Tháng Tư ở Trường Sa
Đường ra Trường Sa vào tháng 4 sóng yên biển lặng, nhưng cũng phải mất 2 ngày 2 đêm con tàu quân y HQ 561 mới tới điểm buông neo ở đảo Song Tử Tây, để rồi từ đó những chiếc xuồng máy tấp nập đưa đoàn của chúng tôi gồm đại diện nhiều cơ quan Trung ương và địa phương cùng 36 Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới lên thăm đảo. Sau những giây phút tay bắt mặt mừng cảm động là cuộc duyệt binh của các lực lượng vũ trang trên đảo và giao lưu, tặng quà cho chiến sĩ. Đối với chúng tôi, mọi thứ nơi đầu sóng ngọn gió này có cái gì đó thật lạ lẫm nhưng cũng thật thiêng liêng, khó tả thành lời mà chỉ có thể cảm nhận và suy tư.
Nhiều đại biểu thích thú đi dạo quanh đảo để tìm hiểu đời sống tuy còn khó khăn thiếu thốn nhưng rất vô tư, lạc quan của những chiến sĩ trẻ đến từ mọi miền của đất nước. Ở nơi đây, họ gắn bó keo sơn theo tinh thần “năm anh em trên một chiếc xe tăng, như năm bông hoa nở cùng một cụm...” với ý chí và bản lĩnh mạnh mẽ, dẻo dai như những cây Phong ba trước bão tố. Điều gây ngạc nhiên là ở Song Tử Tây, bộ đội nuôi được những con bò rất lực lưỡng và... hiếu khách. Có điều là vào mùa khô khi khan hiếm thức ăn, lũ bò nhai cả quần áo phơi trên dây của chiến sĩ. Sự kiện lớn chúng tôi được chứng kiến là lễ khai trương trạm lọc nước biển thành nước ngọt công suất 17 m3/ngày do Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tặng đảo.
Rời Song Tử Tây, đoàn chúng tôi sang thăm đảo Nam Yết, một ốc đảo xanh rì dưới những hàng dừa, bàng vuông, cây Tra và Phong ba. Trên đảo có giếng nước gọi là ngọt so với nước biển, nhưng vị lợ của nó khiến người trong đất liền không dễ sử dụng. Ở Trường Sa đã 6 tháng nay không có một cơn mưa, hệ thống bể ngầm (để hứng nước mưa từ mặt sân), bể nổi (để hứng nước mưa từ mái nhà) thời gian qua đã chứng minh tính hiệu quả khi cấp tạm đủ nước sinh hoạt tối thiểu cho chiến sĩ và còn cung cấp nước ngọt cho hàng ngàn tàu đánh cá xa bờ của ngư dân. Điện trên đảo hầu như hoàn toàn do pin mặt trời và tuốc-bin gió cung cấp, nên Trường Sa xứng đáng là một địa phương đã đạt đủ 3 tiêu chí xanh - sạch - đẹp.
Cách Nam Yết không xa là đảo chìm Len Đao. Trên đường ra thăm bộ đội ở đó, tàu phải qua khu vực có đảo Gạc Ma mà Trung Quốc đã đánh chiếm năm 1988. Qua ống nhòm, chúng tôi thấy quang cảnh tấp nập của một công trường xây dựng đường băng sân bay, trạm khí tượng và nhà trung tâm 9 tầng cùng hàng loạt lô cốt thấp hơn bao quanh. Hiện nay, Trung Quốc sử dụng mìn phá các rặng san hô, sau đó dùng tàu hút cát và san hô lên để bồi đắp mở rộng đảo Gạc Ma, Chữ Thập và một số bãi đá khác với tốc độ chóng mặt. Chiếc tàu tuần tiễu có trang bị tên lửa Yancheng quay góc 90 độ hướng về phía tàu HQ 561, đồng thời phát sóng vô tuyến yêu cầu chúng tôi phải nhanh chóng rời lãnh hải của họ. Các chiến sĩ hải quân ta bình tĩnh đáp lại: ”Tàu chúng tôi đang đi kiểm tra trên lãnh hải của Việt Nam”.
