Sugar Bowl Bakery: Giấc mơ Mỹ của nhà họ Lý
Đến Mỹ năm 1979 chỉ với 1 đô-la trong túi, Andrew Lý và 4 anh em chẳng hề ngờ tới 30 năm sau, gia đình họ lại được nhắc tên bởi chính Tổng Thống của đất nước này. Trong bài diễn văn về Cải cách nhập cư năm 2013, Tổng thống Barack Obama đã kể lại câu chuyện thành công của thương hiệu bánh ngọt Sugar Bowl Bakery do họ Lý sáng lập năm 1984.
Từ một tiệm bánh nhỏ có giá 40.000 USD ở San Francisco, Sugar Bowl Bakery nay đã trở thành lò bánh công nghiệp cao cấp trị giá 60 triệu USD, lớn nhất phía Bắc bang California. Bánh ngọt Sugar Bowl Bakery hiện có mặt ở 7.000 cửa hàng trên khắp nước Mỹ, đồng thời xuất khẩu qua 11 quốc gia ở châu Á và châu Âu. Doanh nghiệp gia đình gốc Việt này đã làm điều đó như thế nào?
Quyết tâm phải làm chủ
Cần phải khẳng định lại rằng thành công của Sugar Bowl Bakery không đến từ mỗi cá nhân ông Andrew Lý, vị Tổng Giám đốc hiện tại. Thành công này bắt nguồn từ nỗ lực kiên trì của cả 5 anh em họ Lý: Tom, Binh, Andrew, Sam và Paul. Cách đây 36 năm, những chàng trai độ tuổi đôi mươi này đã rời Bạc Liêu đến vùng vịnh San Francisco để lập nghiệp. Tuy trong tay không có xu nào, nhưng họ có sẵn một chí hướng rõ ràng là phải làm chủ. “Chúng tôi quyết tâm sẽ làm bất cứ công việc gì. Không chỉ để sống qua ngày mà còn để tích cóp mở cửa hàng của riêng của mình”, Andrew Lý chia sẻ.
Vì mục tiêu ấy mà nhà họ Lý đều không ngại bất cứ công việc chân tay nào để kiếm sống. Ban ngày, họ vừa học tiếng Anh, vừa giao báo, rửa chén, chạy tạp vụ ở các quán ăn. Ban đêm về cùng nhau rán bánh cam bán cho các nhà hàng người Hoa. Suốt 5 năm trời, họ tằn tiện tối thiểu nhu cầu sống. Quần áo và vật dụng đều mua lại tại tiệm đồ cũ Goodwill. Không ngơi nghỉ một ngày nào, Andrew Lý phải bật cười nhớ lại: “Tôi vừa chở bạn gái đi chơi, vừa tranh thủ cùng nàng thu tiền và hộp bánh”.
Đến năm 1984, họ đã thu gom đủ 40.000 USD để mua lại một quán cà phê nhỏ trên phố Balboa, quận Outer Richmond. Quán cà phê chuyển thành tiệm bánh Sugar Bowl Bakery, chuyên giao bánh rán cho các quán rượu và tiệm ăn trong vùng. Đầu những năm 1990, các khách sạn lớn ở San Francisco đồng loạt cắt giảm chi phí bằng cách thuê ngoài làm các món bánh tráng miệng. Bắt lấy cơ hội này, Sugar Bowl Bakery nhanh chóng chuyển từ tiệm bán lẻ bánh rán thành đơn vị cung ứng sỉ tới 350 loại bánh ngọt Á - Âu khác nhau cho tất cả khách sạn và bệnh viện trong vùng. Thế là doanh thu tăng vọt lên mức 150.000 USD/năm. Năm 2008, Sugar Bowl Bakery mở rộng thêm 5 tiệm bánh và 2 nhà máy mới ở vùng vịnh San Francisco.
Sau hơn 20 năm hoạt động, mục tiêu ban đầu của ngày đến Mỹ đã thành hiện thực: mỗi người đã có một tiệm bánh của riêng mình. Song, chưa đầy 3 năm sau, họ lại bán đứt tất cả các tiệm bánh và một lần nữa cùng nhau “nhào nặn” một Sugar Bowl Bakery mới.
Thăng hoa cùng Costco
Diện mạo mới của Sugar Bowl Bakery có sự góp phần không nhỏ từ hệ thống bán lẻ Costco. Để thương hiệu tồn tại lâu dài, sản phẩm cần phải thâm nhập vào các hệ thống bán lẻ lớn tại Mỹ. Cho nên ngay từ đầu năm 2002, họ Lý đã tìm cách tiếp cận Costco, hãng bán lẻ uy tín và khó tính nhất tại đây. “Với Costco, chúng tôi phải làm ra bánh có chất lượng tốt nhất ở mức giá thấp nhất”, Andrew cho biết.
Tuy nhiên, hàng gửi thử lại bị Costco trả về. Nhưng, sau mỗi lần như thế, anh em nhà họ Lý lại càng quyết tâm nghiên cứu đầu tư cải tiến chất lượng bánh.
Chất lượng không chỉ nằm ở nguyên liệu, mà còn dựa vào công nghệ để bảo đảm vệ sinh. Để đáp ứng yêu cầu của Costco, họ Lý đã chi hàng triệu USD nâng cấp nhà máy. Các dây chuyền sản xuất được tự động hóa bằng robot. Đặc biệt, bánh sau khi nướng được làm lạnh bằng máy xoáy vòng tốc độ cao. Công nghệ này giúp giữ bánh đến 20 ngày mà không cần chất bảo quản. Không chứa chất bảo quản chính là điểm khác biệt của sản phẩm Sugar Bowl Bakery. Kết quả là đến năm 2008, Costco cùng 14 hệ thống bán lẻ khác của Mỹ đã chấp nhận nhập bán 4 dòng bánh Petite Palmiers, Petite Brownie Bites, Madeleines và Duet Bites của Sugar Bowl Bakery.
Có được cái bắt tay lâu dài của các nhà bán lẻ, Sugar Bowl Bakery đã lột xác hoàn toàn thành thương hiệu quốc tế. Trong cơn khủng hoảng năm 2008, khi các lò bánh khác phải lo cắt giảm chi phí thì anh em nhà họ Lý lại tự tin đầu tư vào mảng bánh ngọt cao cấp. Nhánh sản xuất 350 loại bánh phổ thông trước kia cùng 6 tiệm bánh được bán đi nhằm huy động vốn xây dựng một nhà máy quy mô lớn tại thành phố Hayward, phía Đông vùng vịnh San Francisco. “Costco đã dạy chúng tôi cách làm hiệu quả. Đầu tư vào nhà máy và chất lượng, giá bánh được hạ xuống thấp hơn bất cứ đối thủ nào”, Andrew Lý cho hay.
Ông Andrew Lý, Tổng Giám đốc Sugar Bowl Bakery - Ảnh: Fortune |
Với lợi thế này, Super Sugar Bowl hiển nhiên trở thành thương hiệu ưa thích của người tiêu dùng Mỹ. Doanh số Công ty tăng tới 40 triệu USD mỗi năm, bền vững quanh mức 20-25%; và hãng này bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài. Trong năm 2014, lợi nhuận biên tiếp tục được nới rộng khi Công ty lắp đặt máy phát điện năng lượng mặt trời để giảm 65% chi phí điện, đồng thời loại bỏ lượng cacbon và khí ga thải ra môi trường.
Tháng 4.2015, Super Sugar Bowl cho ra mắt dòng bánh hữu cơ, hoàn toàn làm từ nguyên liệu tự nhiên. Mục tiêu của họ Lý là đáp ứng nhu cầu dùng thực phẩm hữu cơ của 81% gia đình Mỹ hiện nay. Trước thành công liên tiếp, Micheal Lý, con trai Andrew Lý kiêm Giám đốc Marketing Công ty, khẳng định rằng: “Chuyện chúng tôi giành thị phần lớn hơn chỉ còn là vấn đề thời gian”.
Như vậy, không phải ngẫu nhiên mà Obama chọn Sugar Bowl thành minh chứng sinh động cho giấc mơ Mỹ đã thành hiện thực. Ngoài 2 yếu tố chịu khó và kiên trì mà Obama kết luận về thành công của gia đình họ Lý, còn có mối đoàn kết bền chặt giữa các thành viên gia đình và cả với cộng đồng. Andrew Lý kết luận: “Nếu bạn chỉ làm cho bản thân, thứ bạn làm sẽ chết đi cùng bạn. Nhưng, nếu bạn làm vì người khác, thứ bạn làm sẽ tồn tại mãi mãi”.
Đoàn Hoa