Chủ tịch HALOVI nhiệm kỳ 2021-2026 - ông Nguyễn Quốc Bình. Ảnh: TL.

 
Minh Duy Chủ Nhật | 28/03/2021 14:00

Ông Nguyễn Quốc Bình được bầu là Chủ tịch HALOVI nhiệm kỳ 2021-2026

Với vai trò Phó Chủ tịch thường trực trước đó, ông Nguyễn Quốc Bình đã vận động, kêu gọi, tập hợp đội ngũ doanh nhân, kiều bào đầu tư về Việt Nam.

Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hà Nội (HALOVI) vừa tổ chức Đại hội khóa III, nhiệm kỳ 2021-2026, với chủ đề “Đoàn kết - Hợp tác - Phát triển”. Tham dự đại hội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố; ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài.

Đại hội thành công tốt đẹp. Ảnh: TL.
Đại hội thành công tốt đẹp. Ảnh: TL.

Theo đó, nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động của Hội tiếp tục được duy trì và mở rộng, thực hiện tốt vai trò đại diện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hà Nội, là cầu nối cho người Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp.

Bên cạnh đó, HALOVI đã tham gia tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; ký kết hợp tác với nhiều tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy, kết nối kiều bào với các hoạt động trong nước; vận động các hội viên, kiều bào tham gia quyên góp tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn...

Đặc biệt, Hội đã chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của hội viên, tập hợp đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước và thành phố các thủ tục hành chính, các cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ hội viên, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Trong nhiệm kỳ 2021-2026, Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội và các tổ chức thành viên vững mạnh; chủ động, sáng tạo triển khai các hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân..., góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội luôn coi đây là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, là cầu nối quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Thủ đô và đất nước với bạn bè quốc tế; thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng trong khu vực và trên thế giới.

Để phát huy vai trò người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước, ông Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hà Nội tiếp tục củng cố và phát huy vai trò là cầu nối giữa các cấp, các ngành của thành phố với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, vận động, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài hướng về xây dựng Thủ đô, đất nước.

Hiện UBND thành phố đã giao các sở, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào là nhà đầu tư, doanh nhân, trí thức về Việt Nam đầu tư, kinh doanh; triển khai các chính sách ưu đãi và thu hút những chuyên gia, trí thức Việt kiều có trình độ chuyên môn cao đóng góp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội gồm 47 thành viên. Ông Nguyễn Hồng Sơn là Chủ tịch danh dự; ông Nguyễn Quốc Bình là Phó Chủ tịch thường trực HALOVI, thành viên Hội đồng tư vấn Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội đã được bầu là Chủ tịch Hội nhiệm kỳ mới.

Ông Bình cũng là người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021- 2026. Trước đó, trong vai trò Phó Chủ tịch thường trực HALOVI, ông Bình đã vận động, kêu gọi, tập hợp được đông đảo đội ngũ doanh nhân, kiều bào đầu tư về quê hương, đất nước. 

Hiện, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, gia tăng về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Hiện nay, cộng đồng NVNONN có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển.

Cộng đồng NVNONN ngày càng gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tính đến tháng 10.2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối toàn cầu năm 2020 giảm khoảng 7%. Trong đó, kiều hối về Việt Nam ước đạt khoảng 15,7 tỉ USD, thuộc top 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Tính chung trong 5 năm qua, tổng kiều hối gửi về nước đạt 71 tỉ USD, tăng trưởng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2018 và 2019 đạt lần lượt là 16 và 16,7 tỉ USD.