Thu hút Việt kiều về nước: Phải có chính sách đãi ngộ tốt
Một trong những nội dung Đại hội nhiệm kỳ 3 (2012-2017) của Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) đã đề cập là thu hút tri thức người Việt Nam ở nước ngoài về xây dựng đất nước. Chủ tịch ALOV Nguyễn Phú Bình cho rằng, các cơ quan, doanh nghiệp cần chủ động, thay vì thụ động ngồi ở trong nước chờ tri thức người Việt ở nước ngoài đến đăng ký tuyển dụng.
Thu hút nguồn lực phát triển nền kinh tế, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, nhưng theo ông, cần thêm những chính sách gì để có thể thu hút hơn nữa nguồn lực tri thức nước ngoài đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước ?
Tôi nghĩ luật là tương đối đầy đủ nhưng các văn bản dưới luật, các nghị định, thông tư cũng hết sức quan trọng. Luật ra đời mà chưa có hướng dẫn đầy đủ thì vẫn chưa thể đi vào cuộc sống. Ví dụ, nhu cầu mua nhà của kiều bào, dù Luật Nhà ở sửa đổi đã cho phép, nhưng thực tế vẫn còn khá nhiều vướng mắc. Vì vậy, chính quyền và các cơ quan ở địa phương cần thông thoáng hơn trong vận dụng luật.
Do từ luật đến khâu thực hiện vẫn còn khoảng cách lớn, nên Hội đang cố gắng bằng tiếng nói của mình tác động đến các cơ quan chức năng để rút ngắn khoảng cách này. Hiện nay, trong Hội có nhiều luật sư có thể giải đáp, thậm chí can thiệp để bà con Việt kiều mua được nhà. Những trường hợp thiếu hoặc chưa đủ điều kiện, các luật sư sẽ hướng dẫn để bà con thực hiện thủ tục theo quy định. Trường hợp một số cơ quan công quyền không làm đúng pháp luật, với vai trò của mình, các luật sư sẽ giúp bà con kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền giải quyết.
Cũng bởi lý do này mà khó thu hút nguồn tri thức Việt kiều về xây dựng đất nước, thưa ông?
Tôi nghĩ điều này cũng dễ hiểu. Người Việt Nam dù có định cư một hoặc hai thế hệ ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng luôn coi mình là người Việt Nam. Đây là điều tích cực. Nhưng do sống lâu năm, thậm chí là từ nhỏ, ở nước ngoài nên họ gắn bó với văn hóa quốc gia sinh sống, nên việc giữ bản sắc, nhất là giữ ngôn ngữ tiếng Việt là điều hết sức khó.
Gần đây, một số tri thức nắm được tình hình trong nước, hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, có mối quan hệ với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn về làm việc. Nhưng bên cạnh đó, nhiều Việt kiều biết trong nước có nhu cầu về nguồn lực tri thức nhưng lại không đủ điều kiện để về nước làm việc.
Một thực tế nữa, ở lại hay về nước là băn khoăn của không ít sinh viên sau khi du học. Ở lại không dễ kiếm được việc làm, nhưng về lại hoang mang về công việc, về mức lương... Tất cả những thông tin đó mọi người chỉ nghe chung chung, không rõ thực hư.
Trong nước đang có nhu cầu rất lớn về nguồn lực. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải làm rõ hơn việc thu hút các tri thức, đặc biệt là tri thức trẻ là con em kiều bào, vì đấy cũng là một phần máu thịt của dân tộc, cũng như người trẻ sau du học nước ngoài, về nước tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước.
Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: Sơn Phạm |
Nhưng giải pháp cho vấn đề thu hút nguồn lực nên là gì ?
Chúng ta có rất nhiều biện pháp có thể bồi dưỡng được tiếng Việt và bồi dưỡng được văn hóa dân tộc, nên chúng ta phải huy động tổng lực. Vì vậy, chúng ta phải tạo điều kiện cho con em kiều bào ở nước ngoài nắm được tình hình trong nước, hiểu biết văn hóa dân tộc.
