May và tặng khẩu trang đã trở thành phong trào trong cộng đồng người Việt ở Đức. Ảnh: Tapchiquehuong
Phong trào may và tặng khẩu trang của người Việt ở Đức
Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát và ngày một gia tăng ở nước Đức, nhu cầu khẩu trang tại các bệnh viện, viện dưỡng lão trở nên cấp thiết, phong trào “nhà nhà may, người người may” khẩu trang đang mở rộng tại một số tỉnh, thành phố nước Đức.
Nơi khởi phát đầu tiên của việc may khẩu trang, theo tờ Thế giới & Việt Nam, là bà con vùng Dresden, nòng cốt là Hội Văn hóa Việt Nam, Hội Phụ nữ Dresden và nhóm thiện nguyện của chị Võ Thiên Nga. Riêng Hội Văn hoá Việt Nam đã mở đầu bằng việc tặng 2000 khẩu trang cho bệnh viện Vincentius.
Chiến dịch chung tay may khẩu trang chống dịch đang bước vào thời kỳ cao điểm. Vùng Dresden đã may được hàng ngàn chiếc khẩu trang tặng cho các bệnh viện, viện dưỡng lão, các trung tâm y tế và cả người dân Đức, bà Võ Thiên Nga viết trên trang Facebook cá nhân.
Bà Võ Thiên Nga cũng kêu gọi mọi người tiếp tục ủng hộ vải, tiếp tục may khẩu trang phục vụ nhu cầu chống dịch đang trở nên cấp thiết.
Nhận được tin nhiều nhóm may khẩu trang đang thiếu vải, bà Trịnh Thị Mùi - Tổng Giám đốc TTTM Thái Bình Dương, đã đưa khoảng 5000 áo T.Shirt có chất liệu cotton 100%, để bà con để may khẩu trang dành tặng cho các nhân viên y tế và nhân viên điều dưỡng.
Berlin là nơi người Việt định cư đông nhất nên phong trào may khẩu trang và quyên góp các thiết bị y tế ủng hộ các bệnh viện, nhà dưỡng lão, trung tâm y tế được xem là rầm rộ, phong phú nhất cả về số lượng và hình thức.
Tại đây, nhóm Từ thiện Sen Vàng, một trong những tổ chức đầu tiên tại Thủ đô Berlin may khẩu trang thiện nguyện, có 9 điểm may khẩu trang và các thành viên của nhóm này tỏa đi các nơi trao tặng kể cả cơ sở y tế lẫn người dân.
Kêu gọi may khẩu trang và quyên góp các vật dụng bảo hộ y tế các doanh nghiệp của Trung tâm Thương mại (TTTM) Đồng Xuân và Hội Phụ nữ Đồng Xuân được tổ chức quy củ, thu hút đông đảo người Việt tham gia.
Phong trào may và tặng khẩu trang ngày một lan rộng. Cũng theo Thế giới & Việt Nam, tại vùng Cottbus, hôm 30.3, bà con người Việt ở đây đã đem tặng 700 khẩu trang tự may cho bệnh viện thành phố này.
Tại Rostock, Ban liên lạc lớp Doanh nghiệp Rostock và sự đồng hành của Hội Phụ nữ Rostock đã kêu gọi quyên góp và may khẩu trang. Ngày 3.4, Ban liên lạc cùng với đại diện các cơ sở may, các nhà tài trợ đã trao 2500 chiếc khẩu trang đầu tiên do chính tay người Việt Nam may, cho bệnh viện Klinikum Südstadt.
Một trong những hoạt động hiệu quả là nhóm “Chung tay” gồm 5-6 thành viên đứng đầu là chị Đỗ Thu Hà. Trong ngày ra quân đầu tiên, nhóm đã tặng 6.000 khẩu trang y tế, 1.400 khẩu trang may, 12.000 găng tay và 30 hộp xịt khuẩn cho 2 bệnh viện, 1 phòng khám, 1 trung tâm chăm sóc sức khỏe người già và Liên hiệp các nhà điều dưỡng.
Ngày 3/4, nhóm đã chuyển 300 chiếc khẩu trang tự may nhờ Đại sứ quán Việt Nam chuyển tới Đại sứ quán Italy như một món quà dành tặng cho những người dân Italy sớm vượt qua đại dịch.
Những chiếc khẩu trang tuy nhỏ bé nhưng là cả tấm lòng của bà con người Việt mong muốn được góp một phần nhỏ bé vào một mục tiêu to lớn là đẩy lùi đại dịch đem cuộc sống yên lành về cho mọi nhà.