Thứ Sáu | 31/05/2013 16:41

Shangri-La: 'Nút tạm nghỉ' cho vấn đề Biển Đông

Đối thoại Shangri-La khai mạc tối nay được đánh giá là cơ chế hữu hiệu để các bên gặp nhau, đối thoại về vấn nóng như biển Hoa Đông hay Biển Đông.
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn được gọi là Đối thoại Shangri-La ra đời từ năm 2002, nhằm tạo diễn đàn cho các quan chức, chuyên gia an ninh hàng đầu về quốc phòng của các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đối thoại, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác an ninh. Năm nay, Đối thoại có sự tham gia của đại diện 31 quốc gia, trong đó có nhiều bộ trưởng quốc phòng cùng các quan chức an ninh, ngoại giao và học giả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị tối nay với tư cách là diễn giả chính. "Bài phát biểu của thủ tướng sẽ đề cập đến chính sách đối ngoại - an ninh - quốc phòng vì hòa bình - an ninh và hợp tác phát triển của Việt Nam; các biện pháp xây dựng lòng tin dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời đề xuất phương hướng xử lý các vấn đề liên quan đến duy trì hòa bình ổn định ở khu vực, trong đó có vấn đề an ninh - an toàn hàng hải ở Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La tối nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La tối nay.

Phái đoàn Mỹ đến tham dự hội nghị do Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel dẫn đầu. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Hagel tới châu Á kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Lầu Năm Góc đánh giá đối thoại Shangri-La đang trở thành cấu trúc an ninh cơ bản và quan trọng nhất ở châu Á.

Ông Hagel dự định sẽ có bài phát biểu ngày 1/6 về chiến lược "tái cân bằng" hướng đến châu Á cũng như tiến trình thực hiện chiến lược đó với các nước đồng minh trong khu vực.

"Trọng tâm của năm nay thực sự là vấn đề tiến trình chiến lược. Năm ngoái, chúng tôi chia sẻ phương hướng của chiến lược mới ở khu vực. Năm nay chúng tôi sẽ cho thấy tiến trình của việc tái cân bằng đang được tiến hành", một quan chức quốc phòng cấp cao trong đoàn Mỹ nói với AFP.

Đi cùng ông Hagel còn có Đô đốc Samuel Locklear, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương và khoảng một chục quan chức khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhân dịp này có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Ông Hagel cũng sẽ tiếp xúc với những người đồng cấp của các nước Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... và gặp 3 bên với các bộ trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc.

Phái đoàn Trung Quốc bắt đầu tham dự hội nghị Shangri-La từ năm 2007, thường do quan chức cấp cao trong quân đội dẫn đầu, thấp hơn cấp Bộ trưởng Quốc phòng. Hội nghị năm nay ông Thích Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân, sẽ là trưởng đoàn Trung Quốc.

Hội nghị Shangri-La lần thứ 12 này có sự hiện diện mạnh mẽ của châu Âu. Anh và Pháp đều cử bộ trưởng quốc phòng đến tham dự. Ngoài ra, còn có bà Catherine Ashton, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt và nhiều tướng lĩnh thuộc ủy ban quân đội EU và NATO. Đại diện của châu Á cũng rất mạnh mẽ với bộ trưởng quốc phòng của 11 nước, trong đó có Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cơ chế hữu hiệu

Diễn đàn an ninh này được Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), có trụ sở tại Anh, tổ chức tại địa điểm là khách sạn Shangri-La của Singapore. Đối thoại Shangri-La được coi là nhân tố quan trọng trong việc định hình các vấn đề an ninh đang nổi lên ở châu Á - Thái Bình Dương.

Nội dung nghị sự chính của hội nghị năm nay bao gồm: Cách tiếp cận của Mỹ với an ninh khu vực; Bảo vệ lợi ích quốc gia, ngăn ngừa xung đột; Hiện đại hóa quân đội và minh bạch chiến lược; Những xu hướng mới trong an ninh châu Á-Thái Bình Dương; và Thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ tổ chức 6 phiên họp đặc biệt gồm: Phòng tránh sự cố trên biển; Tình hình tại Afghanistan và an ninh khu vực; Phòng thủ tên lửa ở châu Á-Thái Bình Dương; Công nghệ và học thuyết quân sự mới; Ngoại giao quốc phòng và ngăn ngừa xung đột; và Vấn đề an ninh mạng tại châu Á.

Tàu hải quân Mỹ hiện diện tại khu vực Biển Đông.
Tàu hải quân Mỹ hiện diện tại khu vực Biển Đông.

Đối thoại Shangri-La không chỉ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên biển gia tăng mà còn ở vào thời điểm chưa có câu trả lời cho tương lai của những mối quan hệ then chốt trong khu vực, nhất là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Tổng giám đốc và Giám đốc điều hành của IISS, John Chipman, nhận định xu hướng này sẽ trở nên quen thuộc trong những năm tới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với các tranh chấp trên Biển Đông, biển Hoa Đông, vấn đề tên lửa Triều Tiên, tạo nên một năm "cực kỳ bận rộn".

"Khi đó đối thoại Shangri-la sẽ mở ra một cơ hội để nhấn nút tạm dừng và để cho tất cả các bộ trưởng Quốc phòng trong khu vực và các bên có quyền lợi trong nền an ninh ở châu Á thảo luận về các vấn đề", BBC dẫn lời ông Chipman nói.

Christian Le Miere, một chuyên gia khác của IISS, cho rằng căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo tại khu vực khá nhạy cảm này đang diễn biến nguy hiểm. Nếu không kịp thời có biện pháp làm dịu tình hình, tranh chấp chủ quyền biển đảo có nguy cơ gây ra những tranh chấp khác giữa các nước, các bên liên quan.

Tình trạng bất ổn ở Biển Đông không phải là mới. Tuy nhiên, cái chết của ngư dân Đài Loan vừa qua lại cho thấy hình ảnh một Biển Đông khá mới mẻ. Đó là nguy cơ sử dụng khu vực biển này làm nơi giải quyết những bức xúc, bất đồng liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau. Điều này khiến tranh chấp ở Biển Đông ngày càng nguy hiểm.

Những diễn biến trong thời gian gần đây minh chứng cho quan điểm của ông Le Miere. Tàu chiến Trung Quốc cũng như tàu Mỹ vừa có các hoạt động diễn tập với sự tham gia của các chiến hạm lớn trên Biển Đông. Các căng thẳng cả trên ngôn từ lẫn hành động giữa Bắc Kinh và Manila quanh một bãi cạn (mà Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây) chưa có dấu hiệu gì lắng dịu.

"'Ngoại giao pháo hạm' đã được áp dụng để tạo sức mạnh răn đe ngay tại vùng biển quốc tế. Đó là một diễn biến rất nguy hiểm, nhất là khi căng thẳng vượt qua tầm kiểm soát của các bên", ông Miere cảnh báo.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị An ninh ở Shangri-La được kỳ vọng là nơi các bộ trưởng quốc phòng có thể gặp gỡ và lên tiếng, để giải quyết các vấn đề trong khu vực một cách hiệu quả.

Nguồn VnExpress


Sự kiện