Đối với con em ở trong nước ra nước ngoài học tập, hầu hết đều hiểu biết về tình hình đất nước, có ngôn ngữ tốt nhưng lại không nắm được nhu cầu về nhân lực trong nước. Vì thế, các bộ ngành, địa phương nên thông báo rộng rãi nhu cầu tuyển dụng nhân lực của mình. Một điều quan trọng nữa là phải có chính sách đãi ngộ tốt.
Nếu có chính sách đúng, có biện pháp tốt, chúng ta sẽ làm tốt việc này. Hội nghị người Việt vừa tổ chức tại TP.HCM là một ví dụ, đưa Thành phố trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về thu hút nguồn lực ở ngoài, nguồn lực tri thức người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là tri thức trẻ, không phân biệt người trẻ đã định cư ở nước ngoài hay du học.
Tôi rất ấn tượng việc một số công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cử cán bộ sang Anh tìm kiếm nguồn nhân lực. Họ mời gọi sinh viên sắp tốt nghiệp đại học, cao học tại Anh về làm việc cho công ty của mình tại Việt Nam.
Chúng ta cũng có thể sử dụng cách làm này thu hút nguồn tri thức trẻ ?
Tôi nghĩ, các cơ quan trong nước cần chủ động, thay vì thụ động chờ các tri thức trẻ đến đăng ký tuyển lao động. Việc đưa các yêu cầu tuyển dụng lên mạng là một điều tích cực, nhưng chúng ta phải học tập các công ty nước ngoài là đi đến tận nơi, đến các địa bàn có nhiều nguồn lực trí thức của mình đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài và mời gọi, giới thiệu nhu cầu trong nước. Chỉ như vậy, những thông tin ấy mới đến trực tiếp được các tri thức trẻ ở nước ngoài.
Với vị thế của mình, Hội sẽ kích cầu hoạt động này như thế nào?
Hiện nay, Hội có các hội thành viên ở hơn 30 tỉnh, thành phố và địa phương có đông người thân ở nước ngoài. Bên cạnh đó, những gia đình có con em đi học nước ngoài cũng tham gia Hội khá đông. Đây là cầu nối quan trọng trong việc thông báo cho các du học sinh về tình hình trong nước, nhu cầu việc làm cũng như giữ gìn văn hóa, chữ viết của con em mình ở nước ngoài. Chúng tôi đã thông qua mạng lưới hội viên để giữ mối liên hệ với bà con người Việt ở nước ngoài và vận động tri thức, đặc biệt là tri thức trẻ ở nước ngoài về nước.
Trong trường hợp tìm được việc làm ở nước ngoài, các tri thức trẻ ở lại làm việc sẽ tốt hơn, bởi khi học xong mà về nước ngay thì chưa có kinh nghiệm. Còn với những trường hợp ở lại làm việc lâu dài cũng rất tốt, miễn là giữ liên hệ với trong nước và có ý thức hướng về xây dựng đất nước. Mạng lưới của chúng tôi hiện nay đang cố gắng làm những việc này.
Hội đã thực hiện nhiều giải pháp để phát huy vai trò của mình trong việc kết nối giữa trong và ngoài nước, thu hút được các tri thức là kiều bào về với đất nước. Chúng tôi đã và đang tiếp tục tập hợp những người tâm huyết với công tác vận động bà con ở nước ngoài, trong đó có các trí thức, những người có vai trò trong xã hội, cả trung ương và địa phương, làm nhiệm vụ kết nối trí thức người Việt ở nước ngoài với các cơ quan đoàn thể ở trong nước.
Không dừng lại ở đó, Hội đã luôn có ý kiến hòa chung tiếng nói của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác phản biện xây dựng chính sách với kiều bào ta ở nước ngoài. Tôi hy vọng các chính sách với người Việt Nam ở nước ngoài sẽ ngày càng phù hợp thực tế, thông thoáng hơn để tạo điều kiện cho kiều bào, người Việt ở nước ngoài gắn bó chặt chẽ với đất nước.
Hoàng Anh