Nguồn ảnh: TL
Ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Metran: "Chúng tôi có thể sản xuất 5.000-10.000 máy trợ thở mỗi tháng"
“Việt Nam phải chuẩn bị đối phó ngay tình huống dịch bệnh lây lan nhanh kéo theo hiện tượng gọi là sự sụp đổ của hệ thống y tế”, Giáo sư, nhà nghiên cứu Trần Văn Thọ, Trường Đại học Waseda, Tokyo, Nhật, chia sẻ như vậy vào cuối tháng 3.2020, khi con số bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã chạm ngưỡng 200 ca và Thủ tướng Chính phủ công bố thông tin, toàn quốc thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15ngày.
Phát minh của người Việt
Theo Giáo sư Trần VănThọ, trong tình hình hiện nay, một trong những chuẩn bị cấp báchlà cho sản xuất ngay một số lượng máy trợ thở cần thiết, bổ sung cho tình trạng thiếu hụt hiện tại và sản xuất một số lượng dự phòng. Đây là điều hoàn toàn khả thi, bởi Công ty Trách nhiệm Hữu hạnMetran, doanh nghiệp sản xuất máy trợ thở của Nhật, do nhà phát minh người Việt Trần Ngọc Phúc sáng lập, đã có sẵn một nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế ở Việt Nam.
Với người Nhật, Metran là một thương hiệu đầy ấn tượng. Đây là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong việc sản xuất máy hô hấp nhân tạo. Sản phẩm đầu tiên Công ty nghiên cứu được là chiếc máy hô hấp tần số cao Humming Bir. Sản phẩm này đã giành giải Nhất tại cuộc thi máy hô hấp nhân tạo do Viện Y tế quốc gia Mỹ tổ chức.
Theo Giáo sư Trần Văn Thọ, những ngày qua, ông đã đến gặp nhà phát minh Trần Ngọc Phúc tại Nhật. Rất may, Metran cũng vừa phát minh một loại máy trợ thở nhỏ, dễ thao tác, giá thành thấp và quan trọng hơn cả là người đứng đầu Metran sẵn sàng chuyển giao công nghệ này về Việt Nam.
Trong tháng 4 này, Metran sẽ cùng Việt Nam triển khai sản xuất thiết bị y tế cực kỳ quan trọng trong công tác chống dịch COVID-19. “Trước mắt, Việt Nam có thể sản xuất 2.000 chiếc máy trợ thở, sau đó sẽ tăng lên 10.000chiếc trong vòng 3 tháng tới. Trên thế giới nước nào cũng thiếu loại máy này nên song song với việc đáp ứng nhu cầu trong nước, với tình hình hiện nay, nếu tiếp tục phát huy khả năng này, chúng ta có thể phát triển công nghiệp xuất khẩu máy y tế”, Giáo sư Trần Văn Thọ tính toán.
Vết chân và đường đi
Cuối tháng 1.2020, có mặt trong buổi giao lưu “Ngày trở về: Mẹ ơi con là người Việt Nam”, nhà phát minh Trần Ngọc Phúc, sáng lập viên kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Metran,đã khiến không ít người bất ngờ vì câu chuyện khởi nghiệp của ông.
Năm 1968, ông Trần Ngọc Phúc sang Nhật theo học ngành hóacông nghiệp tại Đại học Tokai. Tốt nghiệp đại học năm 1974, ông làm việc cho Senko, một công ty nghiên cứu thiết bị y tế. Trong những chuyến đi đến bệnh viện cùng đồng nghiệp, chứng kiến những em bé sinh non yếu ớt, được y bác sĩ cố gắng giành giật sự sống qua từng hơi thở, ông không khỏi chạnh lòng.
Dù không được đào tạo chuyên ngành y, cũng chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực hô hấp và lâm sàng sơ sinh nhưng tình thương nảy nở trong lòng đã gieo vào ông một ước mơ lớn. Ông Trần Ngọc Phúc quyết định dấn thân vào lĩnh vực này. May mắn được Senko tạo điều kiện, ông có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu để rồi cuối tháng 12.1982, chiếc máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số (HFO) Humming Bir của ông ra đời.
Theo ông Phúc, phổi của trẻ sinh non thường chưa hoàn thiện. Vì vậy, thiết bị của ông không phải là bơm không khí vào mà là rung từ từ cho ôxy thấm và tan vào buồng phổi yếu ớt của trẻ. Hiện tại, phát minh này đã được sử dụng tại 90% bệnh viện, phòng chăm sóc trẻ sơ sinh trên toàn nước Nhật. Trước khi có phát minh trên, tại Nhật, 90% trẻ sinh non tử vong. Nhờ Humming Bir,99,7% trẻ sinh non được cứu sống. Các chuyên gia đánh giá, đây là phát minh của một người thực sự yêu trẻ con, chỉ tâm niệm một điều làm sao cứu sống được trẻ sinh non càng nhiều càng tốt.
Hai năm sau khi Humming Bir được công nhận, ông Trần Ngọc Phúc thuyết phục vợ, gom tất cả tài chính dành dụm để thành lập Metran tại thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama, để có thể kinh doanh theo điều mình mong muốn. Dùrời khỏi Senko sau hơn 10 năm làm việc, nhưng mối quan hệ của ông với nơi này vẫn vô cùng gắn bó.
Đến mức khi Metran có đơn hàng lớn từ Viện Sức khỏe Mỹ, chính Senko đã cho ông sử dụng nhà xưởng lẫn nhân công để có thể hoàn thành đơn hàng. Theo ông Trần Ngọc Phúc, không dễ để một người da vàng ngoại quốc hòa nhập được vào xã hội Nhật. Muốn thích nghi ở xứ người, không điều gì khác ngoài nỗ lực hơn cả người bản xứ. "Khi mình sống tha hương và ở trong nước của người ta, mình phải để lại vết chân và đường đi của mình", ông chia sẻ.
Nhờ tinh thần phấn đấu không ngừng, ông Trần Ngọc Phúc đã làm nên sự nghiệp rạng danh người Việt tại Nhật. Không chỉ vậy, trong vai trò Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật, nhiều năm qua ông đã đưa rất nhiều chuyên gia về Việt Nam đào tạo cho đội ngũ bác sĩ trong nước. Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, nhà phát minh này cho biết, hiện có nhiều quốc gia đề nghị đặt hàng. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất của Metran có hạn nên Công ty đang làm việc với các công ty tư vấn thế giới để chuyển nhượng bản quyền sáng chế máy trợ thở cho các đơn vị tuân thủ các chính sách của Metran. Điều này sẽ giúp gia tăng năng lực sản xuất máy trợ thở trên toàn cầu.
Khó khăn mà Metran đang phải đối mặt là vấn đề nguyên liệu,do linh kiện quan trọng nhất trong máy trợ thở là flow sensor (cảm biến lưu lượng) để đo lưu lượng và pressure sensor (cảm biến áp lực) để đo áp lực đều đã khan hiếm do các công ty sản xuất máy trợ thở trên thế giới đặt trước. Theo ông Phúc, Metran đang nỗ lực hết sức để tìm kiếm nguồn cung cấp linh kiện. Phần sản xuất có thể chuyển về Việt Nam vàtập trung huấn luyện để có thể tận dụng nguồn nhân lực bản địa. “Nếu tìm được đủ nguồn cung linh kiện, Metran có thể sản xuất 5.000-10.000 máy trợ thở mỗi tháng”, ông Phúc nói.