Kiều bào chia sẻ trực tuyến kinh nghiệm điều trị COVID-19. Ảnh: thoidai.com.vn.
Tin Hoạt động Hội - Người Việt bốn phương (740)
Kiều bào chia sẻ trực tuyến kinh nghiệm điều trị COVID-19
Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thể hiện tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, cùng hành động có trách nhiệm vì đất nước, đội ngũ kiều bào trí thức đã tham gia chia sẻ trực tuyến kinh nghiệm điều trị COVID-19 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM hôm 31.7.
Buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Kinh nghiệm triển khai hệ thống bác sĩ gia đình ở Ý trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19 - Tham vấn và hỗ trợ cấp cứu 118 Italy” là một trong những đề xuất của nhóm kiều bào gồm: Ông Danny Võ Thành Đăng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, đại diện Intercharm Training Hub; Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái, chuyên gia về tế bào gốc, đại diện TransMed Việt Nam; Tiến sĩ William H. Nguyễn, chuyên gia về công nghệ, đại diện Legacy.
Đại diện Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cho biết: “Thông qua buổi tọa đàm, Ban tổ chức mong muốn cung cấp thêm kênh thông tin nhằm giúp các chuyên gia y tế Việt Nam tham khảo kinh nghiệm chống dịch của Ý. Trong đó, có kinh nghiệm điều phối giảm tải khi số ca nhiễm tăng cao, vượt khả năng ứng phó của hệ thống y tế tại một thời điểm nhất định... để có tham mưu chiến lược phù hợp cho Việt Nam, trong đó có ngành y tế TP.HCM”.
Những tấm lòng chia sẻ đến với người gốc Việt tại Preah Sihanouk
Sự xuất hiện của biến thể Delta tiếp tục gây thêm nhiều khó khăn, trở ngại cho đời sống và sinh kế của cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia nói chung và tại tỉnh Preah Sihanouk nói riêng. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam hôm 29.7 đã phối hợp với Ban Chấp hành Hội Khmer - Việt Nam tỉnh Preah Sihanouk và một số nhà hảo tâm trao tặng 170 phần quà cho 150 hộ gia đình người gốc Việt và 20 hộ gia đình người Campuchia có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thành phố Preah Sihanouk.
Mỗi món quà tuy giá trị không lớn nhưng thể hiện tình cảm truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần giúp cộng đồng người gốc Việt phần nào ổn định cuộc sống ở nước sở tại trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 nhập cảnh vào Campuchia luôn ở trên ngưỡng 300 ca từ nhiều tuần trở lại đây trong khi biến thể Delta lây lan trong cộng đồng, Chính phủ Campuchia đã quyết định phong tỏa toàn bộ 8 tỉnh giáp biên giới với Thái Lan và áp dụng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm biến thể nguy hiểm này.
Lưu học sinh Việt Nam đón nhận sự hỗ trợ từ thanh niên Lào
Ngày 2.8, Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào Souliya Kiewphilavong đã đến thăm hỏi, động viên và trao quà trị giá 12 triệu Kip (khoảng 27 triệu đồng) cho các lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại Trường Đại học Quốc gia Lào. Quà tặng gồm nhu yếu phẩm thiết yếu cùng khẩu trang y tế, nước sát khuẩn phòng dịch.
Thay mặt các lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại Đại học Quốc gia Lào, anh Bùi Hữu Học, Phó Bí thư Ban cán sự Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Lào gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào, cam kết sẽ động viên nhau học tập tốt và tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế Lào.
Cựu binh Mỹ gặp lại con gái Việt sau 50 năm thất lạc
Sau nhiều năm rời khỏi Việt Nam năm 1971, cựu binh Mỹ Harold Setser cuối cùng cũng gặp lại con gái thất lạc Phuong Nguyen. “Tôi rất vui được gặp lại bố”, cô Nguyen bày tỏ.
Ông gặp mẹ của cô Phuong Nguyen khi gia nhập không quân Mỹ tham chiến tại Việt Nam, sau đó xuất ngũ, làm nhà thầu dân sự nhưng phải rời Việt Nam vì hết hạn visa. Lúc đó cô bé Phuong Nguyen mới 4 tháng tuổi.
“Tôi vô cùng hạnh phúc khi tìm thấy con gái, tôi đã tìm con nhiều năm nay. Với tôi, chiến tranh cuối cùng đã kết thúc”, ông Setser nói.
Nhờ người cháu trai Steven - con trai của cô Phuong Nguyen, năm 2020 họ đã tìm được nhau thông qua xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến gia đình họ phải mất 1 năm mới đoàn tụ.
Cô gái Việt mở nhà trẻ tại Mỹ
Sau khi tham gia khóa học hỗ trợ khởi nghiệp ở Houston, Ngoc Ho quyết định mở nhà trẻ cho con em người gốc Việt.
Cô gái 29 tuổi Ngoc Ho tốt nghiệp Đại học Houston, thạo cả tiếng Anh và tiếng Việt. Đây là điểm cộng lớn đối với khách hàng của cô. Nhiều học sinh của Ngoc Ho chưa từng đến nhà trẻ bởi bố mẹ đều nói tiếng Việt và không thoải mái khi cho con đi học trong môi trường chỉ có tiếng Anh.
Nhằm phát triển lợi thế của trung tâm, sau 6 tháng khởi nghiệp, Ngoc Ho hy vọng sẽ mở rộng kinh doanh và nhận thêm nhiều trẻ vào trường. Ảnh: vnexpress.net. |
“Tôi giúp các bé học tiếng Anh, để các cháu đủ vốn từ đi mẫu giáo và hiểu được lời giáo viên dạy, hoặc đủ để giao tiếp với giáo viên. Tôi cũng giúp các cháu học tiếng Việt nữa, bởi đa số các bé đều nói tiếng Việt”, Ngoc Ho chia sẻ.
Ngoài ra, nhu cầu tìm nơi gửi và chăm sóc trẻ luôn rất cao, cùng với đại dịch khiến nhiều bậc phụ huynh căng thẳng hơn khi không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá phải chăng. Do đó, sự ra đời của trung tâm chăm sóc trẻ em do Ngoc Ho quản lý trở thành điểm sáng trong đại dịch.
Nhằm phát triển lợi thế của trung tâm, sau 6 tháng khởi nghiệp, Ngoc Ho hy vọng sẽ mở rộng kinh doanh và nhận thêm nhiều trẻ vào trường.