Ảnh: NVCC

 
Tuệ Anh Thứ Ba | 13/08/2024 15:37

Tiến sĩ Việt chế tạo vật liệu sinh học gây chú ý tại Pháp

TS Nguyễn Ngọc Tuân cùng cộng sự tại Pháp phát triển thành công dây chằng nhân tạo phân hủy sinh học và thúc đẩy tái tạo mô dây chằng.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuân, Đại học Ecole Normale Superieur (Paris) cùng các cộng sự đang gây chú ý khi tiếp nối Dự án phát triển dây chằng nhân tạo phân hủy sinh học do anh thực hiện tại Đại học Sorbonne Paris Nord (Pháp) từ năm 2017.

Dây chằng nhân tạo phân hủy sinh học được phát triển từ sợi polymer sinh học (polycaprolactone và trước đây là Polyethylene terephthalate) có thể thúc đẩy quá trình tái tạo của mô dây chằng đã đứt. Nó được dùng để ghép thay thế tạm thời dây chằng bị tổn thương nhằm giữ cố định khớp gối và trở thành khung vật liệu để thúc đẩy sự tái tạo tế bào mô thành dây chằng mới.

Điều gây chú ý là các sợi polymer sẽ phân hủy chậm trong cơ thể mà không gây độc tế bào trong quá trình dây chằng mới được tái tạo lại, do đó không cần phẫu thuật loại bỏ. Các kết quả từ nghiên cứu cho thấy khả năng thúc đẩy hồi phục chấn thương nhanh hơn, ít rủi ro, hiệu quả và ít tốn kém hơn so với các phương pháp phẫu thuật nối ghép mô truyền thống. Nghiên cứu được đánh giá là "bước đột phá trong lĩnh vực kỹ thuật mô và y học tái tạo", đăng trên tạp chí quốc tế Polymer Degradation and Stability (2020-2021,NXB Elsevier), Scientific Report (2021, NXB Springer-Nature), Biointerphases (2020, American Institute of Physics).

Theo Tiến sĩ Tuân, thách thức lớn nhất là cần đáp ứng được các yêu cầu khắt khe trong cấy ghép vào cơ thể và khả năng tái sản xuất của các vật liệu. Những vật liệu cần đáp ứng được yêu cầu về sự ổn định về chức năng, sản xuất và vượt qua các bài kiểm tra khắt khe của các tổ chức y tế như FDA (Mỹ) hay CE (châu Âu).

Hiện công nghệ này được công ty Texinov và Movmedix sử dụng sản xuất và đưa vào thử nghiệm lâm sàng tại châu Âu và Mỹ. 

Xuất phát điểm của Tiến sĩ Tuân vốn là một kỹ sư ngành hóa dầu được đào tạo tại Việt Nam. Anh kể bắt đầu theo đuổi nghiên cứu về vật liệu cao phân tử khi là sinh viên Trường Đại học Bà Rịa (Vũng Tàu). Năm 2017, anh nhận được học bổng tiến sĩ về vật liệu sinh học cho tái tạo dây chằng chéo trước của đầu gối. Nghiên cứu nằm trong khuôn khổ dự án LIGA2BIO từ chương trình đầu tư tương lai (PIA) từ BPIfrance, liên kết với các công ty về công nghệ sinh học. Tốt nghiệp, TS Tuân làm việc cho bộ phận nghiên cứu và phát triển của công ty công nghệ sinh học về cấy ghép CERAVER rồi làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Ecole Normale Superieur theo hướng nghiên cứu về vật liệu sinh học và tế bào.

Hiện anh phối hợp với nhóm nghiên cứu từ các trường Đại học Công nghệ Compiègne (Pháp) và Đại học Saarland (Đức) trong phát triển chuyển gene và gene hướng dẫn bằng giàn giáo cho tái tạo mô xương, sụn và dây chằng.