Ảnh: TTXVN.
Tin Hoạt động Hội - Người Việt bốn phương (732)
Cộng đồng người Việt tại nhiều nước hướng về cuộc chiến chống dịch ở quê hương
Trong Lễ phát động quyên góp ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 do Đại sứ quán Việt Nam tại Nga tổ chức, Đại sứ Đặng Minh Khôi khẳng định, Việt Nam quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép. Theo đó, tập thể lãnh đạo và công nhân người Việt tại Nhà máy chế biến thịt Veliky Luki, tỉnh Pskov ủng hộ 10.000 USD.
Chủ tịch Hội người Việt tại Nga Đỗ Xuân Hoàng cho biết, Hội sẽ triển khai chương trình riêng để tổ chức đợt quyên góp kéo dài trong vài tháng. Tiền quyên góp sẽ được dùng để mua vaccine Sputnik V của Nga, gửi về ủng hộ đất nước.
Trong khi đó, tại Singapore, Đại sứ quán Việt Nam Lê Công Dũng cho biết, sau 3 ngày phát động, Đại sứ quán đã quyên góp được hơn 15.000 đô la Singapore (hơn 260 triệu đồng).
Người Việt tại tâm dịch Malaysia
Với số ca nhiễm mới hằng ngày kỷ lục, Malaysia đang là tâm dịch mới của châu Á, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người Việt tại đây.
Chị Nguyễn Thị Kim Hồng sống tại bang Selangor, Kuala Lumpur, nơi có dịch nghiêm trọng nhất ở Malaysia, cho biết: “Malaysia có ứng dụng báo số ca nhiễm xung quanh, nhưng họ không chỉ ra cụ thể ai mắc bệnh”. Nước này phong tỏa toàn quốc nhưng không phong tỏa nơi có ca bệnh nên người nào cũng phải cẩn thận khi ra ngoài vì không biết mình sẽ tiếp xúc với ai.
Cùng suy nghĩ, anh Nguyễn Trọng Hùng (36 tuổi), ở Malaysia từ năm 2005, rất lo sợ khi phải ra ngoài. Anh Hùng sống tại bang Penang, tuy dịch ở đây không nghiêm trọng như Kuala Lumpur, nhưng lệnh phong tỏa khiến anh chỉ có thể di chuyển trong vòng 10 km quanh nhà và phải quét mã QR ở nơi công cộng. Siêu thị, chợ đóng cửa trước 20 giờ và người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang. Theo anh Hùng, lệnh phong tỏa khiến người lao động Việt gặp khó khăn. “Nhiều anh em không đi làm được, cũng không nhận được trợ cấp. Công ty sản xuất cần thiết mới được mở cửa”, anh Hùng chia sẻ.
Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, chị Trần Thị Chang, y sĩ, Hội trưởng Hội Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia, cho biết điều may mắn là hiện chưa có thông tin nào về người Việt Nam bị mắc COVID-19 nghiêm trọng tại Malaysia.
Sống và làm việc ở Malaysia gần 30 năm, chị Chang luôn đứng ra gánh vác nhiệm vụ gắn kết và hỗ trợ đồng bào. “Nhất là trong tình hình dịch bệnh khó khăn, nhiều người không có việc làm, Hội Phụ nữ luôn sẵn sàng và cố gắng làm những việc tốt nhất vì cộng đồng”, chị Chang nói. Cho đến cuối tháng 5, Hội đã xin được tài trợ 150 suất quà, mỗi suất trị giá 150 ringgit (tương đương 840.000 đồng), để hỗ trợ bà con người Việt trong giai đoạn dịch bệnh.
Trung tâm sức khỏe 65 triệu USD cho người gốc Việt
Sau nhiều năm ấp ủ, chính quyền quận Santa Clara, bang California sắp khánh thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe dành riêng cho cộng đồng gốc Việt đầu tiên tại Mỹ.
Bà Betty Duong, quản lý dự án 65 triệu USD (1.498 tỉ đồng) này, cho biết Trung tâm sẽ cung cấp dịch vụ y tế, sức khỏe tinh thần, dinh dưỡng, nha khoa và cả nhi khoa. Mặt khác, đây còn là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa của cộng đồng. Trung tâm sẽ phục vụ cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt, chiếm 11% dân số thành phố San Jose.
Sự ra đời của trung tâm này sẽ giúp giải quyết vấn đề hạn chế khả năng tiếng Anh và thông tin về các dịch vụ sức khỏe tồn tại trong cộng đồng người gốc Việt nhiều năm qua.
Người Việt tại Campuchia gặp khó vì lệnh giải tỏa nhà nổi
Hôm 2.6, chính quyền Phnom Penh, Campuchia thông báo giải tỏa các nhà nổi, bè cá trên sông Tonle Sap thuộc địa phận thành phố này. Quyết định bất ngờ của chính quyền khiến cả ngàn hộ gia đình người gốc Việt sống trên các nhà nổi không biết phải đi về đâu.
Theo đó, toàn bộ người dân sống trên các nhà nổi phải ngay lập tức dời đi trong vòng 7 ngày nếu không sẽ bị tháo dỡ, thậm chí chịu xử lý theo pháp luật, trong đó có thể bị hầu tòa. Lý do được cho là để bảo vệ giao thông đường thủy, môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe của người dân.
Chủ tịch Hội Khmer - Việt Nam Sim Chy cho biết có khoảng 1.500 hộ gia đình gốc Việt đang sống trên thuyền, bè tại Phnom Penh. Họ đã sống hơn 40 năm tại đây và hoàn toàn hợp pháp về mặt thủ tục pháp lý, nhiều người được cấp thẻ ngoại kiều để cư trú và sinh sống hợp pháp tại Campuchia.
“Bà con lao động phổ thông và buôn bán nhỏ lẻ cũng thất nghiệp nhiều. Nếu tới đây, chính quyền Phnom Penh thực hiện theo đúng quy định mới thì sẽ là khó khăn chồng chất cho bà con”, ông Sim Chy nói.
Chuyên gia gốc Việt chữa khỏi chứng máu đông liên quan vaccine AstraZeneca
Các bác sĩ Úc, trong đó có bác sĩ Huyen Tran, Trưởng đơn vị điều trị nghẽn mạch và cầm máu tại Bệnh viện Alfred tại thành phố Melbourne tự tin rằng có thể phát hiện và chữa trị chứng máu đông đối với những người tiêm vaccine AstraZeneca, giúp số ca tử vong giảm xuống.
Ông Huyen Tran là người tham gia điều trị cho gần như toàn bộ bệnh nhân mắc hội chứng máu đông tại bang Victoria. Ảnh: smh.com.au. |
Ông Huyen Tran là người tham gia điều trị cho gần như toàn bộ bệnh nhân mắc hội chứng máu đông tại bang Victoria. Ông cũng là người tham gia nhóm điều tra chung về hội chứng này giữa các tổ chức của Úc và New Zealand. “Chúng tôi có thể nhận biết, chẩn đoán và điều trị nó”, ông Tran quả quyết.
Việc mắc hội chứng máu đông sau tiêm vaccine là rất hiếm gặp và người bị thường bị đông máu hoặc giảm tiểu cầu trong mạch máu. Để điều trị, các bác sĩ Úc tiêm huyết thanh của người có kháng thể cho bệnh nhân, phương pháp đã chứng minh hiệu quả trong các chứng rối loạn đông máu khác.
Giới chuyên gia Úc cho biết tỉ lệ tử vong của người mắc hội chứng này tại nước ngoài đã giảm xuống 10% và sẽ giảm thêm trong khi tại Úc, tỉ lệ là khoảng 2,4-3,2%.