
Việt Nam dẫn đầu châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ phát triển kỹ thuật số
Các nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam đã mang lại tốc độ phát triển lớn nhất cho nước ta trong số các nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo báo cáo khảo sát 11 thị trường châu Á - Thái Bình Dương của Công ty GSMA Intelligence, Việt Nam có mức tăng điểm cao nhất từ năm 2016-2019. Việt Nam đạt được kết quả này là nhờ bước tiến đáng kể trong thành tố kết nối của hệ thống xếp hạng sau khi ra mắt và mở rộng nhanh chóng mạng 4G.
GSMA Intelligence lưu ý rằng, Việt Nam đang theo đuổi Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, bao gồm cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, cũng như chính phủ điện tử và đổi mới. Công nghệ di động 5G dự kiến chiếm 5% kết nối không dây tại Việt Nam vào năm 2025. Tuy nhiên, tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 23%.
Đẩy mạnh công nghệ số và trải nghiệm du lịch Việt Nam an toàn
Ngày 30.10, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường, đồng thời giới thiệu Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn. Ứng dụng với ưu điểm nổi bật là các tính năng kết nối liên thông giữa du khách, đơn vị cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước.
Tại buổi lễ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh trong 5 năm qua, du lịch Việt Nam đã tăng trưởng đột phá cả về khách quốc tế (tăng 2,3 lần), khách nội địa (tăng 1,5 lần), tổng thu từ khách du lịch (tăng 2,2 lần).
Với mục tiêu phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, góp phần nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế, Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường thống nhất tiếp nhận và xử lý những phản hồi liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật và gian lận thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cũng khẳng định việc ký kết quy chế phối hợp giữa hai bên là dấu mốc quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của khách du lịch ở Việt Nam