Ở khoảng cách 6 hải lý với Gạc Ma, tàu HQ 561 cùng toàn thể thủy thủ đoàn và các đoàn đại biểu đã tổ chức lễ tưởng niệm, dâng hương để tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến ác liệt, không cân sức năm 1988. Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ trang nghiêm, vòng hoa kết hình quốc kỳ cứ bồng bềnh trôi về với sóng nước Biển Đông, nơi các anh 27 năm trước đã gửi lại thân xác và cả tâm hồn một cách dũng mãnh, oanh liệt.
Ngày cuối cùng của chuyến đi, tàu chúng tôi thăm Trường Sa lớn, thủ phủ của huyện đảo Trường Sa. Nơi đây có sân bay nhỏ, cầu tàu, nước ngọt và một số hộ dân. Ông Hòa, Thượng tá chỉ huy trưởng đảo kiêm Chủ tịch thị trấn Trường Sa lớn, một người con quê Hà Tĩnh và cũng là một giọng hát hay trong đêm giao lưu văn nghệ cùng đoàn nghệ thuật quân đội hôm đó, cho biết ở Trường Sa đời sống tinh thần của bộ đội rất phong phú. Quả thực những ngôi chùa khang trang, những tờ báo tường được trình bày đẹp mắt, các tiết mục ca nhạc có vũ đoàn tự biên tự diễn và sóng điện thoại Mobifone, Viettel, VTV luôn bao phủ các đảo lớn, nhỏ và các nhà giàn có một ý nghĩa to lớn ở nơi cuộc sống đầy khó khăn và hiểm nguy này.
Sự hy sinh và mất mát luôn thường trực trong cuộc sống ở Trường Sa. Chúng tôi đã tới thắp hương cho những ngôi mộ của nhiều liệt sĩ ở các nghĩa trang trên đảo Song Tử Tây và Trường Sa lớn. Họ ra đi khi chỉ mới đôi mươi và đến từ mọi miền Tổ quốc: Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Dương… Có chiến sĩ hy sinh khi gặp bão lớn ập tới, có người đã ngã xuống khi thực hiện nhiệm vụ xua đuổi tàu đánh cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam... Họ đã và đang âm thầm hy sinh vì cả nước ngày hôm nay.
Điều làm chúng tôi, những người đại diện cho Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, vui sướng nhất là những món quà của ít, lòng nhiều của Hội mang ra Trường Sa đã được bộ đội đánh giá cao vì đây là những sản phẩm đặc sắc, lần đầu tiên có mặt trên đảo và có ý nghĩa thực tiễn cao. Chẳng hạn như hạt Polime sinh học giữ ẩm độ bền, 12 tháng có thể nở gấp 400 lần khi no nước, giúp đảm bảo dinh dưỡng và nước cho cây trồng liên tục trong 7-10 ngày. Vào mùa khô hạn, sản phẩm công nghệ cao này hầu như sẽ giảm đáng kể lượng nước bốc hơi và công sức chăm bón các vườn rau trên đảo.
Ðoàn đại biểu tặng quà cho chiến sĩ trên đảo Nam Yết |
Tạm biệt Trường Sa trở về đất liền, một ý nghĩ cứ theo đuổi tôi trên suốt đoạn đường mấy trăm hải lý là phải kết hợp công tác dạy nghề cho các chiến sĩ trẻ làm nghĩa vụ quân sự nơi đây, để làm sao khi rời đảo, họ sẽ là những chuyên gia về cây trồng trên đất khô hạn và rau xanh trong nhà lưới, hay nuôi trồng rong biển cùng các hải sản khác. Với nguồn vật liệu san hô thiên nhiên phong phú ở các đảo, chúng ta có thể mở lớp đào tạo cho bộ đội nghề chạm khắc, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ làm quà tặng cho đất liền. Bởi 90 triệu người Việt Nam, ai mà chẳng ước mơ có một vật kỷ niệm mặn mòi, duyên dáng mang về từ Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.
Những chuyến tàu ra thăm Trường Sa đã nối 2 bờ nỗi nhớ và làm nên những cuộc hội ngộ sâu nặng nghĩa tình giữa những đứa con của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân.
"Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo,
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về.
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất,
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi."
(Trích đoạn “Tổ quốc nhìn từ biển”, thơ Nguyễn Việt Chiến)
TS Phạm Gia Minh
Phó Tổng Thư ký Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài