Ảnh: thoidai.com.vn
Tin Hoạt động Hội - Người Việt bốn phương (757)
Hướng đến Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Với vai trò vừa là cầu nối vừa là phương tiện lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc, việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn, giá trị khoa học và nhân văn sâu sắc. Sáng 30/11, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Đại diện Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất trí lựa chọn ngày 8/9 làm Ngày Tôn vinh tiếng Việt, đồng thời, đề xuất một số hoạt động để phát huy ý nghĩa của ngày này trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, đối với cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là niềm tự hào dân tộc, là điểm tựa vững chắc cho văn hóa Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến. Hội thảo được tổ chức là nỗ lực của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong việc xây dựng Đề án nhằm khuyến khích, cổ vũ đồng bào người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ học tập và gìn giữ tiếng Việt.
Gắn biển tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Marseille (Pháp)
Mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, lãnh đạo chính quyền thành phố Marseille, đại diện lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp và tòa soạn báo La Marseillaise vừa tổ chức gắn biển tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Biển tưởng niệm được làm bằng đá granit đen, gắn lên tường mặt trước trụ sở tòa soạn báo La Marseillaise, khắc dòng chữ bằng tiếng Pháp với nội dung: “Tại Marseille, vào năm 1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên gọi lúc đó là Văn Ba) lần đầu tiên đặt chân đến Pháp, khởi đầu cho hành trình gian nan tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam”.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao tấm lòng cũng như tình cảm của lãnh đạo thành phố và người dân Marseille, đã đón nhận và coi tấm bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là một phần trong di sản văn hóa của thành phố.
Mang chất Việt vào tranh in trên đất Mỹ
Mới đây, tại phòng trưng bày nghệ thuật 410 Project ở thành phố Mankato, bang Minnesota (Mỹ) diễn ra buổi triển lãm tranh in mang tên Hallucination (Ảo giác). Nhìn vào các bức tranh tại đây, người Việt sẽ thấy những hình ảnh thân thuộc như cây nêu, con trâu, dưa hấu... Đây là các tác phẩm của họa sĩ tranh in người Việt Mai Trần đang sinh sống tại Mankato.
Hallucination là triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Mai Trần ở Mỹ. Trong những bức tranh này, chị Mai lồng ghép chuyện cổ tích và các chi tiết đậm chất Việt Nam vào khung cảnh Mankato và nước Mỹ. Ngoài việc thể hiện sự giao thoa văn hóa, cảm hứng Việt Nam trong tranh cũng là một cách để chị Mai giữ sợi dây liên kết với quê hương và giới thiệu cho người Mỹ truyền thống dân tộc.
Giao lưu thời trang Việt Nam - Hàn Quốc
Tối 28/11, Lễ trao giải thưởng trình diễn thời trang Việt Nam - Hàn Quốc (KVFFA) lần thứ 3 đã được tổ chức tại khách sạn Seoul Garden (Hàn Quốc), đánh dấu kỷ niệm 29 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Điểm nhấn của KVFFA năm nay là màn trình diễn áo dài Việt Nam với họa tiết cờ đỏ sao vàng, thể hiện thông điệp tôn vinh đất nước và con người Việt Nam trong mối giao lưu mật thiết với người dân xứ sở Kim Chi.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng cho biết, KVFFA 2021 là sự kiện rất có ý nghĩa và thiết thực nhân dịp kỷ niệm 29 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, tiếp tục làm sâu sắc thêm quá trình giao lưu văn hóa, giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quá trình giao lưu nhân dân giữa cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc với người dân nước sở tại.
Tổng đạo diễn Jeong Min-woo - Trưởng Ban tổ chức cũng nhấn mạnh rằng, việc tổ chức KVFFA 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động đến mọi mặt đời sống là nỗ lực rất lớn của 2 nước, cho thấy quan hệ hợp tác bền chặt giữa Hàn Quốc và Việt Nam tiếp tục được củng cố trong mọi hoàn cảnh.
Hoạt động quảng bá cho văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc thông qua chương trình thời trang sẽ giúp cho việc kết nối ý tưởng, tạo nên sự đồng cảm văn hóa giữa hai dân tộc. Thông qua việc trình diễn trang phục áo dài của Việt Nam và Hanbok của Hàn Quốc, chương trình muốn quảng bá cho vẻ đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của 2 dân tộc.
Bảo tồn loài thú trong Sách đỏ
Vừa qua, trang web Trường Tài nguyên thiên nhiên Warner thuộc Đại học bang Colorado (CSU), Mỹ, giới thiệu về nghiên cứu nhằm bảo tồn mang lớn, loài thú móng guốc chỉ có thể tìm thấy ở dãy Trường Sơn của Việt Nam. Đây là dự án của cô gái Việt ở Mỹ Minh Nguyen, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại CSU, cùng Giáo sư Joel Berger - nhà nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS).
“Công tác bảo vệ động vật ở dãy Trường Sơn đang cần hỗ trợ khẩn cấp để có thể bảo tồn hiệu quả nhiều loài đặc biệt trước khi quá muộn”, chị Minh nhấn mạnh.
Nghiên cứu sinh Minh Nguyen. Ảnh: TL. |
Sau vài dự án, chị Minh nhận ra rằng đang có nhiều nghiên cứu về sao la. Trong khi đó, mang lớn - loài được xếp vào nhóm Cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - không được chú ý nhiều và sẽ tuyệt chủng nếu không có nỗ lực dành cho chúng. Vì vậy, chị tập trung nghiên cứu về mang lớn để có thể đóng góp nhiều hơn cho công tác bảo tồn.
Công việc của chị Minh nhận được nhiều sự chú ý của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên. Hiện chị đang được Hiệp hội Nữ đại học Mỹ, Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ, Tổ chức Động vật hoang dã thế giới, Mạng lưới Bảo tồn động vật hoang dã và Chương trình Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại CSU hỗ trợ. Chị Minh cũng vừa nhận được học bổng từ WCS và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF).