Tài năng trẻ gốc Việt ở Mỹ
Nhân có dịp sang thăm một số trường Đại học ở Mỹ, tôi được rất nhiều bạn kể về thành tích người Việt hoặc gốc Việt đang học tập hay làm việc tại xứ sở khoa học và văn hóa rất phát triển này. Nhìn chung các lưu học sinh và nghiên cứu sinh Việt Nam đều được bạn bè kính nể về thành tích học tập, nghiên cứu. Có nhiều tấm gương nổi trội mà tôi biết được, mang lại niềm tự hào cho những người con đất Việt. Xin kể vài gương mặt mà tôi thấy rất ấn tượng.
Đó là bạn Đinh Trọng Trữ Khang quê ở Sơn Mỹ, Hàm Tân, Bình Thuận. Khang theo cha mẹ sang Mỹ năm 1995. Từ những ngày còn học tiểu học ở San Jose, Khang đã nổi danh là học sinh giỏi trong trường. Ngày tốt nghiệp tiểu học, bà Hiệu trưởng Trường McKinley San Jose hỏi Khang: “Lớn lên em muốn làm gì?”, Khang trả lời ngay: “Em muốn làm bác sĩ”.
Ngày tốt nghiệp trường Trung học Piedmont Hills San Jose, Khang cùng một lúc nhận được nhiều thư thu nhận của các trường đại học danh tiếng như Harvard, Yale, Stanford, UC Berkeley... Khang chọn Đại học Stanford, sau khi tốt nghiệp được chọn làm trợ giảng vừa làm nghiên cứu sinh thạc sĩ. Khang lấy được bằng Thạc sĩ Cơ sinh trong nửa năm và hoàn thành vào tháng 3.2011 văn bằng MS hạng ưu.
Nhờ có điểm số thi tuyển vào Ðại học Y Khoa (MCAT) cao và thành tích học hành nên vào niên khóa 2011, Khang được 3 trường y khoa danh tiếng thu nhận cùng một lúc: Harvard Medical School, Stanford Medical School, UC San Francisco. Khang chọn Đại học Y khoa Harvard với học bổng 250.000USD. Nhưng Khang đưa ra quyết định bất ngờ là học cùng lúc một phân khoa cộng tác giữa Harvard và MIT (Health Science and Technology).
Qua 5 năm miệt mài học tập và nghiên cứu, Khang là người gốc Việt duy nhất nhận bằng Bác sĩ Y khoa (MD) tại Đại học Harvard. Ngay ngày hôm sau, Khang lại vinh dự được nhận văn bằng MD thứ 2 của Đại học Massachusetts và cũng là người gốc Việt duy nhất trong số 30 MD được nhận bằng này. Hiện nay, Khang và vợ (bác sĩ Kathryn Đinh) đang làm việc tại Bệnh viện của Đại học Washington chuyên ngành xạ trị khi mới 29 tuổi.
Bạn trẻ thứ 2, tôi muốn nhắc đến là Hoàng Thái Đan sống tại một thành phố cực Nam nước Mỹ. Cháu vui vẻ làm quen với tôi và tôi rất mừng vì cháu nói được tiếng Việt dù sinh ra ở Mỹ. Cháu sinh ra trong một gia đình trí thức định cư tại Mỹ. Ngay từ nhỏ, cháu đã thích các môn võ cổ truyền, nhất là Taekwondo. Đây là môn võ mà bố cháu từng đạt Đệ nhị đẳng. Thái Đan đặc cách lọt vào mắt xanh của thầy dạy Taekwondo người Mỹ gốc Do Thái Dan Levenson từ khi cháu mới 4 tuổi rưỡi. Cháu học rất chăm chỉ lại thêm nét mặt đẹp nên còn lọt vào tầm ngắm của các nhà làm phim quảng cáo.
Bố mẹ cháu đã đón tiếp tôi niềm nở như người thân từ quê hương sang thăm. Họ cho tôi xem cuốn băng ghi lại đoạn làm phim quảng cáo của bé Thái Đan. Thật tuyệt vời vì cú nào cũng đánh trúng đích một cách tự tin và mạnh mẽ. Trong phòng của cháu tôi thấy treo đầy các bằng thành tích và huy chương, kỷ niệm chương của cháu. Hóa ra cậu thiếu niên này đã đạt quá nhiều thành tích trong môn Taekwondo. Cháu đã đạt huy chương Đồng giải toàn quốc năm 2011, đồng thời còn là Vô địch Tiểu bang Florida.
Tiếp đó, cháu có cơ hội chuyển qua học võ Thiếu Lâm năm 2012 khi mới 11 tuổi. Thầy dạy cháu là Mario Salazar, đệ tử đời thứ 33 của Chùa Thiếu Lâm (Trung Hoa). Cháu tuy chuyển môn võ nhưng tiếp thu rất nhanh. Chẳng bao lâu, chỉ 2 năm sau, cháu đã 3 lần đoạt giải Đại vô địch Thiếu niên của Võ Trung Hoa Quốc tế (ICMAC - International Chinese Martial Arts Championship). Năm 2016, cháu được học thêm môn võ Mai Hoa Đao với thầy Shi De Cheng của Chùa Thiếu Lâm và thầy rất ngạc nhiên khi thấy cháu có năng khiếu cả với môn võ mới lạ này. Nhìn bảng thành tích của cậu thiếu niên này, tôi nghĩ giá như được khoác áo đội tuyển Việt Nam thì hay biết mấy!
Còn rất nhiều người Việt trẻ nổi danh ở nước Mỹ. Gần đây, đó có thể là nhóm bạn trẻ Việt ở nước ngoài sáng chế nhà nổi cho dân vùng lũ, hay thần đồng piano 5 tuổi Evan Le... Mỗi cá nhân, với tài năng riêng của mình, đã giúp cộng đồng người Việt ở Mỹ nói riêng và ở nước ngoài nói chung thêm tự hào. Qua đó, người Việt hình thành một chỗ dựa kinh tế vững chắc hơn để hội nhập và gầy dựng bản lĩnh cho cộng đồng mình trên thế giới.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng