Hiện nay đất nước Thái Lan có khoảng 20 ngôi chùa Việt Nam. Ảnh: Vietthaitoday
Tết Thượng Nguyên tại chùa Cảnh Phước, Bangkok
Sự kiện do Ban chấp hành Hội người Việt thủ đô Bangkok và vùng phụ cận tổ chức với mong muốn tăng cường tinh thần gắn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng hướng về những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương.
Từ sáng sớm, nhiều cô bác trong Ban Phụ nữ Hội người Việt tại Bangkok và các vùng lân cận đã có mặt tại chùa để chuẩn bị cho buổi lễ. Dưới sự hướng dẫn của sư thầy Ong Ta, đông đảo bà con kiều bào, người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Thái Lan đã cùng thành tâm tụng niệm cầu cho quốc thái, dân an, người người được ấm no, hạnh phúc trong năm mới.
Chia sẻ tại buổi lễ, cô Nguyễn Thị Lợi, Trưởng Ban Phụ nữ Hội người Việt thủ đô Bangkok và vùng phụ cận, cho biết lễ cầu an vào Rằm tháng Giêng là nét đẹp truyền thống văn hóa tâm linh của mỗi người Việt, vẫn được bà con kiều bào tại Thái Lan gìn giữ.
Quang cảnh lễ cầu an Tết Thượng nguyên tại Chùa Cảnh Phước ở Bangkok, Thái Lan. |
Cô bày tỏ vui mừng khi buổi lễ được các nhà sư rất quý trọng và ủng hộ hết sức. Thông qua Hội Sinh viên Việt Nam tại Thái Lan, nhiều du học sinh cũng biết đến buổi lễ được tổ chức tại chùa để tới tham dự trong niềm hân hoan đầu năm mới.
Chùa Cảnh Phước (Wat Samananamboriharn) là 1 trong 7 ngôi chùa của người Việt ở thủ đô Bangkok. Chùa tọa lạc tại số 416, Luk-luang, phường Mahanak, quận Dusit, thủ đô Bangkok.
Theo nhiều tài liệu qua lời kể của kiều bào, Hòa thượng Bảo Ân (1906-1964), tên thật là Nguyễn Văn Báo, là sư thầy đầu tiên trụ trì ngôi chùa này.
Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa là nơi tập kết và Hòa thượng Bảo Ân là đầu mối thông tin hoạt động cách mạng ở thủ đô Bangkok. Thầy đảm trách việc cung cấp tài liệu cũng như điều phối các hoạt động hỗ trợ cho phong trào cách mạng ở trong nước.
Hòa thượng Bảo Ân từng trực tiếp ngồi trên xe để đảm bảo đưa 10 tấn vũ khí đầu tiên về Việt Nam và cập cảng Vàm Ông ngày 11/7/1946. Ngày nay, trong khuôn viên chùa còn lưu giữ pho tượng vàng, kích thước bằng người thật tôn danh Hòa thượng Bảo Ân.
Nguồn TTXVN